Loài chó chiếm hơn 89% trong nhóm các động vật mang virus gây bệnh dại (ảnh minh họa)
Theo chia sẻ của BS Anh Tuấn, bệnh dại hiện đang lưu hành ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Tại Việt Nam, từ năm 2011 đến 2022 có 977 trường hợp phát bệnh dại tử vong. Trung bình mỗi năm có hơn 500.000 người phơi nhiễm bệnh dại. Tuy nhiên, tỷ lệ đàn chó được tiêm dại hiện chỉ đạt hơn 49%.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 cả nước có 40 trường hợp phát bệnh dại tử vong, phát hiện 23 ổ dịch dại trên động vật. (năm 2021 là 24 ca tử vong và 15 ổ dịch). Bệnh dại đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên, khu vực phía Nam đang là nơi phát sinh nhiều ổ dịch và số ca tử vong nhiều nhất. Dẫn đầu cả nước đang là tỉnh Bến Tre với 12 ca tử vong, tiếp đến là tỉnh Kiên Giang, Bình Dương, Tây Ninh.
"Thống kê cho thấy, bệnh dại trên người đang có xu hướng tăng nhiều trong 2 năm gần đây nguyên nhân là do 100% người tử vong bị phơi nhiễm dại nhưng không tiêm phòng hoặc không tiêm đầy đủ số liều vắc xin theo khuyến cáo sau phơi nhiễm; 70% tử vong đi lấy nọc, điều trị thuốc nam, không xử lý vết thương; 50% chó mèo nghi dại trong thời điểm cắn người" – BS Anh Tuấn nói.
BS Anh Tuấn chia sẻ thông tin về sự nguy hiểm và những sai lầm của cộng đồng liên quan đến bệnh dại
BS Anh Tuấn chỉ ra, hiện nay đang có nhiều hiểu biết sai lầm về bệnh dại đã tước đi sinh mạng của nạn nhân. Nhiều người cho rằng bệnh dại không nguy hiểm, nhiều người bị chó cắn đã không có chuyện gì xảy ra nên không cần tiêm vắc xin dự phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh dại vô cùng nguy hiểm, khi đã có dấu hiệu lâm sàng (lên cơn dại) thì tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Mặt khác, nhiều người chủ quan cho rằng, chó mèo nhà nuôi hoặc chó con cắn thì không cần tiêm ngừa; chó mèo đã tiêm phòng dại cắn thì không mắc bệnh dại. Trên thực tế chó mèo được nuôi đều có nguy cơ mang vi rút gây bệnh dại. Chó mèo dù đã được tiêm vắc xin nhưng không có đủ dữ kiện để khẳng định sẽ không bị bệnh dại.
Hiện nay, nhiều người cho rằng khi bị chó mèo cắn gây vết thương hở mới có khả năng gây bệnh dại. Tuy nhiên, trên thực tế vi rút dại thường tồn tại trong nước bọt của động vật. Ngoài nguy cơ lây truyền qua vết cắn, bệnh dại có thể lây qua vết cào, liếm của động vật bị dại lên vùng da tổn thương của con người.
Sai lầm phổ biến nhất khiến nhiều người tử vong là áp dụng các phương pháp điều trị bệnh dại bằng thuốc Nam hoặc các phương pháp dân gian khác. "Ở nước ta mỗi năm có khoảng 10 người tử vong do bệnh dại vì không đi tiêm phòng khi bị phơi nhiễm mà sử dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc nam, áp dụng những dân gian như lấy nọc độc, đắp ớt bột, đắp nhựa cây. Tất cả các phương pháp trên hoàn toàn không có khả năng điều trị bệnh dại" – BS Anh Tuấn nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, BS Anh Tuấn khuyến cáo cộng đồng khi bị phơi nhiễm bệnh dại cần nhanh chóng đi tiêm phòng. Hiện nay, vắc xin thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Tiêm phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.