“Ông trùm” của những vụ gian thương là ai?

Dương Thanh Tùng |

Năm qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại TP.HCM tăng trên 5% so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở các mặt hàng như ngà voi, hàng điện lạnh đã qua sử dụng với quy mô lớn, chiêu thức tương tự nhau. Điều đáng nói là, rất nhiều vụ việc bị phát hiện nhưng không thể bắt được các “ông trùm” đứng đằng sau.

Nhan nhản doanh nghiệp "ma"

Các đối tượng buôn lậu tìm đủ mọi phương thức, thủ đoạn để có thể đưa hàng từ nước ngoài tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ. Trong đó, có việc thành lập các doanh nghiệp "ma" để buôn lậu. Để thực hiện trót lọt, các đối tượng này đã lợi dụng hàng quá cảnh, "chọn luồng", khai sai tên hàng hóa...

Một trong những cái tên điển hình là công ty TNHH TM-DV Vận tải giao nhận hàng hóa XNK Nguyễn Tấn, (địa chỉ 12A/5, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Khi nhập hàng, doanh nghiệp này khai hải quan để làm thủ tục thông quan tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 là vải cuộn các loại, tình trạng mới 100%. Thực tế, bên trong nhiều container có hàng ngàn bộ máy lạnh đã qua sử dụng. Tất cả số hàng này được nhập khẩu từ Nhật Bản.

Tương tự, công ty TNHH TM DV Vận tải giao nhận hàng hóa XNK Trí Nguyễn (số 3/4 đường Phan Văn Sử, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng đứng tên lô hàng khai báo nhập khẩu rổ nhựa về TP.HCM qua cảng Cát Lái.

Điều đáng nói là doanh nghiệp này vận chuyển tới 8 container hàng được nhập khẩu từ Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế toàn bộ hàng hóa đều là hàng cấm, gồm máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện... đã qua sử dụng.

Hay những phi vụ buôn lậu với hàng tấn ngà voi đình đám trong thời gian qua do những cái tên có nhiều điểm giống nhau thực hiện gồm: Công ty TNHH TM DV Diệu Tiên (66/8 đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình); công ty TNHH DV Vận tải Giao nhận Hàng hóa XNK Kim Thành (30/10 đường Thạnh Mỹ Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2); công ty TNHH DV Vận tải giao nhận hàng hóa XNK Huỳnh Phát (số 27 đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình); công ty TNHH MTV SX-TM-DV Tam Phúc (số nhà 83, tổ 3, ấp 2, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước)....

Theo tìm hiểu, điều tra của PV, những công ty như Huỳnh Phát, Tam Phúc, Diệu Tiên... đều là doanh nghiệp "ma". Hiện nay, các công ty này không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh nhưng chưa đóng mã số thuế. Trên cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, các công ty này vẫn trong tình trạng "đang hoạt động".

“Ông trùm” của những vụ gian thương là ai? - Ảnh 1.

Nếu phát hiện "bất trắc", các đối tượng từ chối nhận hàng, không đến chứng kiến việc khám xét trọng điểm.

Chiêu thức được nhiều đối tượng buôn lậu sử dụng, đó là thường xuyên thay đổi người đại diện pháp luật. Trường hợp hàng có vấn đề thì tiến hành điều chỉnh tên hàng hóa, tên doanh nghiệp, đồng thời xin điều chuyển từ loại hình nhập kinh doanh sang loại hàng quá cảnh. Nếu phát hiện "bất trắc", các đối tượng này từ chối nhận hàng, không đến chứng kiến việc khám xét trọng điểm.

Dù núp dưới những cái tên khác nhau nhưng, các đơn vị này có một điểm chung đều là "công ty TNHH TM DV giao nhận hàng hóa XNK...". Số doanh nghiệp này được phân bố rải rác khắp các quận, huyện vùng ven của TP.HCM như: Tân Bình, Thủ Đức, Tân Phú và một số địa phương khác như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước...

Thậm chí, nhiều đơn vị còn đánh lạc hướng cơ quan chức năng bằng cách vận chuyển hàng về các cảng khác nhau, sau đó mới đưa đến cảng đích là TP.HCM. Ví dụ như công ty TNHH TM DV giao nhận hàng hóa XNK Trọng Nguyễn (59 Nguyễn Quang Bích, phường 1, quận Tân Bình) khai nhận lô hàng là máy đánh bóng thép đã qua sử dụng, nhưng thực tế đó là 326 cục lạnh, 319 cục nóng máy lạnh, 24 máy giặt và 18 nồi cơm điện đã qua sử dụng. Doanh nghiệp này mở tờ khai tại chi cục Hải quan Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Hay như công ty Trí Nguyễn, để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, doanh nghiệp này đã chuyển lòng vòng hàng qua nhiều nước: Từ Nhật Bản qua Trung Quốc, sau đó lại đến cảng Hồng Kông rồi mới chuyển về cảng Cát Lái.

Đang điều tra để truy tố

Một cán bộ Hải quan TP.HCM phân tích: "Các đối tượng sử dụng doanh nghiệp mới thành lập, có lý lịch sạch nhưng không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh để thực hiện việc nhập khẩu hàng cấm là có tổ chức và chuẩn bị, sắp xếp rất chu đáo.

"Thậm chí, có đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp khác nhau để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm. Các mặt hàng thường được các đối tượng này lựa chọn để buôn lậu, vận chuyển là ngà voi, hàng điện lạnh đã qua sử dụng. Rõ ràng, cách thức tổ chức của các đối tượng là có hệ thống và thường nhập số lượng hàng cấm rất lớn", vị này cho biết thêm.

Thông tin từ cục Hải quan TP.HCM cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã rà soát, kiểm tra và thống kê có gần 80 doanh nghiệp trên địa bàn lập địa chỉ "ma" để buôn lậu, gian lận thương mại. Danh sách này đã gửi cho cơ quan chức năng điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: "Ngoài các phương thức, thủ đoạn thường thấy thì các đối tượng buôn lậu còn cố tình thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, thường xuyên thay đổi trụ sở... để hoạt động".

"Các đối tượng còn dùng giấy giới thiệu, con dấu, chữ ký giả của giám đốc và ghi sai tên người đi làm thủ tục hải quan để đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện sai phạm. Thậm chí, nhiều đối tượng làm giả hồ sơ, con dấu của hải quan... để thông quan hàng hóa", ông Hùng nói thêm.


Không biết "ông trùm" là ai?

Theo đánh giá của ban Chỉ đạo 389 TP.HCM, hoạt động buôn lậu tại địa bàn TP.HCM xảy ra trên tất cả các tuyến đường: Thủy, bộ, sắt, hàng không bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi.

Đối tượng cầm đầu các đường dây này thường không xuất hiện, chỉ giao lại cho cấp dưới, người thân đảm nhiệm. Nếu bị phát hiện, các đối tượng chính, chủ chốt bỏ trốn, trong khi đó, những người bị bắt giữ (nếu có) thường không biết hoạt động buôn lậu này, thậm chí cả "ông trùm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại