Trào lưu "thuận tự nhiên" bắt đầu từ khi nào?
Trào lưu Lotus Bird (liên sinh) hay còn gọi là phương pháp sinh con hoa sen đang ngày càng được nhiều bà mẹ ở các nước phát triển lựa chọn. Theo trào lưu này, thay vì cắt rốn cho trẻ sơ sinh mới chào đời, các bà mẹ sẽ chọn giữ nguyên nhau thai, dùng thảo dược chống ruồi nhặng, mùi hôi thối để nó rụng tự nhiên.
Trước khi trở nên phổ biến vào những năm 1970, phương pháp "liên sinh" được quan sát thấy ở loài tinh tinh. Đến năm 1974, một bác sĩ đã áp dụng cách này khi sinh cậu con trai của mình và từ đó đến nay, Lotus birth được quan tâm nhiều hơn.
Những người khởi xướng trào lưu này cho biết, để nguyên rốn có rất nhiều lợi ích như em bé sẽ nhận được nhiều dưỡng chất từ nhau thai hơn, trẻ được sinh ra có hệ miễn dịch tốt hơn, rốn rụng tự nhiên sẽ đẹp hơn…
Tại Việt Nam, phương pháp liên sinh mới chỉ được biết đến nhiều trong thời gian gần đây khi một sản phụ tại Hưng Yên cho biết cô đã tự sinh em bé thành công tại nhà một cách hoàn toàn khỏe mạnh hồi đầu tháng 3/2018.
Bên cạnh đó, cũng có những thông tin cho rằng đã có một ca tử vong cả mẹ lẫn con khi áp dụng phương pháp thuận tự nhiên tại nhà. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác nhận chính xác trường hợp này.
Chuyên gia y tế thế giới phản đối trào lưu để rụng rốn tự nhiên
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, để rốn rụng tự nhiên kiểu này có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ mới sinh.
Bác sĩ phụ sản tại trường Đại học sản khoa Hoàng Gia Anh đã cảnh báo nguy cơ từ phương pháp này: "Nếu không cắt cuống rốn ra khỏi nhau và để lại trong một thời gian sau sinh, nguy cơ nhiễm trùng ở nhai thai có thể lây lan sang em bé".
"Nhau thai rất dễ bị nhiễm trùng vì nó có chứa máu. Sau khi được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ, máu ở nhau thai không còn được lưu thông và được coi là mô chết".
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo chưa có nghiên cứu nào chứng minh lợi ích "kỳ diệu" của trào lưu liên sinh nói trên. Tuy vậy, việc tạm ngưng cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh sau sinh từ 30-60 giây có thể giúp trẻ khỏe mạnh hơn là có thật.
Tiến sĩ Maria Mascola thuộc Ủy ban ACOG về thực hành sản khoa Mỹ 30-60 giây cho biết, chờ đợi không phải thời gian dài nhưng rất nhiều máu giàu oxy được đưa vào cơ thể các bé thông qua dây rốn trong khoảng thời gian này.
Máu có thể chảy trong 5 phút nhưng nhiều nhất là trong những phút đầu tiên. Việc trì hoãn cắt dây rốn trong 3 phút làm giảm thiểu khả năng thiếu máu ở trẻ em. Bằng cách này, trẻ em được tiếp nhận thêm nhiều máu chứa sắt.
Giáo sư sản khoa và khoa sản Hilda Hutcherson tại Đại học Columbia khuyến cáo: "Có nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng trì hoãn kẹp dây rốn trong vòng 3 phút sau sinh, em bé sẽ nhận được lượng sắt cao hơn giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
Tuy nhiên, nếu vượt quá khung thời gian đó, để dây rốn và nhau thai quá lâu cũng không còn dưỡng chất cung cấp cho cơ thể trẻ".
Tiến sĩ Jennifer Gunter, người được mệnh danh là "bác sĩ phụ khoa của Twitter" đến từ Califonia thắc mắc: "Tại sao những người hiện đại và hiểu biết lại có thể cổ vũ cho một trào lưu sinh nở nguy hiểm, có thể khiến trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng từ các mô đã chết".
"Nhau thai nếu đã được lấy ra ngoài thực chất chỉ là mô chết, không có tác dụng truyền chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn phát triển rất nhanh trong các mô chết có máu ứ đọng", TS Jennifer nhấn mạnh.
Tiến sĩ William Schweizer, Trung tâm Y tế Langone, Mỹ cũng khuyến cáo việc kết nối đứa trẻ với nhau thai có thể gây ra các rủi ro rất lớn.
(Dịch/TH từ nhiều nguồn)