Theo một quan chức Mỹ, Moskva đã tiếp tục tiến hành vụ không kích thứ hai nhằm vào các tay súng đối lập "đang chiến đấu chống IS" ngay sau khi Lầu Năm Góc sử dụng các kênh khẩn cấp để yêu cầu Nga ngừng không kích sau vụ đầu tiên.
Bình luận về diễn biến nêu trên, trang mạng của Tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor" ngày 21/6 cho rằng các cuộc không kích nhằm vào lực lượng "Quân đội Syria Mới" là nằm trong chiến lược của Nga - muốn Mỹ tái can dự vào Syria.
Quân đội của Nga và các lực lượng đồng minh Syria thường xuyên tiến hành các cuộc không kích nhằm vào những phiến quân được Mỹ hậu thuẫn ở Syria, trong đó có lực lượng Quân đội Syria Mới.
Là một lực lượng khá nhỏ chủ yếu được Mỹ, Anh và Jordan huấn luyện và cung cấp trang thiết bị, Quân đội Syria Mới hoạt động gần biên giới Jordan ở vùng sa mạc phía đông nam Syria, nơi họ đang có kế hoạch đánh chiếm thêm những vùng lãnh thổ đang nằm trong tay IS.
Do Quân đội Syria Mới nhận được sự yểm trợ đáng kể từ trên không của liên minh với sự hỗ trợ của các cố vấn quân sự của Anh và Jordan nên các cuộc không kích của Nga đã kéo theo nguy cơ làm leo thang xung đột.
Tuy nhiên, những mục tiêu chiến lược của Nga tại khu vực đủ mạnh để Moskva bất chấp nguy hiểm tiến hành các cuộc không kích.
Kể từ khi bắt đầu can dự vào Syria, Nga luôn tìm cách thuyết phục Mỹ hợp tác với các lực lượng của họ và tham gia các cuộc đàm phán về việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria với hy vọng rằng qua đây có thể mở ra một tiến trình mới để hòa giải với Mỹ trong một số vấn đề quan trọng khác như các lệnh trừng phạt và cuộc xung đột ở Ukraine.
Và nếu Moskva có thể khiến Washington hợp tác trực tiếp với Nga và các lực lượng ở Syria trung thành với Nga thì đồng nghĩa với việc có thể "buộc" Wasington phải công nhận chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al Assad.
Tuy nhiên, Mỹ đã kiên quyết từ chối đi xa hơn những biện pháp tháo ngòi nổ xung đột hay mở rộng các cuộc hòa đàm cho Syria. Ở thời điểm hiện tại, Moskva đang nôn nóng muốn can dự với Wasington bằng mọi biện pháp cần thiết.
Việc Nga tích cực hỗ trợ cho những lực lượng trung thành của họ ở Raqqa là nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ. Cuộc tấn công vào các căn cứ của Quân đội Syria Mới cũng là một nỗ lực khác mạo hiểm hơn.
Điều này dường như đã thu được kết quả: Ngày 19/6, Nga tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc tăng cường phối hợp tại Syria. Trước đây, Mỹ đã từng phủ nhận những thỏa thuận được công bố đơn phương như vậy, song lần này Washington không đưa ra bình luận.
Mặc dù quân số hiện còn hạn chế song Quân đội Syria Mới là một đối thủ "nặng ký" tiềm tàng đối với các lực lượng trung thành với Nga ở một số tỉnh miền Đông Syria, trong đó có tỉnh Deir el-Zour, quê hương của nhiều tay súng thuộc Quân đội Syria.
Do đó, các cuộc tấn công của Nga nhằm vào Quân đội Syria Mới nhiều khả năng còn mang một động cơ khác như: Gây phương hại tới tinh thần chiến đấu cũng như hoạt động tuyển quân của Quân đội Syria Mới bằng cách gieo rắc những hoài nghi về khả năng liên minh do Mỹ dẫn đầu có thể bảo vệ được lực lượng này.
Nga sẽ phải trả giá đắt cho những động thái mạo hiểm gần đây của mình ở Syria.
Không giống như ở miền Tây Syria, nơi diễn ra các trận chiến giữa các lực lượng trung thành với chính phủ và phiến quân, vùng lãnh thổ do IS kiểm soát (ở miền Đông) đang tạo ra một vùng đệm giữa hai nhóm phiến quân (một bên là các tay súng được Nga hậu thuẫn và bên kia được Mỹ hậu thuẫn).
Trong bối cảnh IS đang bị suy yếu, hai nhóm này đang có xu hướng trực tiếp giao tranh với nhau (như ở miền Tây). Do nhiều phe phái ở hai bên là những kẻ thù lâu năm của nhau, nên sẽ rất khó ngăn chặn xung đột leo thang.
Bên cạnh đó, các cuộc không kích của Nga nhằm vào những cứ điểm của Quân đội Syria Mới chỉ là một "chỉ dấu" cho thấy chiến sự ở miền Đông Syria sẽ tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng nào.