Trong những ngày gần đây, Quân đội Triều Tiên đã đe dọa sẽ tiêu diệt các căn cứ quân sự của Mỹ tại Triều Tiên, và đáp lại chính quyền Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng ông sẵn sàng thực hiện những biện pháp cần thiết. Một tàu sân bay cùng các tàu chiến đã được triển khai đến bán đảo Triều Tiên.
Lãnh đạo Kim Jong-un đứng cạnh một hệ thống tên lửa của Triều Tiên
Trong lúc thế giới chờ đợi những động thái tiếp theo mà Triều Tiên có thể thực hiện, dưới đây là những lần Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân cũng như những động thái mà Mỹ thực hiện để đáp trả.
Tháng 10/2006: Các nhà phân tích xác định Triều Tiên đã thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân, có sức công phá dưới 1 kiloton (tức vào khoảng 1.000 tấn thuốc nổ TNT) và tương đương một phần nhỏ sức nổ của quả bom nguyên tổ Mỹ thả xuống Nhật Bản vào cuối Thế chiến II.
Mặc dù Mỹ coi cuộc thử nghiệm này là một thất bại, song các lệnh trừng phạt mới đã được thực thi nhằm khiến Triều Tiên không có những thiết bị hỗ trợ chương trình hạt nhân của mình.
Tháng 5/2009: Cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ hai đã được tiến hành dưới lòng đất, khi đó Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết cường độ của nó vào khoảng 4,7 độ Richter và ước tính nó có sức công phá 2 kiloton.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó gọi đây là “hiểm họa nghiêm trọng” và sau đó Liên Hợp Quốc áp dụng thêm lệnh cấm vận mới, qua đó cấm Triều Tiên nhập khẩu gần như mọi loại vũ khí.
Tháng 2/2013: Ông Kim Jong-un đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên sau khi vừa nhậm chức. Sức công phá của nó ước tính giờ đây vào khoảng 6 đến 7 kiloton.
Đáp lại, Mỹ triển khai một số máy bay ném bom và hệ thống phòng thủ tên lửa tới Hàn Quốc, và Triều Tiên một lần nữa bị trừng phạt khi nhiều mặt hàng thương mại bị cấm nhập khẩu, còn các tổ chức và cá nhân hỗ trợ ông Kim ở nước ngoài đã bị đóng băng tài sản. Vào thời điểm này Triều Tiên phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và viện trợ của Trung Quốc.
Tháng 1/2016: Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư và được cho là đã “thành công mỹ mãn”. Sức công phá của nó được cho là vào khoảng từ 4 đến 6 kiloton.
Một lần nữa, Mỹ và Liên Hợp Quốc lại thực hiện những biện pháp trừng phạt mới, bao gồm công bố nghị quyết cấm Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo và yêu cầu các nước phải giám sát các chuyến hàng đến và đi từ Triều Tiên. Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) cũng được xem xét thiết lập trong khu vực.
Tháng 9/2016: Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm, và lần này sức công phá của đầu đạn đã lên đến 10 kiloton, tương đương quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki và gấp 10 lần sức nổ mà đầu đạn Triều Tiên làm được vào 10 năm trước.
Đáp lại, Mỹ hợp tác với Liên Hợp Quốc để thặt chặt cấm vận thêm nữa, và Trung Quốc đã đồng ý cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên, qua đó ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế nước này. Thế nhưng, nguy cơ Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm đầu đạn hạt nhân vẫn còn hiện diện.