Triều Tiên phóng tên lửa phòng không mới phát triển hôm 30/9. (Ảnh: KCNA)
Ông Moon Chung-in, người đứng đầu Viện Sejong và từng là cố vấn cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho hay việc Triều Tiên mở rộng năng lực hạt nhân và tên lửa khiến các đảng bảo thủ ở Nhật Bản và Hàn Quốc lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ hơn việc hai nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo ông Moon, những cuộc thảo luận như trên xuất hiện do tâm lý lo ngại Mỹ sẽ không chắc chắn thực hiện các cam kết đảm bảo an ninh cho khu vực, trong khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.
Ông Moon nhận định, Triều Tiên có thể tăng số lượng đầu đạn hạt nhân mỗi năm từ 6 lên thành 12 đầu đạn. Đây là một phần trong kế hoạch của Triều Tiên để tăng cường năng lực tấn công thứ hai nhằm vào lãnh thổ Mỹ, cũng như ngăn chặn hành động quân sự từ phía Hàn Quốc và các lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực.
Cũng theo ông Moon, những động thái mang tính quả quyết của Triều Tiên có thể “dẫn tới tư tưởng ủng hộ hạt nhân trong dư luận Hàn Quốc”. Song ông Moon thừa nhận, hiệu ứng “domino hạt nhân” là khó có thể xảy ra.
“Nhật Bản và Hàn Quốc đang sở hữu các nguyên liệu phân hạch và cả năng lực công nghệ. Nhưng chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang thực thi cam kết phi hạt nhân và từ chối tham gia các cuộc thảo luận về việc phổ biến vũ khí hạt nhân”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Moon.
Triều Tiên, quốc gia từng tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, đang nắm trong tay nguồn nguyên liệu phân hạch bao gồm plutonium và uranium làm giàu cấp độ cao, cùng 30 – 60 đầu đạn hạt nhân.
Trong những năm gần đây, chính quyền Bình Nhưỡng đã tập trung cải thiện năng lực quân sự đáng kể. Điển hình, Triều Tiên đã cho sản xuất nhiều loại tên lửa bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Chưa hết, Triều Tiên còn nghiên cứu để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, giúp chúng trở nên nhỏ hơn và nhẹ hơn để tích hợp trên các loại tên lửa.
Ngoài hàng loạt vụ phóng thử tên lửa, Bình Nhưỡng còn tiến hành 6 vụ thử hạt nhân bao gồm thử bom nhiệt hạch vào năm 2017.
Gần đây nhất, Triều Tiên tuyên bố nước này cho phóng thử tên lửa hành trình mang tên Hwasong-8. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ vụ thử nghiệm của Triều Tiên đã diễn ra không thành công.
Theo thiết kế, các loại tên lửa siêu thanh bay thẳng tới mục tiêu và bay ở tầm thấp. Tốc độ bay của tên lửa siêu thanh nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh tương đương 6.200 km/h. Hiện tại, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc sở hữu tên lửa siêu thanh.
Vụ phóng thử tên lửa siêu thanh của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh cuộc đua vũ trang trong khu vực ngày càng nóng.
Cụ thể, Hàn Quốc đang chi hàng tỉ USD cho hoạt động phát triển quân sự. Trong tháng Chín, Hàn Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), giúp nước này đứng vào danh sách số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ vũ khí tối tân.
Còn vào ngày 28/9, Hàn Quốc cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm hạ thủy tàu ngầm thứ 3 có khả năng mang theo các SLBM.
Tới ngày 30/9, Triều Tiên tiếp tục công bố đã cho phóng thử nghiệm một tên lửa phòng không mới do nước này tự nghiên cứu và phát triển.
Tình thế có thể thay đổi?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nhấn mạnh theo đuổi con đường hạt nhân sẽ chỉ khiến vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn, cũng như gây ảnh hưởng tới những nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống vào tháng 5/2022. Trong khi đó, đảng đối lập Quyền lực Nhân dân (PPP) lại có cách nhìn khác về vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc.
Cụ thể, lâu nay PPP vẫn hối thúc Seoul phát triển và trang bị vũ khí hạt nhân để tự đối phó với Triều Tiên, dù Nhật – Hàn vẫn đang nằm dưới “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ.
Triều Tiên công bố hình ảnh phóng thử tên lửa siêu thanh. (Ảnh: KCNA)
Ông Hong Joon-pyo, ứng cử viên hàng đầu của PPP và là người được cho sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc trong năm tới, cho hay nếu Mỹ từ chối chia sẻ “nút hạt nhân” hoặc không cho phép Seoul cùng tiến hành một vụ tấn công hạt nhân, Seoul nên cân nhắc tự trang bị vũ khí hạt nhân.
Đối với dư luận Hàn Quốc, quan điểm ủng hộ hay phản đối vũ khí hạt nhân lại lên xuống theo sự thay đổi của mối quan hệ Hàn – Triều.
Còn tại Nhật Bản, quốc gia từng hứng chịu nỗi đau hạt nhân sau 2 vụ ném bom của Mỹ xuống thành phố Nagasaki và Hiroshima trong Thế chiến thứ Hai, người dân xứ sở hoa anh đào vẫn phản đối sở hữu vũ khí hạt nhân, và chính phủ nước này cũng khẳng định quan điểm cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các chính trị gia bảo thủ ở Nhật Bản gần đây thường nhắc tới việc cần có một cuộc tranh luận công khai về việc Tokyo có nên sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ông Harry J. Kazianis, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington, cho rằng điều dễ hiểu là khi Triều Tiên phát triển kho vũ khí hạt nhân tới mức đáng kể, các học giả và chính trị gia Nhật - Hàn sẽ lên tiếng kêu gọi chính phủ hai nước cần có năng lực tương xứng để đối phó.
“Sau khi quân đội Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, dường như Nhật – Hàn càng trở nên lo lắng. Cả hai quốc gia này đang tìm nhiều cách để tăng cường an ninh và một số người cho rằng giải pháp chính là sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Kazianis nói.
Còn theo Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul, dù Nhật – Hàn đã sở hữu công nghệ để phát triển các loại vũ khí hạt nhân, nhưng sự ủng hộ của dư luận trong nước chỉ “mang tính giả thuyết”.
“Sự ủng hộ sẽ nhanh chóng tan biến, một khi những tính toán về cái giá quá lớn về mặt chính trị và kinh tế khi sở hữu vũ khí hạt nhân được làm rõ”, ông Easley nói thêm.
Còn theo ông Moon Chung-in, cựu cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, những yếu tố ngăn cản Nhật – Hàn tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân bao gồm “nỗi sợ về lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và ngành công nghiệp hạt nhân dân sự, sự rạn nứt các mối quan hệ với Mỹ, cùng sự xuất hiện của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đầy nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên”.