Những gì xảy ra ở Afghanistan khiến châu Âu bừng tỉnh sau "tuần trăng mật" với Mỹ

Kiều Anh |

Châu Âu dường như đã nhận ra nhiều điều về mối quan hệ với Mỹ sau cuộc khủng hoảng ở Afghanistan khi mà, dù là người trong cuộc nhưng lại không thể đưa ra những quyết định quan trọng ngoài đi theo “đường đi, nước bước” của Mỹ.

Cây cầu xuyên Đại Tây Dương lung lay

Chỉ cách đây một vài tháng, quan hệ Mỹ - châu Âu bước vào thời kỳ trăng mật nở rộ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Brussels, Bỉ vào tháng 6 và được đãi ngộ như một người bạn thân lâu năm của châu Âu. "Mỹ đã quay lại vũ đài quốc tế. 

Đây là một tin tuyệt vời cho quan hệ liên minh của chúng ta và cho cả thế giới", Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói với Tổng thống Biden trước truyền thông.

Tuy nhiên, khi mùa hè trôi qua, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nồng thắm dường như cũng ngày càng mai một. Chính quyền Tổng thống Biden cam kết sẽ duy trì một mối quan hệ ổn định hơn với các đồng minh phương Tây truyền thống của Mỹ, thuyết phục châu Âu tham gia vào chia sẻ những giá trị chung và hành động tập thể trước sự biến đổi khí hậu. 

Tuy nhiên, những rạn nứt vẫn chưa thể hàn gắn khi chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng hóa châu Âu từng được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Mới đây, ngày 30/8, Liên minh châu Âu đã đưa Mỹ khỏi danh sách các quốc gia an toàn, những nước không bị hạn chế đi lại trong đại dịch Covid-19. Động thái này được đưa ra nhằm phản ứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng tồi tệ hơn ở Mỹ khi Washington chứng kiến số ca mắc tăng vọt và tỷ lệ tiêm vaccine đã bị nhiều nước châu Âu vượt qua.

Bước đi này của châu Âu cũng phản ánh sự không hài lòng của châu Âu khi Tổng thống Biden từ chối dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên quan đến đại dịch Covid-19 đối với công dân các nước EU.

"Mỹ đã nhận được tấm vé thông hành tự do đi lại trong mùa hè này, thậm chí cả khi tình hình ở nhiều khu vực của nước này trở nên ngày càng tồi tệ. Những ngoại lệ với Mỹ sẽ khó có thể duy trì nếu thiếu sự 'có đi có lại' từ chính quyền Tổng thống Biden", Jacob Kirkegaard, học giả cấp cao tại Quỹ Marshall Đức nhận định.

Việc Taliban nhanh chóng kiểm soát Afghanistan và cảnh tượng hỗn loạn khi Mỹ rút quân cũng là một trong những yếu tố khiến châu Âu lung lay niềm tin vào những ưu tiên của Tổng thống Biden. 

Tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Âu và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hối thúc Tổng thống Biden trì hoãn hạn chót rút quân 31/8. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đã không làm vậy. Tối 30/8, những máy bay cuối cùng của Mỹ đã rời sân bay Kabul, khép lại chiến dịch sơ tán quân sự khỏi thủ đô của Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến dài nhất nước Mỹ.

Đối với những chính trị gia và nhà ngoại giao châu Âu, đặc biệt tại những nước đã đầu tư lớn vào việc ủng hộ sứ mệnh dài 2 thập kỷ của NATO ở Afghanistan, các sự kiện trong những tuần vừa qua giống như một phép thử. 

Tổng thống Biden, người tiếp tục thực hiện thỏa thuận của cựu Tổng thống Trump với Taliban, đã thông báo sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, khiến các đồng minh NATO không còn lựa chọn nào khác ngoài tuân theo. 

Trong khi các quan chức châu Âu lên tiếng lo ngại về tình hình nhân đạo tại Afghanistan cũng như nguy cơ về dòng người tị nạn khổng lồ đến từ quốc gia này thì họ cũng kín đáo bày tỏ sự phàn nàn về việc thiếu quá trình tham vấn thực sự với chính quyền Tổng thống Biden.

Khoảnh khắc "bừng tỉnh" của châu Âu?

Những diễn biến ở Afghanistan đã làm gia tăng tranh cãi ở châu Âu về việc cần có sự tự trị chiến lược lớn hơn.

"Chúng ta phải thúc đẩy năng lực của châu Âu để không bao giờ khiến bản thân phải phụ thuộc vào Mỹ", Armin Laschet, ứng viên có triển vọng kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định trong cuộc tranh luận ngày 29/8 với các đối thủ. 

Ông Laschet cũng nhận định hồi đầu tháng này rằng việc rút quân khỏi Afghanistan là "thất bại lớn nhất mà NATO trải qua kể từ khi thành lập".

"Tình báo của chúng ta thực sự tệ đến vậy sao? Sự hiểu biết của chúng ta về chính phủ Afghanistan mờ nhạt đến vậy sao? Những gì chúng ta biết về tình hình thực địa hạn chế đến vậy sao?", cựu Thủ tướng Anh Theresa May đánh giá trong một bài phát biểu trước nghị viện hồi tuần trước.

"Hay chúng ta chỉ nghĩ rằng chúng ta phải đi theo Mỹ và hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn?", bà Theresa May đặt câu hỏi.

Cuộc chiến ở Afghanistan là sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử NATO kích hoạt Điều V của Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể.

"Với những quốc gia như Đức và Anh, những nước đầu tư lớn vào Afghanistan - từ tài chính cho tới quân đội, chiến dịch ở Afghanistan là sự cam kết của họ với NATO và liên minh", Benjamin Haddad, giám đốc Trung tâm châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương nói.

"Đó là lý do tại sao những gì xảy ra trong những tuần gần đây là cú sang chấn thực sự tại Berlin và London. Điều đó cho thấy sự dịch chuyển về những ưu tiên của Mỹ, vốn diễn ra sâu sắc hơn là những tuyên bố hay phong cách của một tổng thống".

Dù vậy, điều này không quá bất ngờ. "Châu Âu từng là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong hầu hết thế kỷ 20 và đặc biệt trong suốt Chiến tranh Lạnh nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự phát triển của châu Á, các cuộc chiến và chiến dịch chống khủng bố hậu 11/9 đã dịch chuyển những ưu tiên của Mỹ sang các nơi khác", nhà quan sát Stephen M.Walt nhận định trên Foreign Policy.

"Donald Trump là tổng thống đầu tiên công khai nói về ý tưởng này và bây giờ giới tinh hoa châu Âu lo sợ có lẽ điều đó không phải là một tính toán nhất thời".

Chuyên gia Haddad nói: "Hãy vượt ra ngoài điều gọi là 'Nước Mỹ trở lại' và có một cuộc trao đổi thẳng thắn giữa các đồng minh về những điều nước Mỹ không còn muốn làm nữa và những nơi mà châu Âu phải chịu trách nhiệm".

Châu Âu dường như đã nhận ra nhiều điều về mối quan hệ với Mỹ sau cuộc khủng hoảng ở Afghanistan khi mà dù là người trong cuộc nhưng những nước này không thể làm gì khác ngoài việc đi theo những "đường đi, nước bước" của Mỹ, từ kế hoạch rút quân cho tới hạn chót được đưa ra. 

Sự bị động này có thể khiến châu Âu cảm thấy không thoải mái nhưng cũng đồng thời khiến châu Âu phải suy nghĩ nhiều hơn về sự tự trị chiến lược cũng như khả năng giải quyết vấn đề khi khu vực này không còn là tâm điểm ưu tiên trong chính sách của Mỹ nữa./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại