Nhìn lại cuộc khủng hoảng Huawei từ xuất phát điểm

Anh Hào |

Có thể thấy cuộc khủng hoảng tẩy chay thiết bị mạng của Huawei đã nhen nhóm từ khá lâu, với những thương vụ đổ bể từ hơn 10 năm trước.

Làn sóng tẩy chay thiết bị mạng của Huawei đang lên cao hơn bao giờ hết khi vừa qua, Thủ tướng Anh, Boris Johnson tuyên bố sẽ dần loại Huawei khỏi mạng 5G nước này. Pháp cũng khuyến khích các công ty viễn thông tránh sử dụng thiết bị viễn thông từ Huawei.

Trong khi đó, từ năm ngoái, Mỹ đã cấm các doanh nghiệp trong nước bán công nghệ và cung ứng cho Huawei nếu không có giấy phép đặc biệt. Cùng với đó nhiều quốc gia cấm sử dụng thiết bị Huawei khi triển khai mạng 5G.

Nếu nhìn lại, có thể thấy cuộc khủng hoảng hiện nay của Huawei đã nhen nhóm từ khá lâu.

"Khủng hoảng Huawei" đã nhen nhóm từ lâu

Phía Mỹ trước nay vẫn luôn bày tỏ nghi ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể buộc các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng mạng phải thiết kế thêm “cửa hậu”, cho phép nước này theo dõi Mỹ và các đồng minh.

Những lo ngại về bảo mật của Mỹ liên quan đến Huawei đã có từ khá lâu. Vào năm 2007, Bain Capital cố gắng mua lại nhà cung cấp thiết bị mạng 3Com, công ty có một phần nguồn tài chính từ Huawei. Tuy nhiên, giao dịch phải đối mặt với sự xem xét kỹ lưỡng từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ.

Vụ mua bán sau đó đổ bể vì Huawei từ thời đó đã được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Huawei cũng từng phải ngừng hợp tác với Symantec vào năm 2012, vì Symantec lo ngại rằng mối quan hệ đối tác sẽ khiến họ gặp khó khăn với chính phủ Mỹ khi cần có tài liệu mật về an ninh mạng.

Thêm vào đó Huawei thường xuyên phải đối mặt với nhiều cáo buộc về hành vi lấy cắp tài sản trí tuệ và cài gián điệp vào các công ty công nghệ theo nhiều cách khác nhau, bao gồm việc sao chép mã nguồn độc quyền từ thiết bị của Cisco Systems và chuyện lấy trộm cánh tay robot từ phòng thí nghiệm của T-Mobile ở Mỹ.

Vào năm 2012, tờ Wall Street Journal báo cáo rằng công ty thiết bị viễn thông Canada, Nortel Networks đã trở thành đối tượng xâm nhập của tin tặc Trung Quốc để lấy đi các tài liệu nội bộ và thông tin độc quyền. Brian Shields, cựu cố vấn an ninh của công ty, cáo buộc rằng vụ xâm nhập này có thể mang lại lợi ích cho Huawei và ZTE.

Gần đây, chính quyền Mỹ truy tố Huawei và Phó Chủ tịch Mạnh Vãn Chu cũng vì tội lấy trộm bí mật thương mại, bao gồm các cáo buộc rằng Huawei có chính sách thưởng cho nhân viên lấy được thông tin bí mật từ những đối thủ cạnh tranh.

Giới công nghệ phản ứng ra sao với Huawei?

Làn sóng bài trừ Huawei không chỉ diễn ra với các quốc gia mà lan rộng trong cả thế giới công nghệ. Điển hình là việc Google chấm dứt giấy phép hệ điều hành Android đối với thiết bị di động Huawei, khiến Huawei phải tự phát triển hệ sinh thái mới của riêng mình.

Trong khi đó các hãng sản xuất chip điện tử hàng đầu như Intel, Qualcomm hay Broadcom đều cắt đứt hợp tác với Huawei. Danh sách này còn được nối dài với các hãng như Infineon của Đức, hay Micron, Western Digital và Xilinx của Mỹ.

Tất nhiên cũng không phải không có ý kiến "tiếc nuối" cho Huawei. CEO Nick Read của nhà mạng “khổng lồ” Vodafone chia sẻ rằng việc loại bỏ Huawei sẽ tạo ra sự gián đoạn trong triển khai 5G. Không có nhiều nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn trên thế giới và Huawei thường cung cấp với giá cạnh tranh.

Huawei cố giải thích nhưng vô ích

Về phần mình, Huawei luôn phủ nhận các cáo buộc, đồng thời từng thể hiện sẵn sàng liên hệ với phía Mỹ để làm rõ về mức độ bảo mật của sản phẩm.

Năm ngoái nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi cũng để mở khả năng bán giấy phép 5G có thời hạn cho các công ty Mỹ, đồng thời cho phép bên mua đánh giá kiểm tra để gạt bỏ nghi ngờ nguy cơ gián điệp.

Thậm chí ông Nhậm Chính Phi còn khẳng định Huawei sẽ không bao giờ giúp Trung Quốc thực hiện hành động gián điệp với Mỹ, ngay cả khi luật pháp yêu cầu.

“Chúng tôi không bao giờ tham gia vào hoạt động gián điệp và không cho phép bất kỳ nhân viên nào của mình thực hiện bất kỳ hành động nào như vậy. Chúng tôi hoàn toàn không cài đặt backdoor. Ngay cả khi được luật pháp Trung Quốc yêu cầu, chúng tôi sẽ kiên quyết từ chối”, ông Nhậm Chính Phi nói với CBS News.

Ông còn nói rằng: “thà đóng cửa Huawei hơn là làm bất cứ điều gì làm tổn hại đến khách hàng để kiếm lợi cho riêng mình”.

Mặc dù vậy các nhà bình luận cho rằng việc Huawei kiên quyết từ chối yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc, nếu có, là điều bất khả thi.

Ông Nhậm Chính Phi thường phát biểu rằng những cáo buộc từ phía Mỹ có động cơ chính trị. Thực tế nhiều chuyên gia cũng nhận định theo chiều hướng này. Và dù nhận định đó đúng hay sai thì cuộc khủng hoảng của Huawei là không thể khác.

Sau khi Mỹ mở rộng lệnh cấm sử dụng công nghệ của nước này đối với cả các đối tác cung ứng của Huawei, tờ Wall Street Journal viết: "Chip máy tính chỉ là mặt trận đầu tiên của cuộc đối đầu giữa 2 nước lớn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại