Từ thời điểm lực lượng không quân Mỹ bắt đầu nã đạn vào các mục tiêu của khủng bố ở Iraq và Syria, các nhà hoạch định chính sách ở Washington đã muốn sự can thiệp của Mỹ chỉ là một chiến dịch hạn chế với mục tiêu hạn hẹp: giảm thiểu và đánh bại khả năng quân sự của khủng bố.
Sau khi đạt được điều này, lực lượng Mỹ về mặt lý thuyết sẽ thu hồi vũ khí và lên đường trở về nhà.
Tuy nhiên, hơn 4 năm sau, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị mở rộng sứ mệnh đến mục tiêu lớn hơn là tiếp tục ở lại để buộc lực lượng Iran và các lực lượng dân quân Shia do nước này hậu thuẫn phải rời khỏi Syria.
Nhà Trắng dường như tin rằng sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Iran và sự hiện diện quân sự vô hạn của Mỹ ở miền Đông Syria sẽ buộc Tehran phải rời khỏi quốc gia mà họ đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ để tạo ảnh hưởng.
Tuần trước, bên lề một hội nghị an ninh ở Bahrain, đặc phái viên chống IS của Mỹ, Brett McGurk cho biết, Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại Syria cho đến khi quốc gia này có một Chính phủ hoàn toàn độc lập mà không bị ảnh hưởng của Iran.
Theo tờ The Hill, nếu Tổng thống Trump không dừng lại nhiệm vụ leo thang và thực hiện tuyên bố rút quân như ban đầu, người dân Mỹ sẽ có khả năng thấy một sự triển khai gần như vĩnh viễn của quân đội Mỹ ở Trung Đông.
Như vậy, Mỹ sẽ lại tiếp tục kéo dài 17 năm chính sách ở Trung Đông với việc chi tiêu hàng trăm tỷ đô la tiền thuế và các hoạt động quân sự bất tận nhưng không mang lợi ích an ninh cho quê hương.
Có vẻ như, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ đang hiểu nhầm về việc Washington ép Iran ra khỏi Syria là điều gì đó thực sự quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia trong khu vực; đánh giá quá cao khả năng của Mỹ trong việc định hình Trung Đông theo ý thích của mình; và đánh giá thấp tầm quan trọng của Tehran khi hiện diện ở Syria.
Theo học giả Daniel DePetris từ tổ chức chuyên về chính sách đối ngoại Defense Priorities, không có gì để hoài nghi về việc mục tiêu của Iran thường đe dọa tới những người hàng xóm ở Trung Đông. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ ở khu vực không nên được quyết định bởi những gì người Iran làm hay không làm.
Thay vào đó, chính sách của chính quyền Trump nên dựa trên lợi ích an ninh tối cao của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như: bảo vệ đất nước khỏi các nhóm khủng bố xuyên quốc gia và thiết lập quan hệ ngoại giao, tình báo và quan hệ kinh tế với nhiều chính quyền nhất có thể.
Chiến lược quy mô lớn của Iran đang dự tính ở Syria là một bước đi mạnh mẽ và chắc chắn sẽ khiến cho Mỹ một khi dính vào sẽ sa lầy.
Chiến lược Trung Đông của Mỹ đang đi vào lối mòn.
Chuyên gia DePetris cho rằng, đối với Mỹ, Syria chưa bao giờ là đặc biệt quan trọng. Trước cuộc nội chiến, Syria là một quốc gia tầm trung với trữ lượng dầu nhỏ và có quan hệ khá yên ả với Israel.
Sau 8 năm xung đột, Syria cũng ngày càng trở nên ít quan trọng hơn đối với Washington; nền kinh tế cùng nền tảng xã hội của quốc gia này bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Sẽ mất hàng chục năm để Syria có thể tái thiết và sự chuyển đổi này cũng mất chi phí lên đến hàng trăm tỷ đô la, đi kèm với nỗ lực của nhiều bên để thống nhất tiến trình chính trị và hòa giải.
DePetris nhận định, Syria là một quốc gia không còn hiệu quả trên bàn cờ Trung Đông, trong khi Mỹ không có tiền, nhận thức, khả năng, hoặc lợi ích an ninh để cần thiết phải dấn thân vào.
Tuy nhiên, Syria là một phần rất quan trọng để giải "câu đố" Iran. Kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo được thành lập, Syria đã luôn coi Tehran là một đồng minh quan trọng trong thế giới Ả Rập, trong khi các quốc gia khác luôn nhìn Iran bằng ánh mắt thù địch.
Khi cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu quân sự hóa vào năm 2012, người Iran đã tăng cường hỗ trợ quân sự, hỗ trợ tiền bạc và năng lượng cho Damascus trỗi dậy.
Theo một số thống kê, Tehran có thể đã đầu tư tới 30 tỷ USD, cùng với việc huy động hàng ngàn chiến binh Shia tới Syria để giúp Tổng thống Assad duy trì quyền lực.
Trên thực tế, một số khoản đầu tư này được đưa ra cùng lúc với thời điểm nền kinh tế Iran bị trừng phạt nghiêm trọng từ Mỹ - điều cho thấy Tehran xem trọng việc chính quyền Damascus cần phải tồn tại như thế nào.
Nói tóm lại, Iran có động cơ lớn hơn để ở lại Syria, lớn hơn nhiều so với Mỹ. Tehran đã sẵn sàng để chi tiêu nhiều hơn và chịu được nhiều thương vong hơn ở Syria vì họ có nhiều nguy cơ bị đe dọa hơn.
Việc Washington tin rằng họ có thể gây áp lực để Iran phải từ bỏ kế hoạch của mình chỉ bằng tuyên bố hiện diện quân sự vô hạn định ở Syria là điều khá viển vông.
Mỹ đang bước vào giai đoạn đầu của một kỷ nguyên chính trị toàn cầu mới - một cuộc cạnh tranh địa chính trị đa cực giữa nhiều quốc gia với nhau.
Do đó, học giả DePetris tin rằng, sẽ không có lợi ích nào cho Mỹ khi lặp đi lặp lại những sai lầm trong quá khứ ở Trung Đông.
Một nhiệm vụ quân sự gần như vĩnh viễn của Mỹ ở miền Đông Syria – mà gần như được coi là bước đi vô ích - sẽ hoàn toàn trái ngược với chính sách đối ngoại thực tế mà người dân Mỹ mong muốn.