1. Ngày của mẹ ra đời như một phong trào phản chiến
Anna Jarvis được công nhận là người khai sinh ra Ngày của mẹ
Năm 1872, bà Julia Ward Howe đã đề xuất ý tưởng về "Ngày Mẹ hiền vì hòa bình" để thúc đẩy tình đoàn kết toàn cầu sau những nỗi đau kinh hoàng của nội chiến Mỹ và chiến tranh Pháp – Phổ.
Vào ngày này hằng năm, những người phụ nữ sẽ tập trung tại nhà thờ, hội trường để nghe giảng hoặc thuyết giảng, hát thánh ca cầu nguyện cho hòa bình. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên do, phong trào dần lụi tàn, và những thành viên tích cực nhất, điển hình là bà Anna Marie Reeves Jarvis dần bị mọi người quên lãng.
Sau khi bà Anna Marie Reeves Jarvis qua đời, con gái bà là Anna Jarvis tiếp tục đấu tranh để khai sinh ra một ngày lễ dành riêng cho các bà mẹ, còn sống cũng như đã mất. Cuối cùng, đến năm 1914, Quốc hội Mỹ chính thức công nhận ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm là Ngày của mẹ.
2. Việc tranh giành vị trí người sáng lập
Frank Hering bị tố "cướp" Ngày của mẹ từ Anna Jarvis
Trước Anna Jarvis, Frank Hering, một cựu huấn luyện viên bóng đá tại Đại học Notre Dame cũng đã đề xuất ý tưởng về Ngày của mẹ từ năm 1904. Ông miêu tả đây là một ngày tôn vinh các bà mẹ và tình mẫu tử, nhưng không ấn định cụ thể ngày tổ chức, chỉ ưu tiên ngày Chủ nhật.
Điều này làm Anna Jarvis khá bất bình. Trong một bài báo năm 1920, bà cho rằng Hering đang cố "cướp" mất Ngày của mẹ - đứa con tinh thần của bà và khẳng định, bà chính là người duy nhất khai sinh ra ngày lễ này.
3. Tổng thống Roosevelt đã thiết kế tem riêng cho Ngày của mẹ, nhưng bị chê… xấu
Một người phụ nữ bên mẫu tem mà Tổng thống Roosevelt thiết kế
Năm 1934, Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt đã có ý định thiết kế một mẫu tem bưu chính riêng cho Ngày của mẹ để kỉ niệm ngày lễ này.
Tổng thống đã chọn ra một mẫu tem mà ý nghĩa ban đầu là tôn vinh họa sĩ thế kỉ 19 James Abbott McNeill Whistler. Con tem in hình bức tranh nổi tiếng của người họa sĩ này, mang tên "Chân dung mẹ Whistler." Ngoài ra, Tổng thống cho in thêm dòng chữ "Tưởng nhớ và tôn vinh những người mẹ nước Mỹ".
Đáng buồn là Anna Jarvis không chấp nhận thiết kế này. Lý do đơn giản là, bà thấy nó không được đẹp mắt.
4. Ngày của mẹ bị lợi dụng để gây quỹ
Từ những năm đầu khi Ngày của mẹ được tổ chức, một số nhóm hoạt động riêng lẻ đã nhân ngày lễ này để gây quỹ, khiến bà Anna Jarvis rất không bằng lòng.
Mặc dù nhiều nhóm gây quỹ hoạt động vì mục đích nhân đạo, giúp đỡ các bà mẹ, gia đình nghèo sau Thế chiến thứ Nhất, nhưng Anna Jarvis không thể tin tưởng tất cả bọn họ. Bà lo ngại nhiều người sẽ dùng Ngày của mẹ để chuộc lợi cá nhân, làm mất đi ý nghĩa trong sáng của ngày lễ này.
5. Hàng chục vụ kiện cáo phát sinh
Anna Jarvis luôn khẳng định Ngày của mẹ là tài sản trí tuệ hợp pháp của mình. Bà gửi lời "cảnh báo" của mình thông qua báo chí: "Bất kì tổ chức, cá nhân nào mạo danh tên, biểu tượng của ngày lễ để gây quỹ, bán hàng sẽ bị chính quyền xử lý".
Theo một bài báo trên Newsweek vào năm 1944, khoảng 33 vụ kiện liên quan đến ngày lễ đang chờ để được giải quyết. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên theo thời gian, bắt nguồn từ những tranh chấp về quyền lợi.
6. Người sáng lập qua đời trong cô đơn và nghèo khó
Tuy ngày lễ mang lại cho Anna Jarvis một địa vị nhất định, bà chưa bao giờ có ý định lợi dụng nó làm lợi cho mình.
Như nhiều ngày lễ khác, Ngày của mẹ mau chóng bị thương mại hóa. Người ta kinh doanh những món quà đắt đỏ, tổ chức những buổi tiệc sang trọng. Anna Jarvis khẳng định: "Đó chắc chắn không phải ý nghĩa mà tôi muốn hướng tới."
Jarvis không hưởng bất kì một đồng lợi nhuận nào từ ngày lễ này, dù khi đó bà đã có một địa vị nho nhỏ trong xã hội với nhiều cơ hội mở ra.
Bà dành cả cuộc đời để bảo vệ ngày đặc biệt này khỏi những lợi dụng và biến chất mang mục đích thương mại. Cuối cùng, bà qua đời trong bệnh tật, cô đơn, không một xu dính túi ở tuổi 84.
7. Hoa cẩm chướng là biểu tượng cho Ngày của mẹ
Hoa cẩm chướng trắng gợi nhớ về người mẹ đã mất của Anna Jarvis
Hoa cẩm chướng trắng, loài hoa mà mẹ của Anna Jarvis yêu thích, được chọn là loài hoa biểu tượng cho Ngày của mẹ.
Năm 1908, Jarvis đã gửi tặng 500 bông hoa cẩm chướng cho nhà thờ Andrews ở Grafton, West Virginia. Hoa đỏ tri ân người mẹ còn bên cạnh, hoa trắng tưởng nhớ đến người mẹ đã đi xa.
Jarvis giải thích trong một cuộc phỏng vấn năm 1927: "Cánh hoa cẩm chướng rất bền bỉ và khó rơi rụng, bền bỉ như tình yêu của người mẹ, không bao giờ chết hay mất đi."
(Nguồn: National Geographic)