Triều Tiên phóng một loạt tên lửa tầm ngắn sau "cuộc điện đàm 1 tiếng" của hai ông Trump-Putin

Hồng Anh |

Hãng tin Yonhap thông báo Triều Tiên vừa phóng tên lửa tầm ngắn về phía biển Hoa Đông. Động thái này diễn ra chỉ ít lâu sau khi hai ông Trump-Putin có cuộc điện đàm quan trọng.

Cụ thể, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Hàn Quốc cho biết Triều Tiên "đã phóng một loạt tên lửa từ bờ biển Wonsan phía Đông nước này về phía Đông trong khoảng thời gian từ 9h06' đến 9h27' sáng ngày hôm nay (theo giờ địa phương - tức 7h06' -7h27 ngày 4/5 theo giờ Hà Nội)".

"Các tên lửa được phóng trong tầm bắn từ 70-100km. Mỹ và Hàn Quốc đang tìm hiểu về loại tên lửa vừa được Triều Tiên phóng đi", theo thông cáo của JCS.

Cuộc phóng tên lửa tầm ngắn ngày hôm nay diễn ra khoảng 17 tháng sau lần cuối cùng Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào cuối tháng 11/2017, và tuyên bố rằng nước này có thể đưa toàn bộ lục địa Mỹ vào tầm bắn.

Theo phóng viên Will Ripley của đài CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được thông báo về việc Triều Tiên phóng tên lửa về phía biển Hoa Đông sáng ngày hôm nay, và Lầu Năm Góc đang tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo trên bán đảo Triều Tiên.

Đáng chú ý, việc Triều Tiên phóng tên lửa ngày hôm nay diễn ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm quan trọng "kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ" về các vấn đề nóng trên thế giới, trong đó có nhắc tới Triều Tiên.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm ngày hôm qua (3/5), ông Trump đã thúc giục ông Putin gia tăng áp lực đối với Triều Tiên để đẩy nhanh quá trình tiến tới phi hạt nhân hóa.

Trước đó, hôm 25/4, Tổng thống Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại thành phố Vladivostok ở miền Viễn Đông Nga, gần 2 tháng sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc không thỏa thuận ở Hà Nội.

Cuộc gặp của hai ông Putin-Kim được giới quan sát đánh giá là một thông điệp gửi trực tiếp tới Washington, rằng Mỹ không phải là cường quốc duy nhất có thể gây ảnh hưởng tới vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Sau hội nghị thượng đỉnh Vladivostok, Tổng thống Putin đã khẳng định Nga ủng hộ cách tiếp cận giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn. Điều này trái ngược với mong muốn của Mỹ rằng Triều Tiên cần nhanh chóng thực hiện "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng" để đổi lại việc nới lỏng trừng phạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại