Cây liễu cô đơn
Đúng với tên gọi của mình, cây liễu cô đơn nằm đơn độc giữa hồ Wanaka, Vườn quốc gia Núi Aspiring, địa danh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Xung quanh cây cô đơn được bao phủ bởi thiên nhiên xinh đẹp, mây trời thoáng đãng, mặt hồ tĩnh lặng mang đến cảm giác yên bình khó tả.
Chả trách cây cô đơn này là một trong những cái cây được hội chụp ảnh săn lùng bậc nhất đất nước New Zealand.
Sự nổi tiếng cũng là con dao 2 lưỡi đe dọa nên sự sống của cây liễu cô đơn.
Không chỉ đứng ngắm và chụp ảnh từ xa, một số du khách thậm chí còn leo lên thân cây gầy nhom kia để tạo dáng, cho ra đời những bức ảnh ảo diệu.
Hồi tháng 12 năm ngoái, một nhánh to của cây đã bị gãy vì không chịu nổi sức nặng của con người.
Chính vì vậy nên đầu năm nay, chính phủ New Zealand phải dựng tấm bảng cấm mọi người trèo lên cây liễu và dự định sẽ thực hiện nhiều chính sách để bảo tồn cái cây đặc biệt này trong tương lai.
Cây liễu cô đơn xinh đẹp này chính là "nàng thơ" được các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới săn đón.
Cây keo Ténéré
Thảm hơn cả cây thông Sitka là cây keo Ténéré, từng được mệnh danh là cây cô đơn nhất hành tinh bởi trong vòng bán kính 400km, nó là cái cây duy nhất tồn tại giữa hoang mạc Sahara khô cằn.
Đứng đơn độc giữa một vùng cát trắng xóa, cây keo Ténéré vẫn kiên cường chống lại thách thức thời gian và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sừng sững ở đó trong suốt hàng trăm năm.
Chỉ nội sự tồn tại bất khuất của nó đã là một điều kỳ diệu đối với các nhà khoa học.
Tiếc thay, vào năm 1973, một người say rượu đã lái xe tông gãy nó.
Sau đó, cây keo Ténéré được chuyển đến Bảo tàng quốc gia Nigeria ở thủ đô Niamey và thay vào vị trí cây cô đơn năm nào là một cái cột kim loại để kỷ niệm cây cô đơn nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Cây keo Ténéré được bảo tồn kỹ càng trong bảo tàng.
Cây thông cô đơn Sitka
Cây thông Sitka nằm trên hòn đảo Campbell, cách phía nam New Zealand đến tận 600km. Nó được mệnh danh là cây cô đơn nhất thế giới bởi “người bạn” gần nhất cũng mọc cách đó 220km, thuộc quần đảo Auckland.
Còn nếu xét về họ hàng cây thông thì phải xuyên qua Thái Bình Dương, ở một nửa bán cầu còn lại, Sitka mới tìm được “huyết thống” của mình.
Không ai hiểu vì sao một cây thông hoành tráng lại có thể mọc ở nơi đây và hằng năm nó vẫn thu hút lượng lớn du khách ghé thăm dù tọa lạc ở một địa điểm vô cùng xa xôi.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, họ tìm thấy bằng chứng cho thấy cây Sitka từng chứng kiến vụ thử hạt nhân năm 1962.
Nói một cách khác, cái cây cô đơn này chính là "nhân chứng sống" cho sự khởi đầu thế Nhân Sinh (Anthropocene), thời kỳ địa chất mà con người đóng vai trò chính yếu.
Điều này càng giúp Sitka trở nên đặc biệt hơn, không chỉ là cây thông độc nhất trong vùng mà còn là chứng nhân lịch sử quan trọng đối với sự tồn tại của con người.
Vụ thử nghiệm hạt nhân Small boy tại Nevada tháng 7/1962.
(Nguồn: Amusing Planet, Atlas Obscura)