Vận động viên lặn chuyên nghiệp người Ireland Oliver Dingley đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để tập luyện sức mạnh trong một phòng tập thể dục, để chuẩn bị cho việc tham gia Thế vận hội Tokyo 2020. Người từng vào chung kết tại Thế vận hội Rio 2016 này thường thực hành các động tác lộn nhào và dành hàng giờ trên tấm bạt lò xo để đảm bảo rằng anh sẽ tung ra hết sức mạnh bản thân trong các màn so tài ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, khi anh ấy tập luyện trong hồ bơi, một nhóm các nhà phân tích trên bờ đã sử dụng hệ thống phân tích video để phát lại các lần lặn và điều chỉnh động tác cơ thể của nam vận động viên này.
Còn tại Hồng Kông, nơi đang cử một đội gồm 46 người tham gia thi đấu ở 13 môn thể thao, các vận động viên ưu tú đã sử dụng một bộ máy chạy bộ vô cùng hiện đại trong khuôn viên Học viện Thể thao Hồng Kông để cố gắng giảm bớt thành tích xuống vài phần nghìn giây, nhưng vẫn tránh được việc bị thương. Họ cũng sử dụng một chiếc xe đạp tập đặc biệt có thể vừa tập luyện vừa đo sức chịu đựng, cường độ cũng như nhiều chỉ số khác của cơ thể khi vận động.
Thiết bị công nghệ được các vận động viên sử dụng để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020.
Sự kiện Olympic 2020 diễn ra ở Tokyo tới đây sẽ là nơi quy tụ của 11.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. Và cùng tham gia với họ là các huấn luyện viên, nhà khoa học và nhà phân tích, những người cũng sẽ tham gia vào một cuộc đua nhằm để tìm ra công nghệ tiên tiến nhất để giúp các vận động viên tăng cơ hội giành huy chương vàng . Trong các sự kiện trước đây, một vài trong số các công nghệ hiện đại này đã được hé lộ, như cảm biến theo dõi số lần đột quỵ của vận động viên bơi lội đến kính thực tế tăng cường có thể hiển thị nhịp tim của vận động viên đi xe đạp và các thông tin quan trọng khác.
"Công nghệ thể thao là một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị của vận động viên Olympic", Tiến sĩ Aimée Mears, giảng viên tại Viện Công nghệ Thể thao của Đại học Loughborough cho biết. "Hầu hết các quốc gia và cơ quan quản lý thể thao sẽ có các quy định về công nghệ thể thao và nó sẽ được kết hợp vào sự hỗ trợ dành cho các vận động viên Olympic".
Các đội thi Olympic thường sử dụng nghiên cứu về cơ sinh học và việc phân tích dữ liệu để định lượng và kiểm tra kỹ thuật của vận động viên, sau khi có sự can thiệp của huấn luyện viên hoặc khi trở lại sau chấn thương. Ví dụ, trong môn bơi lội, họ sử dụng các dụng cụ hỗ trợ và máy quay video tốc độ cao để đo lực và chuyển động của một vận động viên bơi trong quá trình khởi động.
Và như với mọi Thế vận hội trước, các công nghệ được sử dụng cho Thế vận hội diễn ra trong kỷ nguyên đại dịch này cũng đã phát triển. Theo John Barden, giáo sư cơ sinh học tại Đại học Regina ở Canada, các thiết bị đeo là một trong những công cụ gần đây nhất đã trở nên phổ biến trong kho "vũ khí Olympic".
“Công nghệ đeo đặc biệt hữu ích để theo dõi các vận động viên khi các sân tập bị đóng cửa vì đại dịch,” ông cho biết. "Một trong những lợi ích rõ ràng của công nghệ trên các thiết bị đeo là khả năng thu thập và cung cấp thông tin mà trước đây chưa có. Ví dụ, điện trở cảm ứng lực được đặt trong giày, ủng trượt tuyết hoặc bàn đạp xe đạp có thể cung cấp một luồng dữ liệu liên tục cho toàn bộ buổi tập".
Các vận động viên Ethiopia tập luyện trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.
Một trong số các đội đã sử dụng công nghệ đeo là đội bóng chuyền nữ Kenya. Thiết bị GPS của họ cung cấp dữ liệu về sức mạnh, nhịp tim và các chỉ số quan trọng khác của mỗi cầu thủ cho huấn luyện viên, những người sẽ sử dụng thông tin này để ngăn ngừa chấn thương và điều chỉnh chế độ tập luyện cho từng cá nhân.
Một báo cáo khác cho thấy công nghệ thể thao trên thiết bị đeo đến từ một công ty Đan Mạch, được xây dựng trên công nghệ radar, đang được sử dụng để giúp đội bóng chày Nhật Bản phân tích từng cú đánh của các vận động viên, sao cho họ có thể mang lại kết quả tốt nhất.
Cũng tại Tokyo, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Alibaba và nhà sản xuất chip Intel của Mỹ đã hợp tác để vận hành một hệ thống theo dõi vận động viên 3D, cho phép các huấn luyện viên thăm dò từng phút chuyển động của các vận động viên Olympic của mình.
Hệ thống này dựa vào trí thông minh nhân tạo để thấy hiểu nguyên lý cơ sinh học trong chuyển động của các vận động viên, được camera ghi lại và ước tính vị trí của các khớp chính trên cơ thể. Với hệ thống này, huấn luyện viên có thể điều chỉnh phương pháp huấn luyện dựa trên thông tin thời gian thực trên vận động viên của mình.
Công nghệ "song sinh" của Intel cũng tạo ra một bản sao ảo của các sân vận động, có thể giúp các vận động viên chuẩn bị cho những cuộc thi của họ. Mô hình có thể được truy cập thông qua đường mạng di động băng thông rộng 5G cực nhanh.
Các thương hiệu thể thao cũng đua nhau giới thiệu các trang phục và thiết bị mới, tích hợp những cải tiến công nghệ mới nhất, để giúp nâng cao hiệu suất của các vận động viên.
Anta Sports đến từ Trung Quốc, đã sản xuất giày in 3D cho đội tuyển quyền anh, thứ mà họ cho rằng có khả năng bảo vệ và vừa vặn hơn. Hãng thời trang Leotards cũng đưa ra các mẫu thiết kế 3D để phù hợp với hình thể của các vận động viên thể dục dụng cụ Trung Quốc.
Speedo đã giới thiệu hai bộ đồ bơi "đậm chất công nghệ" trong dòng sản phẩm Fastskin được tung ra ngay trước Thế vận hội, lấy cảm hứng từ da cá mập để giảm lực cản của người bơi trong nước.
Nike đã phát hành giày chạy bộ Vaporfly 4% vào năm 2017 và chúng nhanh chóng trở thành sản phẩm được các vận động viên yêu thích nhất. Cả Nike và các nghiên cứu độc lập đều phát hiện ra rằng loại giày này có thể giảm 4% mức tiêu hao năng lượng khi chạy so với các loại giày marathon khác, bao gồm cả Adizero Adios của Adidas.
Bên cạnh các công nghệ theo dõi hiệu suất vận động, các vận động viên còn sử dụng một loạt các công nghệ theo dõi sức khỏe khác, ví dụ như chất lượng giấc ngủ.
Một vận động viên cầm một đôi giày Nike Vaporfly.
Nhưng, sự ra đời của các công nghệ mới trong lĩnh vực thể thao không phải là không gây ra tranh cãi. Các nhà phê bình cho rằng nó đôi khi giống như một dạng "doping công nghệ", khi nó nâng cao hiệu suất một cách đáng kể.
Liên đoàn điền kinh quốc tế (World Athletics), vào tháng 7 năm ngoái đã cấm phiên bản nguyên mẫu của giày Vaporfly của Nike được sử dụng tại Thế vận hội Tokyo. Bởi biến thể chứa ba tấm sợi carbon được nhúng trong bọt siêu nén, giúp tăng lượng lực mà người chạy tác dụng vào để đẩy họ lao về phía trước.
Các quy định mới chỉ cho phép giày thi đấu không có gai, có một hoặc không có tấm hoặc lưỡi cứng bằng sợi carbon, và được thiết kế sao cho "bảo toàn tính toàn vẹn của các cuộc thi đấu". Tổ chức cũng cho biết các quy tắc này được đưa ra để duy trì hiện trạng công nghệ cho đến cả sau Thế vận hội Tokyo, nhằm mang lại sự công bằng và chắc chắn cho việc huấn luyện vận động viên.
Tiến sĩ Thomas Murray, chủ tịch danh dự của Hastings Center, một viện nghiên cứu đạo đức sinh học của Mỹ, cho biết những tiến bộ công nghệ không nên lấy đi các giá trị và ý nghĩa của khuôn phép vốn có.
"Cần phải nhìn lại chính bản thân và tự hỏi, chúng ta quan tâm đến điều gì trong thể thao?"
Mặc dù không có câu trả lời chung về khả năng chấp nhận của một số công nghệ thể thao nhất định, nhưng theo Myray thì "việc quản lý thể thao, các quy tắc thể thao cụ thể hơn, nhất thiết phải là một phần của các cuộc trò chuyện liên tục, bởi mọi thứ luôn thay đổi. Các vận động viên thay đổi, thiết bị thay đổi, kỳ vọng của mọi người thay đổi. Bạn chỉ cần tham gia vào cuộc trò chuyện đó một cách trung thực và xác thực".
Lệnh cấm giày Nike của Liên đoàn điền kinh quốc tế đã gợi lại ký ức về sự thay đổi luật lệ vào năm 2008 của Liên đoàn thể thao dưới nước quốc tế, khi cấm vận động viên sử dụng bộ đồ LZR Racer của Speedo. Đây là một bộ đồ toàn thân giúp giảm đáng kể lực cản và khiến vận động viên bơi lội tốt hơn. Vào thời điểm đó, các vận động viên mặc bộ quần áo này đã lập 23 trong số 25 kỷ lục thế giới tại Thế vận hội Bắc Kinh.
Đối với một số người, việc sử dụng công nghệ thể thao tiên tiến đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các đội được tài trợ tốt và các đội đến từ các quốc gia đang phát triển.
Tiến sĩ Bryce Dyer, người nghiên cứu công nghệ hỗ trợ trong thể thao và là phó trưởng khoa thiết kế và kỹ thuật tại Đại học Bournemouth của Anh, cho biết tiến bộ công nghệ có thể làm giảm tỷ lệ tham gia của một vận động viên, do hạn chế về chi phí khiến họ không thể tiếp cận các công nghệ như đồ bơi của Speedo hay giày Nike Vaporfly.
"Thật không may là một số vận động viên sẽ gặp bất lợi", ông nói.
Giáo sư Sigmund Loland của Trường Khoa học Thể thao Na Uy cho biết các tiến bộ công nghệ ngày càng tăng sẽ gây nguy hiểm cho các sự kiện thể thao trong tương lai. "Nếu các môn thể thao ưu tú trở thành tấm gương phản chiếu sự bất bình đẳng chung giữa các quốc gia trên thế giới, thì nó sẽ không còn bất kỳ chức năng lý tưởng nào để tồn tại nữa".
Ông nói thêm rằng thể thao có thể hiện thực hóa lý tưởng về cơ hội bình đẳng và những giá trị đó sẽ cần các liên đoàn quốc tế tiêu chuẩn hóa thiết bị và vấn đề tài trợ cho việc chia sẻ công nghệ.
Nhưng bất chấp những tranh cãi xung quanh cáo buộc "doping công nghệ" và bất bình đẳng, công nghệ thể thao đã gắn liền với màn trình diễn của hầu hết các vận động viên Olympic ở Tokyo.
Tiến sĩ Dyer của Đại học Bournemouth cho biết: "Bất kể tài chính và địa lý, các vận động viên sẽ luôn cố gắng tìm ra những cách để tăng từng % trong thành tích thi đấu."
"Trở thành người giành huy chương Olympic là một sự kiện thay đổi cuộc đời, vì vậy thật ngu ngốc khi các vận động viên không xem xét những lợi thế về hiệu suất được cung cấp hợp pháp cho họ trên thị trường."
Và như Barden của Đại học Regina đã nói, nếu trong tương lai, các cảm biến nhỏ và không phô trương được đặt trong giày hoặc kính bơi có thể nâng cao hiệu suất khi thi đấu thể thao, thì những cảm biến này cũng có thể giúp những người thích chạy bộ thoải mái hơn với kiểu sải chân của riêng họ, hay hữu ích cho các bác sĩ tìm cách đánh giá rủi ro liên quan đến dáng đi của người cao tuổi.
Ông nói: "Hy vọng rằng bằng cách này, công nghệ đeo sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho xã hội trong tương lai."
Tham khảo SCMP