Nhật phá chiến lược 'Chuỗi ngọc trai' trên biển của Trung Quốc

Anh Tú |

Trong lúc Trung Quốc còn đang chỉ trích việc Nhật can thiệp vào về vấn đề Biển Đông thì Nhật tiếp tục đi một nước cờ khác để phá chiến lược "Chuỗi ngọc trai" trên biển của Trung Quốc.

Tháng 6 vừa qua, Nhật đã trao cho Sri Lanka 1,8 tỉ yen để thực hiện các dự án cải thiện khả năng an toàn hàng hải. Nhật cũng giúp lực lượng phòng vệ bờ biển của Sri Lanka tăng cường khả năng hoạt động bằng việc cung cấp 2 tàu tuần tra. Các thỏa thuận ký kết tại Colombo cũng cho phép Nhật đào tạo huấn luyện cho lực lượng cảnh sát biển của quốc đảo này.

Từ lời hứa đến hành động của Nhật diễn ra rất nhanh. Nhật đã thực hiện cam kết chỉ sau 1 tháng kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra lời hứa với Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tại thành phố Nagoya, miền trung Nhật Bản hồi cuối tháng 5.

Việc Nhật thắt chặt quan hệ với Sri Lanka nằm trong bối cảnh Trung Quốc luôn muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương.

Trung Quốc muốn thực hiện chiến lược "Chuỗi ngọc trai" vắt từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương để bảo đảm một hành lang trên biển nằm trong sự kiểm soát của Bắc Kinh. Trung Quốc tìm cách đặt một loạt căn cứ quân sự trên "Chuỗi ngọc trai" này mà Sri Lanka là một mắt xích quan trọng.

Trong thời gian qua, ngoài việc hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc còn tìm cách gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ tại Nam Á. Với riêng Sri Lanka, Trung Quốc dùng nhiều dự án để đổi lại sự ưu đãi của chính quyền Colombo, kể cả việc xây dựng cảng quân sự.

Điều này gây lo ngại cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ. "Chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc không khác gì chiếc thòng lọng bao vây Ấn Độ, ngăn cản ảnh hưởng của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương truyền thống.

Và chiến lược "Chuỗi ngọc trai" cũng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhật khi họ cần một tuyến giao thông an toàn và ổn định từ vùng Vịnh qua Ấn Độ Dương, qua Biển Đông rồi đến Nhật. 90% dầu mỏ Nhật nhập khẩu đi qua vùng biển Nam Á và Biển Đông

Sri Lanka ưu ái Trung Quốc trong thời gian qua chỉ vì vấn đề tiền. Trải qua hàng chục năm nội chiến, họ rất cần tiền để trả nợ. Trong khi đó, phương Tây ngoảnh mặt với Sri Lanka vì tình trạng tham nhũng kinh khủng ở quốc gia được mệnh danh là "giọt lệ giữa biển".

Tờ Forbes so sánh rằng cứ 100 USD cứu trợ được quốc tế gửi đến thì người dân Sri Lanka chỉ được hưởng 4,6 USD. Khi phương Tây quay lưng, Trung Quốc hào phóng thì Sri Lanka không có nhiều sự lựa chọn.

Nhưng gần đây, quan hệ giữa Colombo và Bắc Kinh cũng không còn mặn nồng. Trung Quốc cũng mệt mỏi khi các dự án đầu tư của họ vào Sri Lanka không mang lại lợi nhuận như toan tính.

Chẳng hạn việc đầu tư vào đường cao tốc nhưng lại không được gì khi các con đường vắng tanh. Rất nhiều đầu tư vào cảng Hambantota nhưng tàu bè ít qua lại. Sân bay quốc tế Mattala chỉ phục vụ 2 chuyến mỗi ngày.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe còn đánh tiếng với Đại sứ Trung Quốc Yi Xianliang về việc nhượng quyền quản lý cảng Hambantota và sân bay Mattala để đổi lấy tiền viện trợ nhưng Trung Quốc từ chối.

Thực tế thì Trung Quốc cũng ngán chính trường bất ổn ở Sri Lanka khi mỗi phe phái đối lập lên thì sẽ đảo ngược chính sách của chính quyền cũ. Năm 2015, nhiều dự án của Trung Quốc cũng bị chính quyền mới lên xiết lại trong sự bực bội của chủ đầu tư.

Giữa lúc đó, người Nhật đến và chìa bàn tay hào phóng. Dĩ nhiên Sri Lanka thích điều này. Là một nước nhỏ, Sri Lanka không hề muốn phải dựa hoàn toàn vào một bên để trở thành lệ thuộc.

Chuyên gia hàng hải Rohan Masakorala nói trên Asia Time rằng: "Chúng tôi muốn duy trì quan hệ tốt với cả Nhật và Trung Quốc. Sri Lanka nên học tập Singapore, tận dụng tất cả các nguồn lợi từ bên ngoài để phát triển". Người Nhật chỉ cần có vậy, họ chỉ cần Trung Quốc không thao túng được các nước ở khu vực Ấn Độ Dương, đe dọa an ninh huyết mạch hàng hải của Nhật.

Nếu không có được ảnh hưởng quyết định tại Sri Lanka, chiến lược "Chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc sẽ bất thành. Nó giống như chuỗi ngọc trai khuyết mất viên kim cương mang hình giọt lệ trên biển.

Chuỗi ngọc trai

Chuỗi Ngọc Trai dùng để chỉ các tuyến giao thông hàng hải Trung Quốc kéo dài đến Port Sudan. Đường biển chạy qua eo biển chiến lược điểm nút thắt của eo biển Mandab, eo biển Malacca, eo biển Hormuz và eo biển Lombok cũng như các lợi ích hải quân chiến lược quan tâm khác như Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Maldives và Somalia. Thuật ngữ này được sử dụng trong một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có tiêu đề "Năng lượng tương lai ở châu Á".

Tuyến giao thông đường biển từ Hồng Kông đến Port Sudan đã trở thành một nguồn của cuộc xung đột đối với an ninh năng lượng trong tương lai của Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ nhì thế giới và là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới. Trung Quốc nhập khẩu 15% lượng dầu từ Tây Phi, và là khách hàng tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất của Sudan, và đã ký các hợp đồng dài hạn để phát triển các mỏ dầu Iran.

Trích wikipedia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại