• Hoa Kỳ
  • Australia
  • Nhật Bản
  • Malaysia
  • Hàn Quốc
  • Thái Lan
  • Philippines
  • Singapore
  • Brunei
  • Indonesia
  • New Zealand
  • Canada
  • Trung Quốc
  • Hồng Kông
  • Đài Loan
  • Mexico
  • Papua New Guinea
  • Chile
  • Peru
  • Nga
  • Việt Nam

APEC

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989 với 12 nền kinh tế thành viên. Tới năm 1998, APEC có 21 thành viên, bao gồm cả Việt Nam.

TỔNG QUAN:

APEC chiếm 39% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu, bao gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Có tới 7/10 quốc gia ASEAN là thành viên APEC.

MỤC TIÊU APEC:

Là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.

Tuyên bố Bogor 1994 xác định mục tiêu của APEC là: Thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư tại Châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển là 2020.

NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỐT LÕI:

Cùng có lợi; Đồng thuận; Tự nguyện; Phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT).

Nền kinh tế số 1 thế giới

GDP (2017): 18.558 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 57.436 USD

Dân số: 325.365.000 người

Lực lượng lao động: 156 triệu người

Xuất khẩu: 1,45 nghìn tỷ USD

Nhập khẩu: 2,25 nghìn tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 4,7%

Đơn vị tiền tệ: US Dollar (USD)

Tổng thống:

Donald Trump

Mỹ là một trong 12 thành viên sáng lập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nhóm họp lần đầu tháng 11/1989 tại Canberra, Australia. Tuy nhiên, phải tới năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mới khởi xướng Hội nghị Lãnh đạo Cấp cao APEC và họp lần đầu tại Đảo Blake, tiểu bang Washington, Mỹ.Tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên, lãnh đạo các nền kinh tế APEC kêu gọi tiếp tục tháo gỡ những rào cản thương mại và đầu tư với kỳ vọng vào một cộng đồng APEC thịnh vượng thông qua hợp tác.

Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, các nhà lãnh đạo APEC quyết định gặp gỡ hàng năm để thảo luận về các mục tiêu chung của APEC, bao gồm hướng tới thương mại và đầu tư tự do trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ban thư ký APEC cũng được thành lập với trụ sở tại Singapore để điều phối các hoạt động của tổ chức.

Năm nay, thế giới dành nhiều sự tập trung vào Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump mới lên nắm quyền. Khác với người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump nổi lên với tư tưởng bảo hộ thương mại với khẩu hiệu Mang việc làm về cho người Mỹ. Ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù nó đã được chính quyền của người tiền nhiệm hết lòng hậu thuẫn.

Nền kinh tế số 13 thế giới

GDP (2016): 1,257 nghìn tỷ USD

GDP đầu người (2016): 51.593 USD

Dân số: 23.401.892 người

Lực lượng lao động: 12 triệu người

Xuất khẩu: 190,2 tỷ USD

Nhập khẩu: 196,1 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 5,6%

Đơn vị tiền tệ: Australian Dollar (AUD)

Thủ tướng:

Malcolm Turnbull

Tháng 1/1989, Thủ tướng Australia Bob Hawke là người kêu gọi hợp tác kinh tế hiệu quả hơn trong khu vực Thái Bình Dương, dẫn tới cuộc họp đầu tiên của APEC tại Canberra vào tháng 11 cùng năm. Tuy nhiên, thời điểm đó, APEC được tổ chức ở cấp Bộ trưởng do Bộ trưởng Ngoại giao Australia Gareth Evans chủ trì. Tham dự sự kiện có bộ trưởng của 12 quốc gia, bao gồm cả nước chủ nhà.

Australia là một trong những nền kinh tế có đóng góp tích cực nhất cho APEC. Sau cuộc họp đầu tiên, các nền kinh tế tham dự thống nhất tổ chức họp thường niên tại Singapore và Hàn Quốc trước khi Mỹ khởi xướng cuộc họp thượng đỉnh 4 năm sau đó. Australia cũng là quốc gia tích cực theo đuổi các hiệp định thương mại tự do trong khu vực, bao gồm TPP.

Sau khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi đàm phán TPP, Australia, đồng minh thân cận của Mỹ, tiếp tục có những động thái mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hiệp định này. Steven Ciobo, Bộ trưởng Thương mại Australia , khẳng định TPP vẫn hoàn toàn có thể trở thành hiện thực dù vắng Mỹ.

Nền kinh tế số 3 thế giới

GDP (2017): 4,841nghìn tỷ USD

GDP đầu người (2017): 38.281 USD

Dân số: 126.740.000 người

Lực lượng lao động: 65,4 triệu người

Xuất khẩu: 644,9 tỷ USD

Nhập khẩu: 606,9 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 2,8%

Đơn vị tiền tệ: Yên (JPY)

Thủ tướng:

Shinzo Abe

Nhật Bản là 1 trong 12 nền kinh tế sáng lập APEC vào năm 1989. Dù phải tới năm 2006 APEC mới chính thức thảo luận về khái niệm Khu vực Mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương nhưng năm 1966, nhà kinh tế học Kiyoshi Kojima người Nhật đã đưa ra khái niệm cho một thỏa thuận thương mại tự do khu vực Thái Bình Dương. Dù không được nhiều người biết tới nhưng khái niệm này dẫn tới việc hình thành Hội nghị Thương mại và Phát triển Thái Bình Dương và sau đó là Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương năm 1980 trước khi APEC ra đời năm 1989.

Nhật Bản cũng là nước chủ nhà của APEC năm 1995 và 2010. Theo thông lệ, cứ mỗi hội nghị kết thúc, lãnh đạo các nền kinh tế APEC lại cùng nhau chụp ảnh trong trang phục truyền thống của nước chủ nhà. Tuy nhiên, trong sự kiện năm 2010, Nhật Bản đã lựa chọn một bộ trang phục giản dị hơn là để các nhà lãnh đạo mặc bộ Kimono truyền thống của đất nước.

Nền kinh tế số 35 thế giới

GDP (2017): 294,6 tỷ USD

GDP đầu người (2017): 10.756 USD

Dân số: 31.693.000 người

Lực lượng lao động: 15,03 triệu người

Xuất khẩu: 175.7 tỷ USD

Nhập khẩu: 147,7 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 3,4%

Đơn vị tiền tệ: Ringgit (MYR)

Thủ tướng:

Najib Razak

Malaysia là một trong 12 nền kinh tế sáng lập APEC. Đây là nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới và đứng thứ 3 Đông Nam Á. Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu năm 2017, Malaysia là nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh thứ 6 trong châu lục sau Singapore, Qatar, Isreal, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Nhật Bản. Đây cũng là quốc gia có sức cạnh tranh mạnh thứ 23 trên thế giới.

Dù thu nhập bình quân trên đầu người không cao nhưng người dân Malaysia có mức sống tương đương với các nước có GDP/đầu người cao như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ hay Brazil. Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới cho biết, dù GDP/đầu người theo danh nghĩa của Malaysia là 10.620 USD/năm nhưng GDP/đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) của quốc gia này lên tới 28.681 USD/năm.

Dù là một trong 12 nước sáng lập APEC nhưng đến nay, Malaysia mới đăng cai tổ chức sự kiện này 1 lần vào năm 1998. Trong cuộc họp tại Kuala Lumpur, các nhà lãnh đạo APEC đã đồng thuận thông qua 9 ngành đầu tiên trong Tự do hóa sớm theo ngành (EVSL) đồng thời thúc đẩy các EVSL với các nền kinh tế không phải thành viên APEC tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nền kinh tế số 11 thế giới

GDP (2017): 1.446 tỷ USD

GDP đầu người (2017): 29.115 USD

Dân số: 51.446.000 người

Lực lượng lao động: 25 triệu người

Xuất khẩu: 526,76 tỷ USD

Nhập khẩu: 542,9 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 3,1%

Đơn vị tiền tệ: Won (KRW)

Tổng thống:

Moon Jae-in

Là 1 trong 12 nền kinh tế sáng lập APEC, Hàn Quốc nổi danh khắp thế giới với nền kinh tế hỗn hợp, bị chi phối bởi các tập đoàn gia đình, còn được gọi với cái tên khác là chaebol. Tuy nhiên, vì những nhược điểm của mô hình kinh tế này, Hàn Quốc đang tiến hành các biện pháp nhằm giảm sự thống trị của các tập đoàn gia đình, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Từ một nền kinh tế nghèo nàn, Hàn Quốc đã vươn lên thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới với thu nhập cao và tốc độ phát triển lớn chỉ trong một thế hệ. Tuy nhiên, có một sự thực là Hàn Quốc chưa bao giờ có được hòa bình kể từ sau Hiệp định Đình chiến năm 1953 với quốc gia láng giềng Triều Tiên. Những vụ thử tên lửa và hạt nhân từ phía Bình Nhưỡng tiếp tục khiến Seoul phải lo lắng.

Hàn Quốc là nước chủ nhà của APEC năm 1991 và 2005. Trong sự kiện năm 2005, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Lộ trình Busan nhằm đáp ứng các mục tiêu chung của APEC. Các nhà lãnh đạo cũng đưa ra tuyên bố độc lập nhằm ủng hộ kết quả Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 6 diễn ra tại Hồng Kông, Trung Quốc cùng năm cũng như thống nhất các biện pháp đối phó với đại dịch cúm gia cầm và chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Nền kinh tế số 27 thế giới

GDP (2017): 433 tỷ USD

GDP đầu người (2017): 6.265 USD

Dân số: 68.863.514 người

Lực lượng lao động: 39,41 triệu người

Xuất khẩu: 215,38 tỷ USD

Nhập khẩu: 194,19 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 0,9%

Đơn vị tiền tệ: Baht (THB)

Thủ tướng:

Prayut Chan-o-cha

Thái Lan là một trong 12 nền kinh tế sáng lập APEC. Hiện tại, Thái Lan được coi là nước công nghiệp mới phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu với 2/3 tổng sản phẩm quốc nội. Quốc gia này là nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Lan mới chỉ đăng cai tổ chức APEC một lần vào năm 2003 tại thủ đô Bangkok. Tại đây, các nhà lãnh đạo APEC đã đồng ý nối lại Chương trình nghị sự Phát triển Doha của WTO đồng thời nhấn mạnh mục tiêu bổ sung của các hiệp định thương mại song phương và khu vực (bao gồm Các mục tiêu Bogor và hệ thống thương mại đa phương thuộc WTO).

Cũng tại Thái Lan, các nền kinh tế APEC cam kết thực hiện các hành động cụ thể để chống lại khủng bố, loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt và các mối đe dọa an ninh khác. Các nền kinh tế thành viên cũng ký Kế hoạch hành động APEC về dịch SARS và sáng kiến an ninh y tế.

Nền kinh tế số 34 thế giới

GDP (2017): 330 tỷ USD

GDP đầu người (2017): 3.102 USD

Dân số: 100.981.437 người

Lực lượng lao động: 64,8 triệu người

Xuất khẩu: 58,8 tỷ USD

Nhập khẩu: 71,1 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 4,7%

Đơn vị tiền tệ: Peso (PHP)

Tổng thống:

Rodrigo Duterte

Philippines là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới, đứng thứ 13 ở châu Á và thứ 3 trong ASEAN sau Indonesia và Thái Lan. Quốc gia này cũng được coi là một nước công nghiệp mới với nền kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ và sản xuất. Đây cũng là nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh bậc nhất ở châu Á.

Philippines, một trong 12 nền kinh tế sáng lập APEC, đã 2 lần đăng cai tổ chức APEC vào năm 1996 và 2015. Trong năm 1996, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Kế hoạch Hành động Manila, phác thảo các biện pháp tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại đầu tư để đạt được mục tiêu Bogor và các kế hoạch hành động cá nhân và tập thể, làm rõ các nền kinh tế sẽ làm gì để đạt được các mục tiêu thương mại tự do.

Năm 2015, các nhà lãnh đạo nhận thức được sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều cũng như những rủi ro và sự không chắc chắn của kinh tế toàn cầu. Tại đây, các nhà lãnh đạo nhất trí đưa ra các chính sách kích thích hội nhập với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực và toàn cầu, xây dựng những cộng đồng bền vững, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường chương trình nghị sự hội nhập kinh tế khu vực.

Nền kinh tế số 37 thế giới

GDP (2017): 291.8 tỷ USD

GDP đầu người (2017): 51.431 USD

Dân số: 5.607.300 người

Lực lượng lao động: 3,6 triệu người

Xuất khẩu: 329,7 tỷ USD

Nhập khẩu: 282,9 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 2,2%

Đơn vị tiền tệ: Singapore dollar (SGD)

Thủ tướng:

Lý Hiển Long

Singapore, một trong 12 nền kinh tế sáng lập APEC, là quốc gia nhỏ bé với diện tích 719,1 km2. Tuy nhiên, đây được đánh giá là nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao và mở nhất thế giới. Nó đứng thứ 7 trong danh sách những nước ít tham nhũng, tạo thuận lợi cho kinh doanh nhất thế giới. Trụ sở của APEC được đặt tại Singapore.

Singapore là nước chủ nhà của APEC vào năm 2009 với chương trình nghị sự nỗ lực theo đuổi tăng trưởng cân bằng, toàn diện và bền vững. Các nhà lãnh đạo cũng nỗ lực làm việc để chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Giai đoạn này, APEC cũng bàn về các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế số 130 thế giới

GDP (2016): 11,4 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 31.000 USD

Dân số (2016): 423.196 người

Lực lượng lao động: 208.000 người

Xuất khẩu: 6,35 tỷ USD

Nhập khẩu: 3,89 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2010): 3,7%

Đơn vị tiền tệ: Brunei dollar (BND)

Quốc vương:

Hassanal Bolkiah

Dù quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng Brunei lại là một trong những nước có GDP trên đầu người cao nhất thế giới. Dựa nhiều vào các hoạt động xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên nên hơn một nửa GDP của quốc gia giàu có này tới từ ngành công nghiệp này. Chính phủ Brunei còn cung cấp miễn phí các dịch vụ y tế, trợ cấp lương thực và nhà ở cho người dân.

Brunei là nước chủ nhà của APEC năm 2000 với mục tiêu đẩy mạnh sự hiện diện của Internet trong khu vực, sự kiện làm nổi bật vai trò của quốc gia nhỏ bé trên trường quốc tế.

Nền kinh tế số 16 thế giới

GDP (2017): 941 tỷ USD

GDP đầu người (2017): 3.604 USD

Dân số (2015): 261.115.456 người

Lực lượng lao động: 123,7 triệu người

Xuất khẩu: 144,4 tỷ USD

Nhập khẩu: 135,6 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2016): 6,3%

Đơn vị tiền tệ: Rupiah (IDR)

Tổng thống:

Joko Widodo

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 16 trên thế giới đồng thời là thành viên của G-20 và được phân loại là nước công nghiệp mới. Năm 2012, Indonesia đã vượt Ấn Độ để trở thành nền kinh tế G-20 phát triển nhanh thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm của quốc gia này đang chậm lại và duy trì ở mức 5%.

Indonesia, một trong những nền kinh tế sáng lập APEC, là quốc gia chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh năm 1994. Tại đây, các nhà lãnh đạo APEC đã chuẩn thuận với Bản dự thảo "Mục tiêu Bogor" nhắm vào mục tiêu mở rộng và tự do hoá các lĩnh vực thương mại và đầu tư bằng cách giảm thiểu rào cản thuế quan trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến mức ở giữa số 0 và 5% vào khoảng năm 2010 tại các nước đã công nghiệp hoá và năm 2020 tại các nước đang phát triển.

Nền kinh tế số 53 thế giới

GDP (2016): 181,991 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 36.254 USD

Dân số (2017): 4.825.000 người

Lực lượng lao động: 2,4 triệu người

Xuất khẩu: 34,481 tỷ USD

Nhập khẩu: 33 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2016): 5,7%

Đơn vị tiền tệ: New Zealand dollar (NZD)

Thủ tướng:

Jacinda Ardern

New Zealand sở hữu một nền kinh tế thị trường lớn mạnh. Trong quá khứ, quốc gia này phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên trước khi nông sản và các sản phẩm từ chăn nuôi trở thành thế mạnh. Hiện tại, kinh tế New Zealand phát triển chủ yếu dựa vào trao đổi thương mại quốc tế với các đối tác chính là Australia, Mỹ và Nhật Bản, những nền kinh tế sáng lập khác của APEC.

New Zealand là nước chủ nhà của APEC năm 1999. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thống nhất xóa bỏ việc cấp giấy phép kinh doanh vào năm 2005 ở các nền kinh tế phát triển và 2010 ở các nền kinh tế đang phát triển.

Nền kinh tế số 10 thế giới

GDP (2016): 1.529 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 42.210 USD

Dân số (2017): 35.151.728 người

Lực lượng lao động: 19,9 triệu người

Xuất khẩu: 390,1 tỷ USD

Nhập khẩu: 416,6 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2016): 6,2%

Đơn vị tiền tệ: Canadian dollar (CAD)

Thủ tướng:

Justin Trudeau

Canada, một trong 12 nền kinh tế sáng lập APEC, là một trong 10 nước giàu có nhất thế giới với tiêu chuẩn và chất lượng cuộc sống cao. Giống các nước phát triển khác, kinh tế Canada phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp dịch vụ, chiếm khoảng ¾ tổng GDP. Tuy nhiên, kinh tế Canada liên kết khá chặt chẽ với kinh tế Mỹ và quốc gia láng giềng này cũng là đối tác xuất nhập khẩu chính của Canada.

Canada là nước chủ nhà của APEC năm 1997, nơi các nhà lãnh đạo APEC tán thành đề xuất Tự do hóa sớm theo ngành (EVSL) trong 15 lĩnh vực. Tuy nhiên, cuộc họp tại Vancouver cũng chứng kiến cuộc bểu tình phản đối sự hiện diện của một số nhà lãnh đạo bị coi là độc tài. Các cuộc biểu tình bất bạo động đã bị Cảnh sát Hoàng gia Canada giải tán bằng hơi cay.

Nền kinh tế số 2 thế giới

GDP (2017): 11,8 nghìn tỷ USD

GDP đầu người (2017): 8.481 USD

Dân số (2016): 1.403.500.365 người

Lực lượng lao động: 807,1 triệu người

Xuất khẩu: 2,09 nghìn tỷ USD

Nhập khẩu: 1,58 nghìn tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2016): 3,97%

Đơn vị tiền tệ: Tệ (CNY)

Chủ tịch:

Tập Cận Bình

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với mức tăng trưởng trung bình đạt 10% trong suốt 30 năm. Tới năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng vài năm trở lại đây đang có dấu hiệu chững lại với tốc độ tăng trưởng một con số.

Trung Quốc gia nhập APEC tháng 11/1991 nhưng đã 2 lần đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào năm 2001 và 2014. Tại Thượng Hải năm 2001, ngoài những trọng tâm về Tầm nhìn APEC và các ưu tiên, các nhà lãnh đạo đã lần đầu tiên ban hành tuyên bố chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Hội nghị này được tổ chức tháng 11/2001, chỉ 2 tháng sau khi nước Mỹ rúng động bởi chuỗi vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Năm 2014 tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh tăng cường kết nối toàn diện đối với tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh kết nối hàng hải và hàng không, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng và tinh thần cộng đồng ở châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua 2 tuyên bố “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương”.

Nền kinh tế số 33 thế giới

GDP (2017): 444,6 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 43.473 USD

Dân số (2016): 7.374.900 người

Lực lượng lao động: 3,961 triệu người

Xuất khẩu: 528,2 tỷ USD

Nhập khẩu: 560,2 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2016): 3,1%

Đơn vị tiền tệ: Hong Kong dollar (HKD)

Trưởng đặc khu:

Lâm Trịnh Nguyệt Nga

Hồng Kông là một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc (còn lại là Ma Cao). Từ năm 1842, Hồng Kông nằm dưới sự quản lý của Vương quốc Anh nhưng đã được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Dù chỉ có diện tích 2.755 km2 nhưng Hồng Kông là một trong những nền kinh tế lớn mạnh của khu vực và thế giới. Đây còn là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu.

Hồng Kông gia nhập APEC năm 1991, cùng thời điểm với Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa một hội nghị thượng đỉnh APEC nào được tổ chức tại Đặc khu Hành chính này. Dù thuộc Trung Quốc nhưng Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Kông vẫn tham dự các hội nghị thượng đỉnh thường niên trong vai trò nhà lãnh đạo nền kinh tế.

Nền kinh tế số 22 thế giới

GDP (2017): 566,7 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 24.027 USD

Dân số (2017): 23.550.077 người

Lực lượng lao động: 11,54 triệu người

Xuất khẩu: 318 tỷ USD

Nhập khẩu: 277,5 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2014): 4%

Đơn vị tiền tệ: Tân Đài tệ (TWD)

Nhà lãnh đạo:

Thái Anh Văn

Nền kinh tế Đài Loan gia nhập APEC tháng 11/1991, cùng thời điểm với Trung Quốc và Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Lãnh đạo đảo Đài Loan, Trung Quốc không được mời tới dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Thay vào đó, một viên chức đặc trách kinh tế thay thế vai trò của nhà lãnh đạo với tư các đặc sứ.

Nền kinh tế số 15 thế giới

GDP (2017): 1.046 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 8.700 USD

Dân số (2015): 119.530.753 người

Lực lượng lao động: 53 triệu người

Xuất khẩu: 359,3 tỷ USD

Nhập khẩu: 372,8 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2015): 6,5%

Đơn vị tiền tệ: Mexican peso (MXN)

Tổng thống:

Enrique Peña Nieto

Quốc gia Bắc Mỹ Mexico là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giúp quốc gia này có quan hệ kinh tế mật thiết với Mỹ và Canada, hai nền kinh tế lớn khác của thế giới. Do đặt trọng tâm vào xuất khẩu nên Mexico còn ký các hiệp định thương mại tự do với hơn 40 quốc gia khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Israel hay các nước Trung – Nam Mỹ.

Mexico chính thức gia nhập APEC vào tháng 11/1993. Quốc gia này là nước chủ nhà của APEC năm 2002, nơi các nhà lãnh đạo thông qua kế hoạch hành động Thuận lợi hóa Thương mại. Tại Los Cabos, Mexico, APEC lần thứ 2 đưa ra tuyên bố chống khủng bố.

Nền kinh tế số 111 thế giới

GDP (2016): 20 tỷ USD

GDP đầu người (2015): 2.800 USD

Dân số (2011): 7.059.653 người

Lực lượng lao động: 3,9 triệu người

Xuất khẩu: 6,75 tỷ USD

Nhập khẩu: 6,1 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2008): 1,9%

Đơn vị tiền tệ: kina (PGK)

Thủ tướng:

Peter O'Neill

Papua New Guinea là quốc gia nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương với nền kinh tế chủ yếu dựa vào Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, với phần lớn lực lượng lao động làm việc trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu của Papua New Guinea tới từ việc khoáng sản, trong đó có dầu mỏ và khí đốt. Dù sở hữu nguồn tài nguyên phong phú nhưng các hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn bởi địa hình hiểm trở của quốc gia này.

Papua New Guinea gia nhập APEC tháng 11/1993 cùng với Mexico. Tuy nhiên, quốc gia này chưa một lần tổ chức APEC. Theo kế hoạch, Papua New Guinea sẽ là nước chủ nhà của APEC năm 2018.

Nền kinh tế số 44 thế giới

GDP (2016): 247 tỷ USD

GDP đầu người (2017): 15.106 USD

Dân số (2015): 18.006.407 người

Lực lượng lao động: 9 triệu người

Xuất khẩu: 76,98 tỷ USD

Nhập khẩu: 60,67 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2016): 6,9%

Đơn vị tiền tệ: Chilean peso (CLP)

Tổng thống:

Michelle Bachelet

Ngân hàng Thế giới xếp Chile vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao, ổn định và thịnh vượng nhất ở Nam Mỹ. Chile dẫn đầu 16 nước châu Mỹ - Latin về khả năng cạnh tranh, thu nhập bình quân đầu người hay tham nhũng thấp cùng một nền kinh tế tự do. Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu cho thấy Chile là nước đứng thứ 30, cao hơn nhiều so với các nước châu Mỹ - Latin khác như Brazil hay Argentina.

Chile gia nhập APEC tháng 11/1994 và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại Santiago vào năm 2004. Tại đây, các nhà lãnh đạo APEC tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ những tiến bộ trong Chương trình Nghị sự Phát triển Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như đặt ra mục tiêu để đạt được đột phá trong đàm phán. Tại Chile, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục nhắc lại quyết tâm đối phó với các nguy cơ khủng bố toàn cầu.

