Chiều dài 5.000 năm lịch sử đã tạo nên một đất nước Trung Hoa với nền văn hóa, văn minh vô cùng phong phú. Những biến động của lịch sử đã khiến nhiều bảo vật của Trung Quốc lưu lạc khắp bốn bể năm châu.
Trong những thập kỷ gần đây, để phục vụ nhu cầu thưởng thức đồ cổ của quần chúng cũng như phát triển một kênh liên lạc cho những người thích sưu tầm cổ vật, đài CCTV đã phát triển chương trình truyền hình "Kiểm định bảo vật", chuyên về giám định bảo vật.
Đối với phần lớn người dân bình thường không có kiến thức khảo cổ, dù có sưu tầm được cổ vật thì họ cũng không thể biết hết được giá trị những kho báu mà mình có, rất dễ bị những nhà buôn lừa gạt. Chính vì vậy, những chương trình như thế này trở thành điểm đến đảm bảo cho họ. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện vô cùng thú vị về các bảo vật lưu lạc nhân gian dần được hé lộ.
Chậu cây san hô máu
Trong số phát sóng mới đây, có một nữ sinh đại học đã đến chương trình cùng một chậu cây nhỏ. Sự xuất hiện của cô ban đầu nhận được ánh nhìn hoài nghi, thậm chí là những tiếng cười cợt của khán giả trong trường quay. Chậu cây nhỏ bé tuy xinh xắn nhưng lại vô cùng bình thường mà cô mang theo chẳng liên quan gì đến hai từ cổ vật chứ đừng nói là báu vật.
Nữ sinh xuất hiện trong chương trình. Nguồn: Sohu
Theo chia sẻ của nữ sinh, đây là chậu cây mà cô tình cờ mua được khi đi du học ở nước ngoài. Lúc ấy cô chỉ thấy nó khá đẹp nên mua về trồng mà không nghi ngờ gì, nó có hình dáng giống san hô dưới nước. Cô sẽ vẫn chỉ nghĩ đây là một cây cảnh bình thường cho tới khi trở về Trung Quốc.
Hôm ấy, gia đình nữ sinh tiếp đón một vị khách từ phương xa, khi nhìn thấy chậu cây, vị khách ấy tỏ ra vô cùng phấn khích và muốn chi 300.000 NDT để mua nó. Nữ sinh đã từ chối bởi nghĩ rằng chậu cây dù có đẹp đến đâu cũng không ai bỏ ra 300.000 NDT (tương đương 1,07 tỷ đồng) để mua.
Biết chắc đây không phải là một "vật phàm"nên cô đã quyết định tìm đến chương trình nhờ các chuyên gia giám định.
Tầng trên là lớp san hô máu quý hiếm. Nguồn: Sohu
Các chuyên gia của chương trình bắt đầu tìm hiểu cẩn thận về chậu cây. Sau một thời gian họ xác định rằng chỉ riêng phần chậu cây đã có giá trị 50.000 NDT!
Các chuyên gia cho biết, chậu cây cảnh này có trạng thái vô cùng tốt. Loại cây được trồng là san hô máu quý hiếm, tuy hơi nhỏ nhưng có màu sắc tươi sáng, rực rỡ, vô cùng đẹp mắt. Bên dưới có lót các viên đá bao gồm mã não, vàng tím và thạch anh xanh.
San hô máu hay san hô đỏ (tên khoa học là Corallium rubrum) là một số loài san hô quý hiếm thường được chọn làm đồ trang sức cao cấp. Chúng thường có hình dáng là một bụi cây không lá, cao đến 1 mét. Bộ xương quý giá của nó được cấu tạo từ các gai canxi cứng đan vào nhau, khi còn sống, các nhánh xương san hô được phủ một lớp mềm màu đỏ tươi, trên đó thò ra vô số thể polip màu trắng có thể co lại được.
Do có màu bền, đẹp và độ bóng nên từ thời cổ đại, xương san hô đỏ đã được khai thác để làm đồ trang trí. Đồ trang sức bằng san hô đỏ đã được tìm thấy trong các ngôi mộ Ai Cập cổ và mộ thời tiền sử ở châu Âu. Ngày nay, người ta vẫn tiếp tục chế tác đồ trang sức từ san hô đỏ với giá thành rất cao.
San hô còn là 1 trong 7 loại chất liệu quý hiếm theo quan niệm nhà Phật bao gồm xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, thiếc vàng, thiếc bạc và ngọc.
Chậu men xanh thời Thanh. Nguồn: Sohu
Ngoài ra, bản thân chiếc chậu đựng cây mà cô gái mang tới cũng là một bảo vật. Nó được làm từ loại men xanh ngọc có từ cuối đời nhà Thanh, giá trị lịch sử và văn hóa vô cùng cao.
Theo ước tính của các chuyên gia, giá trị của chậu cây này khoảng từ 300.000 đến 350.000 NDT. Trong đó, giá trị của san hô từ 250.000 đến 300.000 NDT, chậu cây thời nhà Thanh trị giá 50.000 NDT.
Kết quả đã khiến toàn bộ khán giả trong trường quay phải giật mình. Không ngờ chỉ là một phút tình cờ mua cây cảnh ở nước ngoài mà cô gái đã sở hữu tài sản khổng lồ lên tới 300.000 NDT.