Từ ngày 1/1/2021, 11 bộ luật, luật quan trọng có hiệu lực gồm: Bộ luật lao động, Luật chứng khoán, Luật giám định tư pháp, Luật hòa giải đối thoại, Luật thanh niên, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công, Luật tổ chức Quốc hội.
Dưới đây là một số điểm mới của các bộ luật nhận được nhiều sự quan tâm:
Tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động
Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) được đánh giá là có nhiều điểm mới có lợi cho người lao động.
Theo đó, có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) không cần lý do trong một số trường hợp như bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập, bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc, lao động nữ mang thai mà môi trường làm việc có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi, không được bố trí theo đúng công việc…
Đồng thời, từ 1/1/2021, HĐLĐ sẽ được giao kết theo một trong các loại: HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn.
Như vậy, sẽ không còn HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định. Quy định này nhằm tránh trường hợp người sử dụng lao động trốn tránh các nghĩa vụ như đóng bảo hiểm cho NLĐ.
Bộ luật này quy định tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu nêu trên.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định, nâng số ngày nghỉ lên 11 ngày, điển hình như lễ Quốc khánh được nghỉ 2 ngày; thêm 2 trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương; cấm ép người lao động mua hàng hóa công ty, tăng tuổi nghỉ hưu…
Cụ thể, điều 112 BLLĐ sửa đổi quy định bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 1/9 hoặc 3/9 dương lịch, tùy theo từng năm và theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ngoài ra, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.
Cũng theo BLLĐ sửa đổi, người được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp, như: Kết hôn (nghỉ 3 ngày); con đẻ, con nuôi kết hôn (nghỉ 1 ngày); cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi; cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết (nghỉ 3 ngày)...
Đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch Việt Nam
Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020 quy định hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 quy định rõ 7 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội từ 1/1/2021. Trong đó, đại biểu Quốc hội cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Đồng thời, phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; (4) Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác...
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Luật đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 có nhiều quy định mới. Cụ thể, 8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm:
Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã và mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên;
Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ; Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Về việc kinh doanh dịch vụ đòi nơi, Luật quy định hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan..
Người dân được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ
Nội dung đáng chú ý này được đề cập trong Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.
Theo điều 17 của Nghị định này, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (đủ 18 tuổi, không mắc bệnh tâm thần…) được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương…
Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng cấp phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Nghị định cũng giải thích rõ pháo hoa khác với pháo hoa nổ.
Loại pháo hoa người dân được sử dụng là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp… tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ.
Bảo hiểm y tế thông tuyến tỉnh nội trú trên toàn quốc
Căn cứ điểm b khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1/1/2021, người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.