Vợ chồng tôi sinh được một đứa con trai và một đứa con gái. Con trai lớn đang học đại học năm nhất và học rất giỏi. Nhiều năm liền, con luôn nằm trong top những học sinh xuất sắc của trường, thành tích nổi bật, tham gia phong trào sôi nổi và nhận được sự quan tâm, thương yêu từ thầy cô. Nhưng con gái nhỏ thì không bằng anh trai, con bé rụt rè, nhút nhát, không dám nói trước đám đông. Mỗi lần đi họp phụ huynh, tôi đều nghe thầy cô than thở chuyện con quá trầm tính, ngồi học cả buổi mà cũng không nói một câu nào, càng không bao giờ phát biểu xây dựng bài.
Vì sự khác biệt đó mà chồng tôi luôn tỏ ra thương con trai nhiều hơn. Anh ấy hay chê trách con gái kém cỏi, không bằng một phần anh trai, không có tiền đồ... Mỗi lần bị bố mắng, con lại cúi mặt, buồn rầu, đôi khi bỏ ra ngoài khóc một mình. Tôi xót con, bảo chồng bớt so sánh lại, mỗi đứa đều có những ưu điểm riêng, không thể so sánh 2 đứa con trong nhà để làm tổn thương con gái. Nhưng chồng tôi vẫn không nhận sai, anh ấy còn hằn học, bảo con gái giống tôi nên mới kém cỏi, còn con trai giống anh nên giỏi giang. Tôi bực mình to tiếng thì vợ chồng lại cãi nhau.
Học lực của con gái tôi thuộc hàng khá thôi chứ không giỏi. Vậy nên trước ngã rẽ đầy quan trọng ở năm học lớp 9, tôi đã hỏi con rất nhiều. Nếu con muốn đi học nghề, tôi vẫn sẵn lòng chấp nhận và tôn trọng quyết định của con. Nhưng con nói sợ bố buồn nên vẫn tham gia thi tuyển. Nhìn con học ngày học đêm, đến 1h sáng vẫn cặm cụi ngồi viết văn mà tôi xót xa. Chồng tôi thấy con gái chăm học thì cũng bớt so sánh, còn nói được vài câu động viên con.
Con tôi tham gia thi tuyển vào đầu tuần này. Con thi tốt môn Văn, Toán nhưng làm bài không tốt môn Tiếng Anh. Vừa từ phòng thi ra, thấy tôi đứng đợi, con đã òa khóc nức nở, bảo không làm bài được, chắc không đậu cấp 3 rồi. Tôi ôm lấy con, vỗ về an ủi, động viên con sẽ không sao, chắc sẽ đủ điểm để đậu thôi. Đậu rồi thì chịu khó học kèm môn Tiếng Anh, rồi con cũng sẽ giỏi như anh trai. Trước những lời động viên của mẹ, con gái nín khóc, tôi chở con đi uống trà sữa rồi về.
Vừa đến nhà, chồng tôi đã hỏi con thi như thế nào? Con gái cúi mặt, lí nhí nói làm bài không tốt, chắc được tầm 3-4 điểm thôi. Con vừa nói xong, chồng tôi đã rít lên: "Dốt thế. Thi cử kiểu này thì hỏng hết. Đúng là không bằng một phần anh trai mày". Con gái sững sờ rồi bật khóc, chạy về phòng. Tôi quát chồng, bảo anh nếu không nói được những lời ngọt ngào thì im miệng luôn đi, đừng làm con tổn thương nữa.
Chiều hôm đó, con gái bỏ cơm, tôi gọi thế nào con cũng không chịu ra khỏi phòng. Đến tối, tôi pha cốc sữa đem vào cho con nhưng con vẫn không chịu mở cửa, chỉ bảo không muốn uống. Xót con, tôi cãi nhau với chồng, còn bị anh dọa tát.
Ấm ức, tôi ôm mền gối ra phòng khách ngủ. Nửa đêm, tôi dậy đi vệ sinh thì thấy có ánh đèn bên trong. Tôi nhìn qua khe cửa, vì cửa phòng bị hỏng, chồng tôi không chịu sửa nên không thể đóng kín, thấy con gái đang cầm dao lam rạch cổ tay, máu chảy đỏ cả sàn nhà mà tôi hốt hoảng hét lên. Con thấy tôi cũng giật mình, vội vứt dao lam rồi lấy khăn bịt chỗ mới cắt lại.
Tôi kéo tay con ra coi thì thấy những vết sẹo cũ lẫn mới chồng chất lên nhau. Thì ra đó chính là lý do con luôn mặc áo dài tay, nếu có mặc áo ngắn cũng phải khoác cái áo dài tay bên ngoài. Tôi hỏi con đang làm gì thế này, tại sao lại cắt vào tay? Con khóc lớn, bảo chỉ muốn chết đi thôi, mỗi lần bị bố chửi, con đều tổn thương và dùng hành động này để tự xoa dịu bản thân mình.
Tôi dẫn con gái vào phòng, gọi chồng dậy cho anh xem những vết cắt trên tay con. Lúc này, anh ấy mới tái mặt, vội vã lấy băng keo cá nhân và thuốc sát trùng để xử lí vết thương cho con gái. Lần đầu tiên trong 15 năm, tôi nghe được tiếng xin lỗi con của chồng mình. Nhưng chuyện lần này như một hồi chuông trong gia đình tôi. Nếu tôi không phát hiện kịp thời, không biết còn chuyện gì xảy ra nữa.