Trần Thăng Khoan (34 tuổi) sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Khi còn rất nhỏ, do mắc bệnh nên bàn chân anh bị biến dạng, không thể đi lại bình thường. Kể từ đó, anh nỗ lực tập dùng tay để tạo lực và chân để hỗ trợ việc đi lại.
Năm 20 tuổi, Trần Thăng Khoan xin vào làm tại một nhà máy ở thành phố Trạm Giang, lương không cao nhưng cũng mang đến cho anh thu nhập ổn định. Tại đây, anh quen biết một thiếu nữ cũng có khiếm khuyết về cơ thể. Hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm, sau đó tiến đến hôn nhân.
Ngày 15/4/2013, con trai đầu lòng của đôi vợ chồng chào đời khỏe mạnh trong niềm ạn phúc của cả gia đình, được đặt tên là Trần Chiêu Viễn. Trần Thăng Khoan đã gửi con về ở cùng ông bà nội để cậu bé được chăm sóc tốt nhất.
Người đàn ông kiên trì bò trên đường tới nhiều tỉnh thành để tìm con trai mất tích. Ảnh: Huanqiu.
Chẳng ngờ, ngày 2/1/2015, cậu bé Trần Chiêu Viễn đột nhiên biến mất. Hay tin con trai mất tích, Trần Thăng Khoan vội vàng bắt taxi về nhà, bò xung quanh làng tìm kiếm nhưng không có tung tích. Người dân trong làng và cảnh sát cũng tích cực tìm kiếm nhưng đều không có kết quả.
Trần Thăng Khoan nghi con trai bị bắt cóc nhưng lại không có manh mối nào về kẻ buôn người. Để có thể tìm con, anh chi vài nghìn NDT phát thông tin trên đài truyền hình địa phương, đồng thời dán thông báo về đứa trẻ.
Đặc biệt, anh bò đi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn với hy vọng có thể gặp lại con. Lúc đói, anh chỉ mua một ít lương khô để ăn, tới khi mệt thì nằm xuống ven đường nghỉ ngơi. Trần Thăng Khoan không ngừng tự động viên mình, tự nhỏ rằng nếu không cố gắng thì sẽ chẳng bao giờ gặp lại được con trai.
Thời điểm sau khi con trai mất tích, anh đã bò khắp thành phố Trạm Giang đăng thông báo tìm người. Ở những nơi có nhiều người qua lại như nhà ga, bến xe..., anh sẽ ở lại đó vài tiếng, hỏi hết người này đến người khác. Mỗi lần nghe được ở đâu có đứa trẻ trông giống con mình, anh lại lập tức lên đường.
Vài tháng sau, có người mách anh đến Quảng Châu, nơi có nhiều phương tiện truyền thông và những người tốt bụng. Quả thực khi tới đây, anh đã nhận được sự chú ý lớn và có thêm nhiều manh mối. Đáng tiếc, những đứa trẻ đó đều không phải con trai anh.
Trong 7 năm qua, Trần Thăng Khoan đã đến nhiều nơi như Bắc Kinh, Nam Kinh, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông và các tỉnh thành khác. Hành trình tìm con đưa người đàn ông này tới nhiều nơi anh chưa từng nghĩ tới.
"Có lẽ là gần nửa Trung Quốc rồi", Trần Thăng Khoan nói, đồng thời cho hay anh từng vô cùng tuyệt vọng khi biết tin con trai mất tích, thậm chí còn không muốn sống.
Trần Thăng Khoan thường rời nhà đi tìm con khoảng 10 ngày rồi lại trở về. Tuy tằn tiện hết mức có thể nhưng anh đã tiêu hết số tiền tiết kiệm 30.000 NDT (khoảng 107 triệu đồng). Anh vừa tìm con vừa làm việc để duy trì cuộc sống gia đình và có thêm lộ phí tiếp tục cuộc hành trình chưa biết khi nào mới kết thúc.
Nhiều năm trôi qua, Trần Thăng Khoan và vợ đã có thêm một con trai và một con gái nhưng anh chưa từng quên con trai đầu lòng. Vào ngày sinh nhật của cậu bé, anh luôn mua một chiếc bánh nhỏ để chúc mừng. Mỗi lần nghĩ đến chuyện con trai đang sống không tốt, không nhận được sự yêu thương, nước mắt anh lại rơi và anh lại bò đi tìm con.
Hai năm trở lại đây, do áp lực nuôi dạy con và ảnh hưởng của dịch bệnh nên Trần Thăng Khoan ít ra ngoài tìm con trai, thay vào đó làm việc trong nhà máy nhiều hơn. Tuy vậy, anh chưa bao giờ từ bỏ ý định tiếp tục tìm con của mình.
"Đợi khi dịch lắng xuống, tôi sẽ tiếp tục đi tìm con. Tôi luôn hy vọng, một ngày nào đó, tôi có thể gặp lại đứa con thất lạc của mình", người đàn ông 34 tuổi nói.