Ngày 23/12, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra lời đe dọa đối với Iran sau cuộc tấn công hôm Chủ Nhật nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, sự vụ mà Washington tuyên bố là do một nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn tiến hành.
Từ vụ việc này, một số chuyên gia về Trung Đông đã tìm cách diễn giải động thái của Tổng thống Trump và thảo luận về khả năng liệu Nhà Trắng có dùng đến hành động quân sự tấn công Tehran hay không.
Theo thông báo của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), khoảng 21 quả rocket đã được lực lượng tấn công bắn trúng Vùng Xanh (Green Zone), khu vực Ngoại giao đoàn ở Thủ đô Baghdad của Iraq với mục tiêu chủ yếu là Đại sứ quán Mỹ.
Mặc dù cuộc tấn công không gây ra thương tích hoặc thương vong cho Mỹ nhưng nó đã làm hư hại các tòa nhà trong khu phức hợp. Vì vậy, Lầu Năm Góc cho rằng cuộc tấn công "rõ ràng không nhằm mục đích tránh thương vong" và đổ lỗi cho "một nhóm dân quân bất hảo được Iran hậu thuẫn" tiến hành.
Tên lửa phòng không Iran trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP
Căng thẳng rõ ràng đang tiếp tục leo thang trong khu vực khi cách đây khoảng một tháng, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, ông Mohsen Fakhrizadeh đã bị bắn chết bởi một vũ khí điều khiển từ xa ở phía đông Tehran.
Không cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng Iran cáo buộc Israel và một nhóm đối lập lưu vong tiến hành. Vụ ám sát cũng làm gợi nhớ lại tình huống tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị giết hại vào tháng 1/2020.
Tại sao Tổng thống Donald Trump lại lớn tiếng đe dọa Iran đến như vậy?
Theo nhà báo Hooman Majd, nhà bình luận người Mỹ gốc Iran thì “ông Trump rõ ràng muốn trừng phạt Iran trong phạm vi có thể, trước khi không còn quyền hành động như vậy sau chưa đầy hai tháng nữa”.
Dưới đây là những lý do được nhà báo Hooman Majd đưa ra để bảo vệ cho lập luận của mình:
Thứ nhất, ông Trump muốn thấy chính quyền Biden kế nhiệm phải gặp khó khăn để tái gia nhập Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), hay vẫn thường biết đến với tên gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, mà Nhà Trắng đã rút lui vào năm 2018;
Thứ hai, có lẽ đó sẽ là hành động để trả thù cho việc Iran không tuân theo các yêu cầu mà ông Trump đưa ra để đàm phán một thỏa thuận mới;
Thứ ba, có thể là do chính sách "gây áp lực tối đa" của Tổng thống Trump đối với Iran đã thất bại nhưng ông lại muốn theo đuổi nó đến cùng;
Thứ tư, điều đó cho thấy ảnh hưởng của Ngoại trưởng Mike Pompeo rõ ràng ngày càng tăng. Ông Pompeo vẫn nổi tiếng là một nhân vật “diều hâu” trong vấn đề Iran;
Thứ năm, những lo ngại của Israel và Ả Rập Xê Út về việc Washington dự kiến sẽ tái gia nhập JCPOA cũng có thể xuất hiện ở đây;