Công ty cổ phần ô tô Hàng Xanh (HAXACO) là công ty bán nhiều xe "Mẹc" (Mercedes-Benz) nhất Việt Nam trong những năm qua. Cứ 10 xe Mẹc bán trên thị trường thì có gần 4 chiếc được bán bởi HAXACO. Tuy nhiên, ông Đỗ Tiến Dũng – Tổng giám đốc của công ty này không sở hữu một chiếc ô tô nào.
Lý do lớn nhất, theo ông Dũng, là bài toán kinh tế. Một doanh nghiệp bán xe luôn có thừa xe để ông chủ dùng, “tội gì” đăng ký tên cá nhân để khi bán bị… mất giá. Và lý do thứ hai, ông Dũng nói: “Là người đứng đầu doanh nghiệp thì mình phải đi xe đẹp để khách hàng không đánh giá, chứ thực sự tôi đi xe đạp cũng được”.
Đối với ông Dũng, xe đẹp nhất là chiếc xe bán chạy nhất. Còn nếu ế, nó không thể đẹp được.
“Xe tôi đang đi mà có khách muốn mua, 5 phút sau tôi đi xe khác, bắt tài xế quay về cho khách xem. Xe là tài sản của công ty, bán có lãi là phải bán ngay, ngay khẩn trương. Cho nên, tôi là người đổi xe nhiều nhất” – Ông Dũng kể.
Cũng như quan điểm với ô tô, phòng làm việc của TGĐ HAXACO bài trí đơn giản và vừa đủ. Thứ duy nhất ông chủ đặt nặng tầm quan trọng chính là chiếc điều hòa, vì sợ phòng bị nóng. Nhưng thậm chí đây cũng là một chiếc điều hòa cũ được tháo từ phòng khác sang.
Nhiều người đi thuê xe nhưng khoe trên báo chí là sở hữu siêu xe nọ kia. Nhiều chủ doanh nghiệp chỉ vừa vừa nhỏ nhỏ thôi nhưng phòng dát vàng, đặt châu báu, khoe thỉnh thầy phong thủy… để thể hiện là mình giàu có. Còn tôi nghĩ, những đại gia thực sự chỉ cần một cái phòng đẹp vừa đủ” – Ông Dũng nêu quan điểm.
Doanh nhân này kể, ngày xưa, có lúc ông cũng phải “cố” để mua những vật dụng đắt đỏ (nhiều khi là đồ cũ) để thể hiện là mình có tiền. Nhưng khi đã có 700 - 800 cán bộ nhân viên để lo lắng thì điều quan trọng không phải là căn phòng đẹp hay chiếc xe sang.
Điều quan trọng là cán bộ nhân viên gặp mình có chào không?
Theo ông Dũng, phòng làm việc là nơi đủ để ngồi làm công việc của mình. Có trạm trổ rồng phượng, sơn son thếp vàng cũng chỉ để ngồi, mà bán thì lại… mất giá.
Điều rất dễ nhận thấy ở TGĐ của HAXACO là sự rành mạch và chặt chẽ trong vấn đề tiền bạc. Nó xuất phát từ chuyên ngành học đại học của ông, đó là Tài chính kế toán. Theo ông Dũng, làm kinh tế mà không rõ ràng, minh bạch thì rất nguy hiểm: Cấp dưới không tin tưởng, công việc sai lệch trọng tâm.
Và ông nhấn mạnh, chi li khác với bần tiện. Chi li ở đây là sự tính toán rành mạch để đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc.
Cách đây 5 năm, trong hệ thống Mercedes-Benz Việt Nam, HAXACO xếp vị trí cuối cùng. Nội chiến “tóe lửa”, công ty thua lỗ và đứng bên bờ vực phá sản. Từ một nhà đầu tư nghiệp dư, ông Đỗ Tiến Dũng mua lại cổ phần của công ty, trở thành Tổng giám đốc và đưa công ty sống lại. 3 năm qua, HAXACO rất nỗ lực để vươn lên trở thành đại lý bán nhiều xe Mẹc nhất tại Việt Nam.
Nhưng năm nay, công ty không đặt mục tiêu đứng đầu nữa.
“Có những thời điểm chúng tôi cần khẳng định mình, cần một hình ảnh đẹp và uy tín trong mắt khách hàng, cổ đông. Nhưng thế là đủ rồi. Bây giờ điều quan trọng của tôi là lợi nhuận. Khi có lợi nhuận, có tiền cho mọi người thì vui hơn là nhận bằng khen đứng đầu”.
Theo ông Dũng, vị trí đứng đầu phải chịu rất nhiều áp lực và khi gánh quá nhiều trách nhiệm, người ta không có thời gian để tận hưởng cuộc sống, trải nghiệm xã hội.
