Người biểu tình tiến vào thủ đô
Hàng chục nghìn nông dân đã diễu hành, cưỡi ngựa và lái máy kéo vào thủ đô của Ấn Độ hôm 26/1, vượt qua hàng rào cảnh sát để xông vào Pháo đài Đỏ lịch sử - một hành động mang tính biểu tượng sâu sắc cho thấy quy mô thách thức của họ đối với chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi.
Cuộc biểu tình đã trở thành bạo lực vào ngày kỷ niệm Ngày Cộng hòa. Cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và phun nước, đồng thời dựng rào chắn nhằm ngăn người biểu tình tiếp cận trung tâm thủ đô New Delhi, nhưng người biểu tình nhiều nơi đã vượt rào.
Mọi người bàng hoàng khi theo dõi việc xâm chiếm pháo đài - được xây dựng từ thế kỷ 17 và từng là cung điện của các Hoàng đế Mughal. Những người biểu tình đã áp đảo cảnh sát, một số mang theo gươm, dây thừng và gậy.
Người biểu tình trên máy kéo tiến vào thủ đô. Ảnh: AP
Những người nông dân đã tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa trong gần 2 tháng, yêu cầu rút bỏ các luật mới mà họ cho rằng sẽ có lợi cho các trang trại công ty lớn và ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập của những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
Đạo luật gây tranh cãi đã làm trầm trọng thêm sự bất bình hiện có trong giới nông dân, những người từ lâu đã được coi là trái tim và linh hồn của Ấn Độ. Và cuộc biểu tình của họ đã làm rung chuyển đất nước này hơn bao giờ hết.
Gửi thông điệp tới Thủ tướng Modi
"Chúng tôi muốn cho ông Modi thấy được sức mạnh của mình. Chúng tôi sẽ không đầu hàng" Satpal Singh - một nông dân cùng gia đình 5 người lái máy kéo đến thủ đô nói với hãng tin AP.
Các nhà lãnh đạo nông dân cho biết, hơn 10.000 chiếc máy kéo đã tham gia cuộc biểu tình và hàng nghìn người khác đã đi bộ hoặc cưỡi ngựa, cùng lúc hô khẩu hiệu chống lại ông Modi. Đây là một cuộc biểu tình chưa từng có trong lịch sử.
Các nhà chức trách đã sử dụng hơi cay, vòi rồng và đặt các xe tải lớn và xe bus trên đường để cố gắng ngăn chặn đám đông. Một số người biểu tình đã thiệt mạng.
Những người nông dân tuần hành tới New Delhi vào tháng 11 nhưng đã bị cảnh sát chặn lại. Tuy nhiên, kể từ đó, không hề bị nao núng bởi cái lạnh mùa đông, họ thường xuyên có mặt tại rìa thành phố và đe dọa sẽ bao vây thủ đô nếu luật nông nghiệp không được bãi bỏ.
AP News nhận định, nông dân là nhóm người mới nhất làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Thủ tướng Modi trong nền chính trị Ấn Độ, các cuộc biểu tình gần đây đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với chính phủ của ông.
Nông nghiệp hỗ trợ hơn một nửa trong số 1.4 tỷ người của đất nước. Nhưng ảnh hưởng về kinh tế của người nông dân tại đây đã giảm dần trong ba thập kỉ qua. Từng là lực lượng sản xuất 1/3 tổng sản phẩm quốc nội, nông dân Ấn Độ hiện chỉ đóng góp 15% trong nền kinh tế 2.9 nghìn tỷ USD của đất nước.
Hơn một nửa số nông dân lâm vào cảnh nợ nần, 20.638 người tự sát trong năm 2018 và 2019, theo báo cáo chính thức.
Chuyên gia nông nghiệp Devinder Sharma cho biết, nông dân Ấn Độ không chỉ phản đối các cải cách mà còn "thách thức toàn bộ nền kinh tế của đất nước".
Các nhóm nông dân Ấn Độ biểu tình tại các cửa ngõ của thủ đô New Delhi từ hôm 26/11 năm ngoái nhằm phản đối việc Chính phủ nước này ban hành 3 đạo luật cải cách nông nghiệp. Các thay đổi cho phép loại bỏ các khâu trung gian trong buôn bán nông sản và nông dân được quyền bán sản phẩm của mình trực tiếp ra thị trường.
Chính phủ Ấn Độ khẳng định rằng luật cải cách nông nghiệp được Quốc hội thông qua vào tháng 9 sẽ mang lại lợi ích cho nông dân và thúc đẩy sản xuất thông qua đầu tư tư nhân. Nhưng người nông dân lo sợ, luật mới sẽ bỏ lại những người sở hữu các mảnh đất nhỏ và chỉ các tập đoàn lớn giành lợi.
Chính phủ đã đề nghị sửa đổi luật và đình chỉ việc thi hành luật trong 18 tháng. Nhưng những người nông dân khẳng định không gì thay đổi được họ ngoài việc bãi bỏ hoàn toàn luật này.