Nước Mỹ có chính quyền mới từ đầu năm nhưng từ thời chính quyền cũ đến thời điểm này, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vẫn không được tốt đẹp và suôn sẻ.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phải sau 4 năm mới có chuyến thăm Mỹ và cũng lần đầu tiên kể từ khi trở thành Ngoại trưởng Nga vào tháng 3/2004 được Tổng thống Mỹ tiếp tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng ở thủ đô Washington - trung tâm quyền lực của nước Mỹ.
Ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của sự kiện này đối với mối quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng như đối với chính trị thế giới càng thêm nổi bật trong bối cảnh tình hình hiện tại ở Mỹ.
Ở bên trong nước Mỹ, tân Tổng thống Donald Trump và cộng sự ngày càng lún thêm sâu hơn chứ không phải tự thoát ra khỏi vụ bê bối tai tiếng từ những đồn thổi và cáo buộc chưa được xác minh về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống hồi cuối năm ngoái ở Mỹ.
Tổng thống Trump (giữa) và các quan chức Nga tại phòng Bầu dục. Ảnh: AP
Bà Clinton cho rằng Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey bằng cách xử lý vụ việc liên quan đến thư điện tử của bản thân bà thời là Ngoại trưởng Mỹ đã làm tổn hại cơ hội đắc cử Tổng thống.
Ông Trump khi đó đã hết lời ca ngợi ông Comey vì được lợi rất nhiều. Nhưng rồi chính ông Comey lại chỉ đạo FBI tiến hành điều tra về mối liên giữa giữa phe cánh của ông Trump với Nga, trong đó có vai trò của Nga đối với sự đắc cử Tổng thống của ông Trump.
Tình tiết đặc biệt mới là ông Trump đã bất ngờ sa thải ông Comey với lý do người này đã xử lý không đúng quy định vụ việc thư điện tử của bà Clinton - mà chính ông Trump đã ca ngợi trước đấy.
Chỉ 16 giờ sau đó, ông Trump tiếp ông Lavrov ở Phòng Bầu dục, lại còn cùng với Đại sứ Nga ở Mỹ Sergey Kislyak - người bị coi là cầu nối giữa Nga với nhóm của ông Trump suốt thời vận động tranh cử.
Hai bên gần như không công bố chi tiết gì về nội dung cuộc gặp. Nhưng những bức ảnh được Bộ Ngoại giao Nga công bố cho thấy ông Trump rất thân thiện với ông Lavrov và Kislyak cũng như tất cả đều rất hài lòng với cuộc trao đổi. Điều đáng nói là phía chính phủ và truyền thông Mỹ không hề đăng ảnh về sự kiện này.
Chuyện trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn chính vì thế.
Nhà Trắng không cho các phóng viên Mỹ chụp ảnh cuộc gặp, trong khi tác giả của những bức ảnh được Bộ Ngoại giao Nga công bố là phóng viên ảnh của hãng thông tấn Nga Tass.
Giới báo chí và truyền thông Mỹ phẫn nộ vì cho rằng họ bị phía ông Trump phân biệt đối xử. Chính giới ở Mỹ biểu lộ lo ngại về an ninh cho Nhà Trắng. Một số cộng sự của ông Trump phàn nàn về việc Nga công bố những bức ảnh mà theo họ là hai bên thoả thuận không công khai mà chỉ sử dụng làm tư liệu.
Tác giả của những bức ảnh đã bác bỏ điều này, nói rằng chẳng hề có thoả thuận gì cả. Rồi người của Nhà Trắng cũng giải thích rằng ông Lavrov không đồng cấp với ông Trump nên không có chuyện phóng viên của các hãng thông tấn và báo chí được vào chụp ảnh vì Nhà Trắng không có ý định công bố ảnh.
Trong thế giới ngoại giao và thực tiễn quan hệ quốc tế chẳng có những tiêu chí như thế mà tiếp chính khách và chức sắc nước ngoài ở đâu, theo hình thức gì và đưa tin, công bố ảnh như thế nào là chuyện của phía chủ nhà hoặc thoả thuận giữa chủ và khách.
Đúng là ở Mỹ, Tổng thống gần như không tiếp khách nước ngoài không ngang cấp trong Phòng Bầu dục. Ông Trump vốn đâu có chịu khép mình theo những thông lệ lễ tân ở nước này và việc ông Trump tiếp ông Lavrov ở Phòng Bầu dục được thu xếp từ trước chứ không phải là quyết định ngẫu hứng của ông Trump.
Điều này mới đáng kể và quan trọng chứ không phải việc công bố những bức ảnh. Thiên hạ đều biết ông Trump sẽ tiếp ông Lavrov ở Phòng Bầu dục chứ không phải nhờ nhìn vào những bức ảnh được phía Nga công bố sau sự kiện thì mới biết điều đó.
Cộng sự của ông Trump giải thích vậy để xoa dịu tâm thần của giới báo chí và truyền thông cũng như cả chính giới ở Mỹ.
Mấu chốt ở chỗ cuộc gặp này chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Đức sắp tới bên lề Hội nghị cấp cao của Nhóm các nền kinh tế lớn G20.
Ông Trump vốn đã nhiều lần công khai thể hiện thiện cảm với Nga và ông Putin, chủ ý cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga.
Vì chuyện tai tiếng ở Mỹ mà thời gian qua, ông Trump không thể tái khởi động lại quan hệ của Mỹ với Nga sau khi nhậm chức.
Bây giờ, ông dường như đã nhận thấy đã đến lúc mình có thể, và phải làm việc ấy - vì cần đến vai trò, ảnh hưởng và tiềm lực chính trị, quân sự của Nga để đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, đối phó Iran và rất có thể cả Triều Tiên nữa, và để tạo sự cân bằng tương đối nhất định giữa quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và quan hệ của Mỹ với Nga.
Vì thế nên chuyến đi Mỹ của ông Lavrov được chính quyền của ông Trump thu xếp nhanh chóng và coi trọng.
Vì thế mới có chuyện ông Trump phá lệ. Thật ra, ông đâu có để ý gì đến những ồn ào về mấy bức ảnh bởi chính ông Trump cũng công bố ảnh trên Twitter, với thủ thuật là đăng ảnh tiếp ông Lavrov cùng ảnh tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ucraina.
Chỉ có cộng sự của ông Trump là mất công biện luận lấy được hoặc vụng chèo khéo chống mà thôi.