Chuyên gia kiểm định là những bậc thầy trong giới cổ ngoạn, họ đã chiêm ngưỡng qua muôn vàn bảo vật trong nhân gian, thế nhưng vẫn có những lần các chuyên gia phải mất bình tĩnh vì một món cổ vật. Đó là gì vậy?
Khách mời trong chương trình "Kiểm định bảo vật" lần này là một người đàn ông đến từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), chú mang theo một bộ sưu tập ngọc mà không nói rõ nguồn gốc từ đâu.
Bộ ngọc bao gồm 6 món, trong đó có một món hình dáng giống với ly rượu, phần thân mang màu xanh lam nhạt, miệng ly có màu trắng. Các chuyên gia tỏ rõ vẻ bất ngờ khi nhìn thấy bộ sưu tập này. Họ cho rằng phần màu trắng của ngọc chính là lớp ngọc bên trong, trải qua hàng thiên niên kỷ mới lộ ra ngoài.
Bộ sưu tập đồ ngọc trong chương trình "Kiểm định bảo vật". Ảnh: Baijiahao
"Thứ anh sở hữu không phải ngọc thường đâu, đây là bảo vật quốc gia, phải hiến ngay cho bảo tàng!"
Thì ra đây là những món đồ ngọc niên đại 5000 tới 6000 năm của nền văn hóa Hồng Sơn - nền văn hóa thời đại đồ đá mới ở tại đông bắc Trung Quốc.
Hồng Sơn là hình thức xã hội có hệ thống đầu tiên tại Trung Quốc, lần đầu được phát hiện vào năm 1921. Ở thời kỳ văn hóa Hồng Sơn, các vật dụng đều được tạo ra bằng những công cụ đơn sơ như ván gỗ hay đá mài, do đá nhám ma sát cao nên bề mặt đồ dùng sẽ nổi những đường vân độc đáo.
Bộ sưu tập trên sân khấu "Kiểm định bảo vật" nhìn qua đơn sơ nhưng đều được tạo tác rất mất thời gian, phải làm hàng tháng mới hoàn thành. Chúng được làm từ ngọc Tụ Nham (một loại ngọc bích) trong trẻo, chắc chắn, được tôn là một trong tứ đại ngọc quý tại Trung Quốc.
Vòng ngọc của các nữ thủ lĩnh trong xã hội mẫu hệ. Ảnh: Sohu
Đặc biệt, món đồ mà chủ nhân bảo vật nghĩ là "ly rượu" thực ra là một chiếc vòng tay của các nữ thủ lĩnh trong xã hội mẫu hệ xưa. Chuyên gia cho rằng chủ nhân của nó phải ở vai vế tộc trưởng trong xã hội bấy giờ.
Những món đồ ngọc còn lại có thể là trang sức đeo mũi, đồ dùng trong tế lễ.... Người xưa tin rằng, những món trang sức như thế này này sẽ giúp họ tăng phép thuật, bảo vệ bản thân khỏi yêu ma. Trong các ngôi mộ vào thời kỳ văn hóa Hồng Sơn, lăng mộ nào sở hữu nhiều món đồ ngọc sẽ là nơi an nghỉ của những thầy cúng có uy quyền lớn nhất.
Chuyên gia khuyên khách mời hiến tặng bộ sưu tập này cho viện bảo tàng. Ảnh: Baijiahao
Dù hầu hết những món đồ ngọc trong chương trình đều sứt mẻ, không còn nguyên vẹn, nhưng giá trị của chúng vẫn cực kỳ cao.
Chuyên gia cho rằng nếu bộ sưu tập này được giao nộp cho các chuyên gia khảo cổ hoặc Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc thì giá trị của nó mới được phát huy, rơi vào tay tư nhân sẽ vô cùng lãng phí.
Nghe tới đây, chủ nhân bảo vật tỏ rõ vẻ hãnh diện nhưng cũng có phần bối rối. Anh nói mình sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc này, anh cũng muốn góp công phục hồi một nền văn hóa Hồng Sơn đã bị lãng quên.
https://soha.vn/ong-chu-mang-ngoc-bich-di-kiem-dinh-chuyen-gia-mat-binh-tinh-phai-hien-ngay-cho-bao-tang-20220422113737337.htm