Thông điệp của Tổng thống Biden
Không phải là ngẫu nhiên mà đương kim Tổng thống Joe Biden lựa chọn một địa điểm lịch sử ở Valley Forge, bang Pennsylvania, nơi Tổng thống George Washington đã thành lập căn cứ chiến đấu trong Chiến tranh Cách mạng cách đây gần 250 năm. Trong bài phát biểu của mình, ông Biden cũng đã trích dẫn câu từ, làm nổi bật quan điểm và nhân cách của Tổng thống George Washington, người lãnh đạo đã khai sinh ra nước Mỹ với câu hỏi, phải chăng dân chủ vẫn là sự nghiệp thiêng liêng của nước Mỹ.
Chính vì thế, việc lựa chọn địa điểm lịch sử này và có bài phát biểu nhân kỷ niệm 3 năm vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội đã thể hiện thông điệp rất rõ ràng của ông Biden, đó là đặt việc bảo vệ nền dân chủ của nước Mỹ làm trọng tâm của chiến dịch tái tranh cử năm nay. Không chỉ vậy, ông Biden cũng thể hiện rõ quan điểm coi cuộc bầu cử năm nay là một bước ngoặt khác trong nền dân chủ của Mỹ, đồng thời chỉ đích danh cựu Tổng thống Trump, ứng cử viên tiềm năng nhất của đảng Cộng hòa là mối đe dọa hiệu hữu đối với nền dân chủ nước này.
Với bài phát biểu nhấn mạnh nói không với bạo lực chính trị, ý định của ông Biden và đảng Dân chủ cũng khá rõ ràng, đó là nói với cử tri Mỹ rằng cuộc bầu cử năm nay là sự lựa chọn giữa một ứng cử viên tận tâm bảo vệ lý tưởng hàng thế kỷ của nước Mỹ và một bên gây hỗn loạn sẵn sàng loại những giá trị này vì lợi ích cá nhân của mình. Việc thay đổi từ tập trung khuếch trương các thành tựu kinh tế, giảm lạm phát sang trực tiếp chỉ trích cựu Tổng thống Trump cũng là chiến thuật đã được đảng Dân chủ sử dụng trong bầu cử giữa kỳ vừa qua và gặt hái không ít thành công.
Bước khởi động quan trọng
Có thể thấy rằng bài phát biểu hôm cuối tuần là hoạt động tranh cử công khai đầu tiên của Tổng thống Biden, thậm chí có thể được xem là hoạt động tranh cử chính thức đầu tiên kể từ khi công bố kế hoạch tái tranh cử từ tháng 4 năm ngoái. Bước khởi động này rất quan trọng, tuy nhiên, để trở thành gương mặt đại diện cho đảng Dân chủ và sau đó tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay thì Tổng thống Biden vẫn phải vượt qua hàng loạt các thách thức trong thời gian tới.
Đặt trọng tâm tranh cử là cuộc chiến đấu với các mối đe dọa nhằm vào nền dân chủ nước Mỹ, nhưng đây lại không phải lĩnh vực được cử tri quan tâm nhiều nhất. Theo các cuộc thăm dò dư luận mới đây, kinh tế mới là vấn đề có thể tác động nhiều nhất khi có tới 75% số người được hỏi cho rằng vấn đề này cực kỳ quan trọng hoặc rất quan trọng. Trong khi đó, tương lai của nền dân chủ Mỹ chỉ được 67% số người được hỏi đánh giá tương tự. Với dự báo nền kinh tế Mỹ mặc dù có thể tránh được khủng hoảng nhưng chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng năm ngoái - khoảng 2,5%, chắc chắn sẽ khiến ông Biden gặp khó.
Ngoài ra, chính sách đối ngoại, vốn là điểm cộng của đảng Dân chủ, có thể biến thành điểm trừ nếu chính quyền của Tổng thống Biden không thể giải quyết được hai cuộc xung đột, một tại châu Âu và một đang diễn ra ở Trung Đông. Hiện ông Biden đang hứng chịu nhiều ý kiến chỉ trích ngay trong nội bộ đảng Dân chủ, đặc biệt là chính sách của Mỹ đối với Israel. Thậm chí, một số chuyên gia chính trị Mỹ còn cho rằng, nếu không giải quyết sớm cuộc xung đột Trung Đông, ông Biden hoàn toàn có thể mất cơ hội trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử cuối năm nay.
Màn “tái đấu” căng thẳng như cuộc bầu cử năm 2020?
Nếu không có đột biến xảy ra thì nhiều khả năng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ chứng kiến màn tái đấu “vô tiền khoáng hậu” giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump. Không chỉ căng thẳng và kịch tính, màn tái đấu lần này cũng có nhiều điểm đặc biệt trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ. Điểm nổi bật đầu tiên, đây là hai ứng cử viên nhiều tuối nhất ra tranh cử khi ông Biden đã 81 tuổi, còn ông Trump cũng bước sang tuổi 78. Đây cũng là màn tái đấu giữa một đương kim tổng thống và một cựu tổng thống vừa bị đánh bại lần thứ hai kể từ năm 1892.
Về mức độ kịch tính, kể cả trong trường hợp ứng cử viên không phải là ông Biden hoặc ông Trump thì các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây đều là những cuộc chạy đua sát sao. Trong khoảng 10 cuộc bầu cử gần đây thì người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông đều không vượt qua 10 điểm. Thậm chí trong 2 lần bầu cử, ứng cử viên có đa số phiếu phổ thông vẫn thất bại khi thua ở số phiếu cử tri đoàn. Số lượng các bang được xem là chiến trường cũng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5 - 8 bang khiến cuộc đua giành cử tri càng trở nên căng thẳng và khốc liệt hơn.
Đối với khả năng thắng cử, mặc dù ông Trump đang tỏ ra có lợi thế ở một số bang chiến trường nhưng ông Biden không phải không có cơ hội. Cho đến nay thì tâm lý chung của cử tri Mỹ là không muốn cả ông Biden lẫn đối thủ Donald Trump ra tái tranh cử. Tuy nhiên, khi phải lựa chọn một thì cuộc bầu cử sẽ là sự lựa chọn giữa các phương án có thể so sánh được. Chương trình nghị sự của mỗi ứng cử viên sẽ dựa trên những thành tích trong 4 năm cầm quyền và ông Biden đang thể hiện là một lãnh đạo an toàn và đáng tin cậy hơn.