Hãy xem người giàu, người trung lưu và người nghèo quản lý tiền bạc của mình như thế nào.
Cách quản lý tiền của người nghèo
Người có tư duy "nghèo" thường là những công nhân và nhân viên mới đi làm. Họ có xu hướng tiêu tất cả số tiền kiếm được.
Họ chịu tác động của nhu cầu hưởng thụ ngay. Họ để dành rất ít hoặc không để dành được tí nào, với lý do họ kiếm được quá ít nên không thể dành dụm. Bởi vậy tài chính của họ bấp bênh và không an toàn.
Nhiều người phải tiếp tục công việc mà họ chán ghét chỉ vì họ phải kiếm tiền trang trải chi phí hàng ngày.
Nếu bị mất việc hoặc giảm lương, họ sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Rõ ràng cách quản lý tiền như vậy không bao giờ khiến họ giàu lên được.
Cách quản lý tiền của người trung lưu
TÀI SẢN HAO MÒN vượt xa TÀI KHOẢN GIA TĂNG
Những người có tư duy “trung lưu” thường bao gồm các chuyên gia, nhân viên lâu năm với mức lương khá cao. Họ có thói quen "kiếm tiền, tiêu tiền và dành dụm".
Sau khi thanh toán tất cả các phí tổn, họ cũng để dành được một chút. Vấn đề ở chỗ, họ thường dùng khoản tiền dư ra để mua Tài sản hao mòn hơn là Tài sản gia tăng.
Họ dùng tiền tiết kiệm để mua nhà to hơn, mua xe xin hơn đi đôi với việc vay nhiều tiền hơn nên hàng tháng phải chi trả nhiều hơn.
Do đó, mặc dù nhìn bề ngoài phần lớn các gia đình trung lưu có vẻ khá giả, tổng giá trị tài sản của họ thật ra rất thấp, thậm chí cỏ thể âm.
Nhà cửa, xe cộ của họ có thể đáng giá hàng triệu đô, nhưng họ cũng nợ gần bằng đó hoặc hơn.
Trong thực tế, "sức khỏe" tài chính của họ còn đáng ngại hơn nhóm trên.
Nếu bị mất việc hoặc giảm lương, họ sẽ vẫn phải trả các món nợ và những khoản chi phí khổng lồ đã trở thành lối sống của họ. Nhiều người trong số họ chịu áp lực tài chính ghê gớm, phải làm việc cật lực hàng tháng để trả nợ ngân hàng.
Họ không thể nghỉ việc, không thể ngã bệnh, thậm chí không thể nghỉ hưu vì bị kẹt trong vòng luẩn quẩn: kiếm tiền - trả nợ.
Cách quản lý tiền của người giàu
TÀI SẢN GIA TĂNG vượt xa TÀI KHOẢN HAO MÒN
Người có tư duy làm giàu thường có thói quen “kiếm tiền, để dành và tiêu tiền” Họ đề ra mục tiêu phải để dành được bao nhiêu một tháng, thường là 15-20%. Họ trừ khoản này vào phần thu nhập và tiêu phần còn lại.
Được tư duy làm giàu thúc đẩy, họ luôn muốn để dành nhiều hơn và dùng tiền đó đầu tư vào các loại tài sản sinh lợi và tăng giá trị.
Họ thà bỏ tiền ra mua cổ phiếu của các công ty tốt, các quỹ đầu tư hơn là vung tiền vào những món xa xỉ. Tài sản gia tăng của họ vượt xa Tài sản hao mòn, nên thỉnh thoảng họ vẫn có thể mua những thứ đắt tiền để tự thưởng cho mình.
Thu nhập thụ động từ các khoản đầu tư của họ vượt xa chi phí cho những thứ xa xỉ đó.
Dù chuyện gì xảy ra, họ tiếp tục cần mẫn để dành và đầu tư cho tới khi Tài sản gia tăng của họ bắt đầu tự nhân giống, thậm chí còn nhiều hơn chi phí hàng tháng.
Lúc đó họ hoàn toàn được giải phóng khỏi những lo toan về tài chính, nếu thích thì có thể thôi không cần làm việc nữa mà vẫn duy trì được mức sống hiện tại cho đến hết đời.
Tóm lại, bí quyết quản lý tiền của người giàu là: “Chi ít hơn thu. Đầu tư phần tiết kiệm để đạt mức tăng lũy tiến cho tới khi bạn tích lũy được một số tài sản gia tăng đủ để sinh ra dòng tiền mới để duy trì hoặc vượt quá mức sống ước mơ của bạn”.
* Trích nội dung trong cuốn "Bí quyết tay trắng thành triệu phú" của tác giả Adam Khoo.