Nước giàu cũng khốn đốn vì trót dùng "hàng Tàu"

Thi Anh |

Chỉ trong vòng 15 phút, 13 tầng nhà đã bốc cháy. Đó chỉ là một trong nhiều bi kịch phát sinh từ hàng Trung Quốc giá rẻ.

Mới đây, dự án cao tốc Waikato trị giá 2 tỉ USD của New Zealand đã phải gấp rút tìm phương án gia cố sau khi nước này phát hiện 1.600 tấn thép nhập từ Trung Quốc quá yếu, không thể đáp ứng yêu cầu thi công.

Công ty Xây dựng Fulton Hogan và HEB, nhà thầu xây dựng của dự án đã thừa nhận rằng: Ống thép họ nhập về không đảm bảo chất lượng. Số ống thép này không đáp ứng được các tiêu chuẩn áp dụng đối với các cây cầu cao, về khả năng chịu tác động, trọng tải và nhiệt độ thấp.

Thậm chí, vì đã lỡ sử dụng một số thép nên đơn vị thi công phải gia cố thêm bằng xi-măng để đảm bảo an toàn. Hiện New Zealand đang phải tìm mua ống thép thay thế cho số cầu vượt chưa xây dựng trong dự án.

Trả giá khi làm ăn với Trung Quốc

Không phải nước nào cũng may mắn như New Zealand, tức là phát hiện ra vấn đề khi chưa xảy ra sự cố. Đã có nhiều nước phát triển phải trả giá khi "làm ăn" với Trung Quốc.

Năm 2011, John Morally, chủ của MWI - một công ty chuyên bán sỉ các ống nước và phụ kiện ống nước ở Nam California (Mỹ) - đã phải bán công ty sau 30 năm hành nghề và vướng vào 9 vụ kiện tụng. Tất cả là do số ống nước và phụ kiện "made in China" (sản xuất tại Trung Quốc) mà Morally nhập về bán.

Những sản phẩm này đã được lắp đặt ở rất nhiều công trình từ trường học, bệnh viện cho tới sòng bạc. Tới năm 2010, sau 8 năm MWI kinh doanh ống nước Trung Quốc, hàng loạt nhà thầu xây dựng và chủ công trình tại Nam California đã đệ đơn kiện bởi ống nước bằng gang của Trung Quốc không đạt chất lượng, dẫn tới rò rỉ và thiệt hại về tài sản.

Hay gần đây hơn là vụ việc tại Australia.

Nước giàu cũng khốn đốn vì trót dùng hàng Tàu - Ảnh 1.

Hỏa hoạn tại chung cư Lacrosse ở Melbourne, Australia.

Cuối tháng 11 năm 2014, hơn 500 người đã phải sơ tán khỏi tòa chung cư cao tầng Lacrosse ở Melbourne, Australia sau khi một đám cháy bùng phát vào khoảng 2 rưỡi sáng. Điếu thuốc cháy dở bên ngoài ban công một căn hộ là ngọn nguồn của sự việc. Chỉ trong vòng 15 phút, 13 tầng nhà đã bốc cháy dữ dội.

Sau khi điều tra, Australia phát hiện ra, vấn đề nằm ở lớp phủ rẻ tiền nhập khẩu từ Trung Quốc.

Lớp phủ này có tên Alucobest. Với lớp ngoài là nhôm, còn bên trong là polyethylene (nhựa nhiệt dẻo), Alucobest có khả năng bắt lửa rất cao. Theo thí nghiệm của cơ quan Cứu hỏa Trung tâm Melbourne, Alucobest bắt lửa trong vòng chưa đầy một phút.

Lý do Alucobest được chọn là bởi lớp phủ này rất rẻ, giá thành thấp hơn nhiều so với vật liệu cùng loại. Tuy nhiên, cái giá mà chủ công trình phải trả thực tế lại cao hơn nhiều, khi mà sau hỏa hoạn, thiệt hại ước tính lên tới hơn 2 triệu USD.

Không thể phủ nhận hàng của Trung Quốc có giá thấp hơn mặt bằng chung và đó là một trong những lý do tiên quyết tác động đến lựa chọn của người tiêu dùng.

Theo RNZ News, gói thầu thép của New Zealand có giá thấp hơn mức trung bình trên thị trường từ 30-40%. Tương tự, MWI nhập ống nước Trung Quốc cũng vì nó rẻ hơn hàng nội địa.

Nước giàu cũng khốn đốn vì trót dùng hàng Tàu - Ảnh 2.

Hàng loạt ống nước Trung Quốc được nhập vào Mỹ. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các nhà đầu tư và kinh doanh không vì mức giá mà "nhắm mắt" làm bừa. Điều họ không lường trước là sản phẩm họ nhận được lại có chất lượng tồi đến vậy.

Hoặc như trong trường hợp của cao tốc Waikato, chủ thầu chỉ biết chất lượng sau khi thép đã được chuyển tới chân công trình. Các mẫu thép của Trung Quốc đều đạt chuẩn trong 2 thử nghiệm trước đó, với thử nghiệm đầu tại các xưởng thép ở Trung Quốc và thử nghiệm thứ 2 trên các mẫu phía Trung Quốc gửi sang.

Hiểm nguy vẫn còn phía trước

"Tiền mất tật mang" đã đi một nhẽ nhưng điều đáng ngại không chỉ là khoản tiền mà các nhà đầu tư làm ăn với Trung Quốc phải chịu mất, mà là hiểm họa đang ẩn náu trong các công trình.

Những trường hợp khiếu kiện MWI chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng trăm tòa nhà lắp ống nước Trung Quốc tại Nam California.

Alucobest cũng vậy. Loại sơn phủ này "được sử dụng ở các công trình khắp Australia, từ Brisbane cho tới Perth, Melbourne, đặc biệt là nhà cao tầng" - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng, Trồng rừng, Khai khoáng và Năng lượng Australia Michael O'Connor cho biết.

"Từ nhôm, thép, kính, tường bao, tủ bếp cho tới lớp phủ - Australia nhập hầu hết những vật liệu xây dựng mà bạn có thể tưởng tượng được và phần lớn từ Trung Quốc, mà chất lượng thì không biết đến đâu".

Thượng Nghị sĩ Australia Nick Xenophon cho rằng: "Với những sản phẩm ấy, Australia không chỉ gặp vấn đề về việc làm mà còn đặt mạng sống của người dân vào tình thế nguy hiểm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại