Trăn Anaconda (Tên khoa học: Eunectes) là một trong những loài bò sát khổng lồ to lớn nhất thế giới, chúng được coi là cảm hứng cho nhiều đạo diễn làm phim kinh dị như bộ phim nổi tiếng Anaconda năm 1997.
Khác với các loài rắn độc, trăn không có nọc mà giết con mồi bằng cách quấn siết, chúng sẽ làm con mồi ngạt thở hay gãy xương mà chết rồi từ từ nuốt chửng nạn nhân vào bụng. Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc trăn ăn thịt người.
Mặc dù về lý thuyết thì con trăn hoàn toàn có thể dễ dàng hạ gục và nuốt chửng một người trưởng thành, tuy nhiên trên thực tế thì chưa có một trường hợp cụ thể nào được ghi nhận.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một con trăn tấn công con người?
Để trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu bò sát Paul Rosolie đã lấy chính bản thân mình làm đối tượng nghiên cứu và để cho con trăn tấn công, sau đó (gần như) nuốt chửng anh vào bụng! Tất nhiên với tư cách là một nhà nghiên cứu, anh hiểu hơn ai hết sự nguy hiểm của hành động này.
Do đó, Paul Rosolie đã được trang bị một bộ áo giáp đặc biệt để giúp anh 'chiến đấu' với 'quái vật đầm lầy' Amazon (Xem ảnh dưới đây). Cụ thể có tới 4 lớp áo được anh khoác lên người để bảo đảm an toàn tối đa.
Các lớp áo mà nhà tự nhiên học mặc trên người. Ảnh: Thành Luân
Đồ bảo hộ dành cho nhà nghiên cứu bò sát. Ảnh: Thành Luân
Lớp áo đầu tiên là bộ vest trang bị thiết bị sinh trắc học để đo nhịp tim, nhiệt độ cơ thể..., tiếp đến là một bộ vest làm mát (với các ống nước bên dưới áo) vì khi ở trong dạ dày của trăn thì nhà nghiên cứu sẽ khó điều tiết nhiệt độ cơ thể.
Bộ áo này có thể bảo vệ cơ thể anh ngay cả khi nhiệt độ lên đến 104 độ C (vượt qua cả nhiệt độ sôi của nước), bộ áo thứ 3 là một bộ đồ bảo hộ (Quần áo chống hóa chất Tychem) có thể chống được axit ăn mòn do dạ dày trăn tiết ra.
Cuối cùng là bộ áo giáp khá giống trang phục của các chiến binh thời Trung Cổ có thể chống lại cả lực cắn của cá mập, bộ áo này sẽ giúp bảo vệ anh khỏi bị con trăn siết chết hay cắn vào cơ thể mình, ngoài ra Paul còn được trang bị mũ bảo hiểm và thiết bị thở.
Sau quá trình chuẩn bị, chuyên gia động vật hoang dã Paul Rosolie đã cùng ê kíp của mình thực hiện màn trình diễn trong chương trình khoa học tài liệu thực tế có tên Eaten Alive của kênh truyền hình Discovery Channel, lần đầu lên sóng vào 07/12/2014.
Điều gì xảy ra khi bị một con trăn tấn công?
Khi đã được trang bị từ chân răng đến ngọn tóc như vậy, nhà nghiên cứu bò sát bắt đầu cuộc thử nghiệm với một con trăn Anaconda cái trưởng thành dài khoảng 5,5 m. Anh bắt đầu vật lộn với con trăn suốt 1 giờ đồng hồ và bắt đầu bị nó nuốt vào bụng.
Sau đó anh đã thuật lại cảm giác khi đó trên kênh CNN: 'Tôi cảm thấy bộ đồ bảo hộ của mình như bị nứt ra, còn tay thì như thể bị tháo rời khỏi khớp, điều cuối cùng tôi nhìn thấy là cái miệng mở rộng của con trăn và mọi thứ bỗng trở nên tối đen sau đó'.
Xem video clip động vật:
Nhà nghiên cứu bò sát bị con trăn tấn công, điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Kết quả: Sau 1 tiếng bị con trăn siết thì Paul đã phải yêu cầu sự trợ giúp của nhóm ê kip vì cảm thấy áp lực khủng khiếp từ con trăn có thể làm anh gãy tay. Mặc dù không bị thương nặng khi được trang bị đồ bảo vệ tối tân nhưng nhà nghiên cứu vẫn 'bầm dập' khắp người.
Lưu ý: Đây là thử nghiệm được đội ngũ chuyên gia thực hiện với những trang thiết bị tối tân nhất để đảm bảo an toàn cho người thực nghiệm, do đó bạn không nên bắt chước hành động cực kỳ nguy hiểm này.