“Doanh nghiệp cần phát triển cân đối, có doanh số, có lợi nhuận nhưng cũng cần nội bộ ổn định, đời sống cán bộ nhân viên năm sau cao hơn năm trước và khách hàng trung thành với mình. Doanh số đứng đầu thì chưa chắc mình đã phục vụ được lượng khách hàng đông như thế một cách tốt nhất” - Ông Dũng lý giải.
Sau một thời gian khó khăn bởi các quy định thắt chặt đối với ngành ô tô nhập khẩu và giãn cách xã hội do Covid-19, HAXACO báo lãi kỷ lục trong quý 3/2020. Doanh nhân tuổi Chuột cười khi nói về thành quả của “năm tuổi”: Đấy là sức mạnh tập thể.
Tại sao trong bối cảnh khó khăn như Covid-19, người ta lại mua nhiều xe sang hơn?
Theo tiết lộ của ông Dũng, trước đây, dù có tiền nhưng để mua một chiếc xe sang, nhiều người vẫn phải cân nhắc. Trải qua sự sợ hãi, lo lắng trong dịch bệnh, một bộ phận lớn khách hàng thay đổi suy nghĩ. Họ muốn tận hưởng cuộc sống, dẹp bỏ nỗi băn khoăn khi mua một chiếc xe tốt để cuộc sống của mình thoải mái hơn. Vì ai biết ngày mai bệnh tật thế nào?
Trong nghề bán xe sang như xe Mẹc, “nghệ thuật” không phải là giảm giá.
“Khách mua Mẹc vốn là những người có tiền, đâu cần tôi giảm giá nhiều quá. Họ cần chúng tôi phục vụ tốt, đưa ra những dịch vụ khiến họ hài lòng nhất” - Ông Dũng nói.
Ví dụ, khi khách hàng đang phân vân giữa Mercedes GLC và E - có mức giá tương đương nhau (tầm 2 tỷ đồng), HAXACO sẽ đưa cả 2 chiếc xe đến nhà cho khách đi thử.
Hay khi khách hàng thích nội thất màu sáng, nhưng nhân viên tư vấn nhận thấy nhà có con nhỏ, sẽ tư vấn nên chọn màu tối để không bị bọn trẻ nghịch làm bẩn. Từ những chi tiết nhỏ như vậy, khách hàng cảm thấy sự thấu hiểu và tinh tế của nhân viên tư vấn.
Ông Dũng là một người rất tin vào tâm linh. Ông quan điểm, cuộc đời của con người được quyết định bởi 50% số phận do trời sinh ra, 50% còn lại phụ thuộc vào chính mình. Ông Dũng cũng tin luật nhân quả, rằng, làm điều ác sẽ gây hậu quả xấu đến bản thân và con cháu.
“Số phận trời sinh của tôi là bán ô tô. Còn tử vi nói lên tôi là người may mắn” - Ông Dũng chia sẻ.
Câu chuyện với HAXACO là một sự đưa đẩy của số phận. Khi mua lại HAXACO, trong 3 ngày đầu tiên làm việc, ông Dũng phải đối mặt với “trát” từ cơ quan Thuế, Ngân hàng, Công an và khoản thế chấp 20 tỷ đồng phải nộp ngay trong ngày. Công ty như một cơ thể sắp chết, mỗi tháng bán lay lắt được 5 chiếc xe. Ông Dũng dự tính trụ được 1 năm thì cả đống tiền ông bỏ vào đây sẽ vứt xuống biển.
“Đùng một cái, 6 tháng sau Mercedes-Benz ra sản phẩm mới. Chúng tôi không có đủ để mà bán, bán đến mấy chục xe một tháng. Nó như cơn mưa xuống đúng lúc” - Ông Dũng kể lại - “Một phần cũng là do năng lực của mình, nhưng phần lớn là do may mắn. Nếu vào HAXACO sớm 2 năm, giờ này tôi ra đường rồi”.
Trong hộc bàn làm việc của TGĐ HAXACO có rất nhiều bùa và ấn do các vị cao tăng tặng, nhưng không dán. Ông sếp tin vào tâm linh này lại nhất quyết không dán bùa trong phòng vì tâm linh đối với ông không nằm ở những lá bùa, kể cả việc đi chùa.
Theo ông Dũng, làm doanh nhân, tạo công ăn việc làm cho 700- 800 nhân viên, trả lương đầy đủ, đó cũng là làm việc thiện. Bởi vì các nhân viên đó đi làm có tiền, về nhà vui vẻ, con cái được học hành.
“Một trong những nguyên tắc của tôi là lương tôi có thể thiếu nhưng lương công nhân không thể thiếu” - Ông Dũng nói về nguyên tắc trả lương năm sau luôn phải cao hơn năm trước - “Tôi qua được lúc khó khăn là vì tất cả các nhân viên của tôi ủng hộ. Đó là nhân quả. Đó là tâm linh chứ đâu phải cúng bái, phong thủy gì”.