Nền kinh tế số 49 thế giới

GDP (2016): 195,1 tỷ USD

GDP đầu người (2017): 6.506 USD

Dân số (2017): 31.826.018 người

Lực lượng lao động: 21,16 triệu người

Xuất khẩu: 73,5 tỷ USD

Nhập khẩu: 68 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2012): 3,6%

Đơn vị tiền tệ: Peruvian sol (PEN)

Tổng thống:

Pedro Pablo Kuczynski

Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Peru là quốc gia nằm ở phía trên trong nhóm các nước có thu nhập trung bình. Các nhà phân tích cho rằng thành công của kinh tế Peru bắt nguồn từ ổn định kinh tế vĩ mô, chi tiêu ngân sách thận trọng, dự trữ ngoại hối cao, giảm nợ nước ngoài, thu hút đầu tư và thặng dư tài chính.

Peru gia nhập APEC vào tháng 11/1998 nhưng đã 2 lần đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào các năm 2008 và 2016. Năm 2008, APEC tập trung vào các khía cạnh xã hội của thương mại và giảm khoảng cách giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với chủ đề “Cam kết mới cho sự phát triển châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đề cập tới khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tuyên bố chung.

Tại hội nghị năm 2016, APEC tuyên chiến với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và nạn tham những, vốn được coi là ung nhọt trong các nền kinh tế thế giới. Số phận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được đề cập tới tại Lima trong bối cảnh nước Mỹ đang có dấu hiệu thay đổi khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Nền kinh tế số 12 thế giới

GDP (2016): 1.280 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 8.838 USD

Dân số (2017): 144.463.451 người

Lực lượng lao động: 76,9 triệu người

Xuất khẩu: 285,5 tỷ USD

Nhập khẩu: 182,3 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2016): 5,6%

Đơn vị tiền tệ: Russian ruble (RUB)

Tổng thống:

Vladimir Putin

Nga là nước có nền kinh tế hỗn hợp với sự kiểm soát của nhà nước ở một số khu vực chiến lược. Là quốc gia rộng lớn nhất thế giới, một số báo cáo cho rằng Nga sở hữu tới hơn 30% nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới. Ngân hàng Thế giới ước tính tổng giá trị từ tài nguyên thiên nhiên của Nga có thể đạt tới 75 nghìn tỷ USD. Doanh thu từ năng lượng, bao gồm xuất khẩu dầu và khí đốt, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga.

Nga chính thức gia nhập APEC vào tháng 11/1998 và là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh năm 2012. Tại Vladivostok, các nền kinh tế APEC đã thông qua danh mục đóng góp trực tiếp và tích cực cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuyên bố chung cùng 5 văn kiện kèm theo khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của các nhà Lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, nâng cao vị thế quốc tế của Diễn đàn.

Nền kinh tế số 48 thế giới

GDP (2016): 202 tỷ USD

GDP đầu người (2016): 2.200 USD

Dân số (2017): 95,414,640 người

Lực lượng lao động: 54,93 triệu người

Xuất khẩu: 162,11 tỷ USD

Nhập khẩu: 165,65 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp (2016): 2,3%

Đơn vị tiền tệ: Vietnam Dong (VND)

Chủ tịch nước:

Trần Đại Quang

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC vào tháng 11/1998 và lần đầu đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2006. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, với ba nội dung chính gồm: thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư; tăng cường an ninh con người; và xây dựng các xã hội vững mạnh hơn và một cộng đồng năng động, hài hòa hơn.

Kế hoạch Hành động Hà Nội do Việt Nam khởi xướng cũng đã được thông qua, trở thành cơ sở định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong những năm sau đó. Lãnh đạo 21 nền kinh tế cũng thông qua khuyến nghị cải cách APEC với các biện pháp cụ thể nhằm làm cho Diễn đàn năng động và hiệu quả hơn.

Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là nước chủ nhà của APEC với chủ đề Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung. Ý nghĩa của chủ đề thể hiện trên ba khía cạnh: Phản ánh quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC về tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương; Thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á - Thái Bình Dương về “vun đắp một tương lai chung”, đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng; Thể hiện kỳ vọng về những phát triển mới của APEC, góp phần khẳng định vị thế của Diễn đàn trong cục diện mới.