Núi lửa thức giấc, Philippines lo sóng thần

Hoàng Phương |

Hơn 450.000 người sống tại khu vực trong bán kính 17 km tính từ núi lửa Taal được thúc giục sơ tán

Trường học, nhiều doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan chính phủ khắp thủ đô Manila - Philippines đã đóng cửa hôm 13-1 sau khi núi lửa Taal bắt đầu phun dung nham và tiếp tục phun tro bụi trong ngày này. Nằm trên một hòn đảo giữa hồ ở tỉnh Batangas, núi lửa Taal cách thủ đô Manila khoảng 70 km về phía Nam và thuộc loại núi lửa hoạt động nhiều thứ 2 ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hôm 12-1, núi lửa trên đột ngột phun một cột khói tro bụi khổng lồ cao đến 14 km, buộc hàng chục ngàn người sống gần đó phải sơ tán đến nơi an toàn. Tro bụi núi lửa cũng buộc sân bay quốc tế ở Manila ngưng mọi chuyến bay trong ngày 12-1 do mối đe dọa tiềm tàng đối với máy bay.

Sân bay này đã nối lại hoạt động một phần trong ngày 13-1. Người dân các địa phương gần đó được khuyến cáo đeo khẩu trang để tránh tro bụi núi lửa. Dù vậy, một số người dân ở TP Paranaque cho Reuters biết các cửa hàng đã bán hết khẩu trang.

Hiện chưa có thông tin về thương vong hoặc thiệt hại nhưng nhà chức trách tỉnh Batangas đã cảnh báo khả năng xảy ra những gián đoạn nghiêm trọng do sự "thức giấc" bất ngờ của núi lửa. Bên cạnh đó là nỗi lo về nguy cơ xảy ra sóng thần do những mảnh vỡ từ sự phun trào của núi lửa gây ra khi rơi xuống nước.

Viện Nghiên cứu núi lửa và động đất Philippines (Phivolcs) đã nâng mức báo động đối với Taal lên cấp 4 (cao thứ 2 trong thang 5 cấp độ), qua đó cảnh báo "một vụ phun trào độc hại" có thể sắp xảy ra.

Trước mắt, cảnh sát đã ngăn người dân đi vào khu vực nguy hiểm quanh núi lửa. Tính đến ngày 13-1, hơn 16.400 người đã tìm đến các trung tâm trú ẩn tạm thời do nhà chức trách lập ra. Ngoài ra, quân đội đã điều động 20 xe quân sự và hàng trăm binh sĩ đến giúp những người bị ảnh hưởng. Chưa hết, trực thăng cũng sẵn sàng tham gia sơ tán người dân khi cần.

Ông Erik Klemetti, chuyên gia tại Trường ĐH Denison (Mỹ), nhận định núi lửa Taal không phải là quá to nhưng được đánh giá là rất nguy hiểm do số lượng người sống quanh nó. Phivolcs đã thúc giục sơ tán toàn bộ người dân sống ở khu vực nằm trong bán kính 17 km tính từ núi lửa.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 450.000 người đang sống tại khu vực này. Cũng theo ông Klemetti, dung nham bắt đầu phun từ núi lửa Taal là một dấu hiệu nguy hiểm bởi chúng có thể chảy đến các thị trấn gần đó. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác chỉ ra rằng tro bụi núi lửa mới là hiểm họa lớn nhất.

Ông Joseph Michalski, chuyên gia tại Trường ĐH Hồng Kông, cho rằng tro bụi từ một núi lửa đang phun trào có thể đi hàng trăm km mỗi giờ, từ đó có thể làm ô nhiễm không khí và nguồn cung cấp nước ở những nơi xa hơn.

Hơn 25 triệu người hiện sống tại khu vực nằm trong bán kính 100 km tính từ núi lửa Taal. Đã có ít nhất 34 đợt phun trào của núi lửa này được ghi nhận trong 450 năm qua. Đáng chú ý, đợt phun trào năm 1911 khiến 1.335 người thiệt mạng, còn vụ năm 1754 kéo dài 6 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại