Năm 1961, thi vào Đại học Kinh tế - Tài chính (bây giờ là Đại học Kinh tế Quốc dân), tôi theo học khoa ngoại thương. Sinh viên ngoại thương được tự chọn học một trong hai ngoại ngữ: tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Đa số mọi người chọn học tiếng Nga, bởi lúc bấy giờ miền Bắc nước ta có quan hệ kinh tế chủ yếu với các nước khối xã hội chủ nghĩa.
Tôi thì lại thích tiếng Anh hơn. Trước hết vì hồi còn ít tuổi đọc sách nhiều, tôi rất mê văn học Anh (nhờ mẹ làm việc ở một thư viện, nên từ tuổi 10-11, cô bé Phạm Chi Lan đã có "đặc quyền" được tới thư viện đọc sách mỗi ngày – PV). Từ việc mê thích những bản dịch, tôi ao ước sau này được đọc bản gốc bằng tiếng Anh. Có lẽ đây là một lựa chọn tình cờ nhưng sau này lại mở ra nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Tôi cứ nói vui là sở dĩ đi vào nghiệp ngoại thương cũng bởi vì câu chuyện "Người lái buôn thành Venice" trong vở kịch của Shakespeare, trong đó có kể về cách ứng phó thông minh để vượt qua thách thức từ một hợp đồng không chặt chẽ.
Câu chuyện nói về chàng thương nhân khi quá hạn trả tiền vay do tầu hàng về chậm thì bị lão cho vay nặng lãi đòi theo hợp đồng: mỗi đồng tiền không trả được phải đổi bằng một miếng thịt của chàng. Một người bạn thân đã cố vấn cho chàng có câu trả lời: được, ngươi có thể cắt lấy miếng thịt, nhưng không được làm rơi giọt máu nào của ta! Lão cho vay nặng lãi đành chịu thua vì khi làm hợp đồng không tính tới điều đó!
Thời đó, những ai học tốt thì các trường thường muốn giữ lại đào tạo tiếp làm cán bộ giảng dạy. Khi tôi tốt nghiệp, nhà trường định cho tôi đi học thêm cao học ở Trung Quốc, nhưng rơi vào đúng thời điểm cách mạng văn hóa ở bên ấy, nên không đi nữa. Chiến tranh cũng bắt đầu mở rộng, trường thu hẹp qui mô đào tạo lại, nên tôi được ra khỏi trường, về Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).
Dù học ngoại thương nhưng thực sự tôi không phải là người có máu me kinh doanh mà thích hướng nghiên cứu, và công việc mang tính chất hỗ trợ, phục vụ cộng đồng nhiều hơn, thành ra VCCI là nơi thích hợp với mình. Sau này khi đất nước đổi mới và mở cửa, tôi thấy công việc ở VCCI càng phù hợp với tôi hơn, nên đã gắn bó với nơi đó cho đến lúc nghỉ hưu.
Làm việc tại VCCI, kỳ thực cũng có những lúc tôi cảm thấy công việc buồn tẻ, không phát triển được. Nhất là trong thời bao cấp, đã có lúc tôi nản, muốn chuyển đi nơi khác. Sau khi đất nước thống nhất, cũng có lúc tôi tính chuyển vào TP Hồ Chí Minh làm việc, nhưng trong đó chủ yếu là làm kinh doanh, không phải là điều mình hứng thú lắm.
Sau đó thì VCCI cũng bắt đầu sang một giai đoạn mới với thời cơ để thay đổi, khi những mầm mống đổi mới ở nước mình bắt đầu xuất hiện. Sự thay đổi đầu tiên ở cơ chế ngoại thương. Thời ấy vẫn còn cấm vận nhưng đã có công ty các nước phương tây vào Việt Nam tìm hiểu làm ăn. Khi họ vào thì VCCI được giao làm đầu mối, đứng ra tổ chức đón tiếp họ. Qua trao đổi với họ, tôi cảm nhận rõ Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển. Vì vậy tôi quyết định ở lại VCCI.
Lúc bấy giờ VCCI đã bắt đầu có thể phát huy vai trò của mình, làm đầu cầu nối giữa các thị trường và doanh nghiệp bên ngoài với các doanh nghiệp trong nước và khai thác phát triển thị trường Việt Nam. Ngoài ra, VCCI còn có vai trò kết nối giữa Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh. Làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, mình học thêm, hiểu thêm rất nhiều. Nhiều khi họ đến với mình để tìm sự giúp đỡ, nhưng chính họ lại giúp mình mở mắt, hiểu ra các vấn đề.
Trong thời gian làm việc, tôi cũng nhận được những lời mời ra làm kinh doanh, trong đó có cả tập đoàn nước ngoài lớn. Khi mới vào Việt Nam, họ rất bỡ ngỡ và hỏi rất nhiều về môi trường kinh doanh còn khá khác lạ ở nước ta. Tôi cố gắng giải đáp, góp ý cho họ, và khi họ thấy những điều mình góp ý có thể giúp công ty làm ăn được, họ tin và muốn mời tôi về làm việc. Nhưng tôi từ chối và nói vui: "Mặc dù công ty của các ông rất lớn, có thể đầu tư hàng tỷ đôla, nhưng tôi muốn có thêm nhiều công ty tỷ đôla nữa thành công ở Việt Nam. Ở lại VCCI tôi sẽ có cơ hội làm điều đó".
Bạn bè vẫn hay gọi chúng tôi là về hưu chứ không phải nghỉ hưu. Về hưu, nhưng trên thực tế vẫn còn tham gia nhiều công việc. Nói chung là vẫn ham thích làm việc, nhất là khi được quyền chọn để làm những việc mình thích và được từ chối không làm những việc không hợp với mình.
Sau khi tôi nghỉ ở VCCI năm 2003, thì được Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải gọi về làm chuyên trách ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi tham gia vào Tổ tư vấn của Thủ tướng nhưng với tư cách kiêm nhiệm.
Mấy năm làm ở Ban Nghiên cứu, tôi được tham gia vào việc soạn thảo, sửa đổi nhiều luật, chính sách quan trọng như Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp 2005…. Những năm ấy, Quốc hội tăng tốc độ sửa đổi hoặc ban hành luật, mỗi năm làm tới hơn 20 luật (trước đó chỉ có 5-6 luật một năm). Giai đoạn đó vô cùng lý thú, bận rộn, vất vả nhưng rất vui vì làm được những việc rất có ý nghĩa cho công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế và phát triển doanh nghiệp.
Ở Ban Nghiên cứu có những bộ óc tuyệt vời về cải cách, những trái tim vô cùng tâm huyết với đất nước, và tôi học được rất nhiều. Có những người anh lớn tôi hết sức quý trọng như nhà thơ Việt Phương, các ông Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Ký… Ông Vũ Quốc Tuấn đầy nhiệt tâm với doanh nghiệp, giờ đây đã ở tuổi 90 mà vẫn có những bài viết rất hay và sắc sảo về doanh nghiệp Việt Nam. Tôi thấy mình thật may mắn vì có cơ duyên gặp được những người tuyệt vời như vậy trong đời.
Tôi vẫn tự coi mình không phải là người nghiên cứu chuyên nghiệp như những người khác, vì tôi làm công việc thực tế suốt và chỉ liên tục tự học, chứ không có điều kiện đi học thêm (bà Lan không học để lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ - PV). Dù với nền tảng như vậy, tôi rất vui khi được nhiều bạn làm nghiên cứu chuyên nghiệp mời tham gia đóng góp hoặc phản biện cho các nghiên cứu. Tôi cũng thích tham gia, vừa để học hỏi, vừa có thể đóng góp bằng cách lấy từ nền tảng thực tế và những gì mình đọc, nghe, chiêm nghiệm, hiểu được, để đưa những cách nhìn khách quan và gần thực tế, bổ sung cho các nghiên cứu đó.
Mọi người cứ luôn muốn ai cũng có một chức danh nào đó, nên gọi tôi là chuyên gia kinh tế. Thực sự, tôi không tự coi mình là chuyên gia, mà như các nước người như tôi thường được gọi là "practitioner" (người làm thực tiễn) thì đúng hơn là một "reseacher" (nhà nghiên cứu) chuyên nghiệp.
Tôi không nghĩ mình là người bi quan, nếu bi quan tôi đã "stop", bỏ hết các công việc lâu nay rồi, nghỉ hưu là nghỉ. Thực ra, tôi vẫn lạc quan bởi tôi tin mình có thể góp phần tạo sự thay đổi và tin vào thế hệ trẻ sẽ tạo ra những thay đổi lớn hơn, tốt hơn cho đất nước, cho đông đảo người dân.
Tôi hay nêu các ý kiến trái chiều, đưa ra các khía cạnh tiêu cực về phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta và đòi hỏi thay đổi lớn cũng chỉ vì tôi muốn thúc đẩy xã hội phát triển tốt hơn, mạnh hơn. Lời ngợi ca thành tích ở nước mình thì quá nhiều rồi, kể cả từ một số tổ chức nước ngoài. Số ý kiến phê phán thẳng thắn ở nước ta không nhiều so với lời khen, và không phải diễn đàn nào cũng có.
Cũng có những diễn đàn có tiếng nói mạnh mẽ, nhưng thường chỉ tổ chức ở phạm vi hẹp. Khi đưa rộng rãi ra công chúng, người ta cứ vo cho nó tròn lại một chút, cho nó an toàn hơn một chút. Nhưng "thuốc đắng giã tật", nếu cứ quá tự hào về những gì đã có và không thấy rõ những sai sót, yếu kém của mình để sửa chữa, khắc phục, thì làm sao có thể phát triển tốt được. Nhất là có những mặt yếu kém sau này đã phải đưa vào chương trình tái cơ cấu để khắc phục, hay những vấn nạn sau này trở nên tệ hại hơn, thậm chí bị coi là "quốc nạn". Những khiếm khuyết kéo dài đã làm cho nước ta bị tụt hậu xa hơn so với các nước xung quanh, sao có thể không phê phán và đòi hỏi cải cách mạnh mẽ được.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất sáng suốt khi lập ra Tổ tư vấn của mình với yêu cầu đóng góp ý kiến một cách khoa học, thắng thắn, trung thực, và với cơ chế mà anh em gọi vui là "5 không" cho các thành viên: không quyền, không chức, không lương, không đại diện cho ai và không ai đại diện cho mình. 4 "không" khác thì dễ hiểu, còn "không lương" là bởi vì một số người làm kiêm nhiệm thì ăn lương ở nơi mình làm việc chính (như tôi ăn lương VCCI); một số người đã về hưu thì có lương hưu, Chính phủ không trả lương nữa. Đấy là cơ chế rất tốt mà tất cả các thành viên đều vui vẻ chấp nhận.
Được tin tưởng và đóng góp cho công cuộc đổi mới đã là niềm vinh dự lớn đối với chúng tôi rồi. Với cơ chế "5 không", mình có thể thẳng thắn nói theo suy nghĩ của mình, không vì đồng lương, vì cái ghế mà phải giữ kẽ, hay e ngại bị truy chụp. Cho nên ở Tổ Tư vấn trước đây, sau này đổi thành Ban nghiên cứu, luôn có những tiếng nói rất mạnh mẽ, độc lập, khách quan, đầy tâm huyết cho sự nghiệp chung.
Nhiều khi sự thẳng thắn của chúng tôi cũng làm cho một số cơ quan Nhà nước khó chịu, thậm chí họ còn gọi chúng tôi - viết tắt là BNC (Ban nghiên cứu)- là "bọn ngáng chân". Đúng là chúng tôi luôn ngáng chân những ai cố tình tạo ra những kẽ hở trong chính sách hoặc cài cắm lợi ích của họ vào, bất chấp sự phương hại tới lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.
Thiết kế chính sách không bao giờ dễ dàng, bất cứ chính sách nào cũng có một số được lợi, và một số có thể bị thua thiệt. Thường tôi bao giờ cũng cố gắng đứng tối đa về góc nhìn của người thua thiệt, để giúp giảm bớt chi phí mà những người yếu thế hoặc xã hội phải gánh chịu. Số được lợi phải là số đông, và được hưởng lợi một cách chính đáng, công bằng, rồi từ lợi ích họ được hưởng mà đóng góp trở lại cho xã hội. Nhưng không phải ai cũng thích thế, và có những nhóm luôn "chiến đấu" rất quyết liệt cho lợi ích của họ, mà bây giờ ta hay gọi là "lợi ích nhóm".
Có một bạn trước ở VCCI, rồi sau sang Úc học và làm việc, khi về Việt Nam gặp tôi đã nói vui: "Chị vẫn làm Đông-ki-sốt đấy à!". Tôi bật cười: có lẽ thế, nhưng chắc chắn tôi không đơn độc. Bao người khác cũng đang ngày đêm trăn trở, không ngại ngần gắng hết sức làm mọi việc có thể được cho đất nước này!