Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc họp mới nhất của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa triệu tập cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên trong bối cảnh có nhiều phỏng đoán về một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới của Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn KCNA hôm 22-6 đưa tin tại cuộc họp bắt đầu diễn ra một ngày trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã xem xét các chính sách quốc phòng quan trọng của đất nước.
Đây là lần đầu tiên cuộc họp của Quân ủy Trung ương Triều Tiên diễn ra kể từ tháng 6-2021 và sự kiện này có thể kéo dài vài ngày.
Theo trang Bloomberg, một nội dung quan trọng của cuộc họp là lộ trình phát triển vũ khí được ông Kim Jong-un đưa ra ngay trước khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng đầu năm 2021.
Lộ trình này kêu gọi xây dựng lực lượng để tiến hành các vụ tấn công hạt nhân chiến thuật nhằm vào Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cần nâng cao năng lực tấn công đất liền Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Một yếu tố quan trọng của chiến lược trên là thử nghiệm đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể lắp đặt trên tên lửa nhiên liệu rắn thế hệ mới được trình làng trong vài năm qua. Các cuộc thử nghiệm còn tập trung vào loại đầu đạn lớn hơn gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Theo trang Bloomberg, một số chuyên gia nhận định cuộc họp có thể mở đường cho vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.
Ông Cheong Seong-chang, chuyên gia tại Viện Sejong (Hàn Quốc) cho rằng vụ thử hạt nhân thứ 7 của Triều Tiên có thể diễn ra không lâu sau khi cuộc họp trên kết thúc.
Hồi năm 2013, theo ông Cheong, một vụ thử hạt nhân đã diễn ra không lâu sau cuộc họp tương tự.
Khung cảnh cuộc họp. Ảnh: KCNA
Hình ảnh vệ tinh cho thấy công việc chuẩn bị cho một vụ thử mới đã hoàn tất tại Cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri. Đây là nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên.
Một diễn biến như thế, nếu diễn ra, sẽ là lời nhắc nhở chính quyền Tổng thống Joe Biden về mối đe dọa an ninh của Triều Tiên trong bối cảnh Washington đang tập trung vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Nga, Trung Quốc cho phép Triều Tiên củng cố năng lực răn đe hạt nhân mà không phải lo về các biện pháp trừng phạt bổ sung từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Nga và Trung Quốc hồi cuối tháng 5 đã phủ quyết một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Mỹ soạn thảo, theo đó tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng vì một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo trong năm nay.