Khu dành cho trẻ sơ sinh của một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc còn trống nhiều chỗ. Ảnh: EPA
Dẫn số liệu từ Viện Nghiên cứu Dân số YuWa Trung Quốc, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi ở Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, với chi phí nuôi con cao gấp 6,9 lần GDP. Những con số này gấp đôi chi phí ở các nước như Đức, Australia và Pháp.
Các số liệu đáng báo động trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Năm 2022, số trẻ sơ sinh trung bình của mỗi phụ nữ Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 1. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Báo cáo nêu rõ: “Chi phí sinh nở cao là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự sẵn sàng sinh con của các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ. Để đạt được mục tiêu, các chính sách giảm chi phí sinh đẻ cho các gia đình trong độ tuổi sinh nở cần được thực hiện ở cấp quốc gia”.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từng thừa nhận chính phủ nước này đã chi hơn 200 tỷ USD để tăng dân số trong 16 năm qua, phần lớn dùng để khuyến khích các gia đình sinh con và hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng cách tiếp cận vung tiền hiện tại là quá một chiều và thay vào đó, điều cần thiết là chính quyền cần nhìn ra phương án tiếp tục hỗ trợ trong suốt cuộc đời của đứa trẻ.
Tại Trung Quốc, chính phủ cũng đang gấp rút ứng phó trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hồi tháng 1, tính đến cuối năm 2022, dân số nước này là 1,41175 tỷ người, giảm so với 1,41260 tỷ người ghi nhận một năm trước đó. Tỷ lệ sinh trung bình ở Trung Quốc trong năm 2022 là 6,77/1.000 người, giảm so với tỷ lệ 7,52/2021 người ghi nhận 1 năm trước đó. Đây cũng là tỷ lệ sinh thấp nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc.
Theo giới phân tích, nguyên nhân dẫn đến dân số Trung Quốc giảm là chi phí nuôi con cao, tư tưởng về hôn nhân và gia đình của thế hệ mới thay đổi cũng như tăng trưởng kinh tế chậm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.