Video toàn văn phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước 2.000 trí thức và sinh viên Việt Nam sáng 24/5 - Nguồn: VTV.
“Trong chuyến thăm này, sự thân thiện của những người Việt Nam đã chạm tới trái tim của chúng tôi”, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trước 2.000 trí thức và sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) sáng 24/5, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp.
VnEconomy xin giới thiệu những nội dung chính của bài phát biểu này,
“Sông núi nước Nam, vua Nam ở”
Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam, nhưng cũng như các bạn, tôi đã trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tôi mới 13 tuổi khi quân đội Mỹ rời Việt Nam. Nhiều thanh niên Việt Nam cũng như hai con gái của tôi, khi sinh ra chỉ biết đến tình hòa bình và hữu nghị Việt – Mỹ.
Khi đến đây, tôi ý thức về quá khứ, nhưng chúng ta nên hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định.
Tôi trân trọng lịch sử huy hoàng của Việt Nam… Trong nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp, nhưng tinh thần bất khuất của người Việt đã được Lý Thường Kiệt ghi lại: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở / Rành rành đã định tại sách trời”.
Chiến tranh lạnh đã đưa chúng ta tới một cuộc chiến. Chúng ta đã nhận thức được sự thật đau đớn rằng, cho dù thế nào đi nữa, chiến tranh cũng mang lại bi kịch cho mỗi người dân hai nước.
Trong các nghĩa trang liệt sĩ, trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam, chứa đựng đầy những nỗi đau. Còn tại đài tưởng niệm ở đất nước chúng tôi, người ta cũng có thể chạm vào hơn những tấm bia ghi danh tính 58.000 người lính vĩnh viễn không về.
“Hôm nay, hai nước đã thành bạn”
Chúng tôi đã đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác ở châu Á. Rất nhiều khách du lịch Mỹ đã đến thăm Việt Nam, 36 phố phường Hà Nội, Hội An, cố đô Huế... Như những câu hát của Văn Cao: “Từ nay ta biết quê người / Từ nay người biết thương người”.
Với vai trò Tổng thống, tôi muốn tiếp tục những tiến bộ trong quan hệ hai nước, và quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta sẽ ngày càng gần gũi.
Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới. Chúng ta đã mất rất nhiều năm để hàn gắn quan hệ. Tôi muốn nói một điều không thể tưởng tượng được trước đây: ngày hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau.
Tôi tin rằng những bài học trong chiến tranh sẽ là những bài học cho cả thế giới. Có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, không giải quyết được thì giờ đây quan hệ của chúng ta đã cho thấy, có thể tạo ra sự thay đổi, để có tương lai tốt đẹp hơn.
Hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Những giá trị tốt đẹp của con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh hay xung đột. Đây là điều mà hai nước đã chỉ ra cho thế giới.
Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập, và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định.
Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam. Chúng tôi muốn ưu tiên cho mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.
Tôi không còn nhiều thời gian nữa trong nhiệm kỳ của mình, nhưng tôi mong muốn có thể đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai nước. Chúng ta cần hợp tác nhiều hơn để tạo ra và đem lại những cơ hội thịnh vượng thực sự cho người dân hai nước.
“Tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP”
Tôi hiểu những giá trị mới của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Nền kinh tế sẽ phát triển đặc biệt ở các nước có hành lang pháp lý đúng đắn. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia ưu tiên cho giáo dục.
Do vậy, để phát triển kinh tế, cần đầu tư vào nguồn lực con người, thay vì chỉ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là những thế mạnh mà Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam.
Thế hệ trước của người Mỹ đã đến đây để chiến đấu, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước.
Các công ty hàng đầu, các trường đại học danh tiếng của Mỹ đã đến Việt Nam để hợp tác đào tạo về khoa học công nghệ, toán học, y tế…
Khi chúng tôi muốn chào đón nhiều công dân, thanh niên Việt Nam sang Mỹ, thì chúng tôi cũng muốn thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng những giá trị giáo dục tốt hơn.
Do vậy, tôi rất vui mừng thông báo với các bạn, mùa thu năm nay trường đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động. Đây là trường đại học phi lợi nhuận, chất lượng cao, sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam và đóng góp cho hợp tác giáo dục giữa hai nước.
Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh. tới lĩnh vực toán của GS. Ngô Bảo Châu…
Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP. Điều này sẽ giúp Việt Nam không phải phụ thuộc thương mại với một quốc gia duy nhất nào.
TPP cũng sẽ giúp thúc đẩy hợp tác vùng, giúp các bạn giải quyết các vấn đề bình đẳng kinh tế, thúc đẩy nhân quyền, giúp cho người lao động có điều kiện lao động an toàn hơn. Người lao động có thể tổ chức nghiệp đoàn, thúc đẩy bảo vệ môi trường.
Đây là tương lai, hy vọng mà TPP mang lại cho chúng ta. Tất cả các quốc gia thành viên phải cam kết thực hiện các mục tiêu mà TPP đặt ra.
“Nước lớn không được hại nước nhỏ”
Trong chuyến thăm này của tôi, hai bên đã nhất trí xây dựng niềm tin, tiếp tục công tác đào tạo, cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thiên tai.
Hôm qua, tôi đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ Hoa Kỳ bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam.
Không chỉ Việt Nam cần một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta phải xây dựng thông lệ chung rằng tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ đều phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được hại nước nhỏ hơn.
“Người Việt sẽ quyết định tương lai người Việt”
Có sự khác biệt giữa hai chính quyền về vấn đề nhân quyền. Tôi xin nói điều này, không có quốc gia nào là hoàn hảo. Sau hai thế kỷ lập quốc, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi lập quốc...
Ngày nào chúng tôi cũng nhận được những lời phê bình, nhưng những lời chỉ trích, tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo. Việc mọi người có quyền đưa ra lời phê phán chính là điều giúp xã hội tiến bộ hơn.
Hoa Kỳ không muốn áp đặt cho Việt Nam, chúng tôi tin rằng những giá trị Hoa Kỳ đeo đuổi cũng chính là những giá trị tổng quát đã được nêu trong Hiến pháp Việt Nam, như quyền tự do ngôn luận, lập hội.
Người Việt sẽ quyết định tương lai người Việt... Người dân sẽ lựa chọn lãnh đạo tốt nhất cho họ.
Nhìn vào lịch sử, những thách thức mà chúng ta vượt qua, tôi lạc quan vào tương lai của quan hệ hai nước. Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị hai nước. Tương lai nằm trong tay các bạn.
Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn. Sau này, khi người Mỹ, người Việt học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn, như Nguyễn Du đã nói: “Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”.