Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất

PHƯƠNG ANH |

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ những cảm nhận về trận động đất đã khiến hơn 24.000 người thiệt mạng và 80.000 người bị thương.

Thiệt hại động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra đã gần 1 tuần, nhưng các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ vẫn đang tiếp tục khi số người thiệt mạng do bị kẹt dưới các đống đổ nát không ngừng tăng lên.

Cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp đáng tiếc xảy ra với người Việt, khi các tỉnh chịu ảnh hưởng nằm ở phía Đông còn cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu sống ở phía Tây, tại các thành phố lớn như Istanbul và Ankara.

Trả lời VTC News, anh Dương Nam Phương, 33 tuổi, làm kinh doanh tại thành phố Istanbul, cách khu vực xảy ra động đất hơn 1.000 km cho biết, đây không phải lần đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra động đất, nhưng trận động đất lần này có quy mô lớn hơn nhiều các trận trước đây nên đã gây thiệt hại rất lớn.

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất  - Ảnh 2.

Hàng loạt dư chấn xảy ra sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter. (Ảnh: AP)

Khi biết tin về sự việc ngày 6/2, anh vô cùng bàng hoàng. Là người sống ở Thổ Nhĩ Kỳ suốt 14 năm, anh có vài lần trải qua những trận nhỏ từ 3 - 4 độ richter và trận mạnh nhất là hơn 5 độ richter. “Nên tôi hiểu được rằng đây là một thảm họa với Thổ Nhĩ Kỳ và cảm thấy rất buồn”.

Anh nói thêm: “Trong các trận dư chấn nhỏ trước đây, khi mới trải nghiệm tôi cũng không hiểu động đất là như thế nào, vì khi đó mình đang ở trong tòa nhà, chỉ đến khi thấy đồ vật rung lắc thì mới biết là động đất. Khi đó cảm thấy bị đung đưa nhẹ. Nhưng với rung chấn lớn thì dù đang ngồi trong nhà cũng thấy rung chuyển. Trong rất nhiều ngày vừa qua, tôi cũng xem được những hình ảnh ghi lại về trận động đất, có thể thấy những rung chấn vừa qua rất thảm khốc, cảm thấy như bị dùng xẻng đào lên”.

Những vùng bị ảnh hưởng của trận động đất lần này bao gồm toàn bộ 10 tỉnh miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chủ yếu tập trung các ngành nông nghiệp và sản xuất nguyên liệu gia công may mặc. Nói về nguyên nhân khiến các trận động đất lần này gây ra thiệt hại lớn, anh Phương nhận định, bên cạnh những báo cáo đưa ra về cấu trúc chưa đủ tiêu chuẩn chống động đất gây ra sự đổ vỡ, có một điều đặc biệt trong đợt thảm họa này cũng là một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ lớn là có hai cuộc động đất xảy ra cách nhau 9 tiếng. Có nhiều tòa nhà đổ xuống sau rung chấn thứ hai.

"Nếu rung chấn thứ hai không xảy ra thì tôi không nghĩ là thiệt hại và số lượng tử vong nhiều như thế”, anh nói.

Với kinh nghiệm sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh Phương cho rằng các hoạt động tìm kiếm nạn nhân phải mất ít nhất 1 tháng. Sau đó đến việc dọn dẹp khắc phục hậu quả và triển khai các chương trình tái định cư, tái xây dựng, và quá trình này phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm.

Người Việt cùng tinh thần tương thân tương ái

Hàng cứu trợ của cộng đồng cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam được đưa đến điểm tập kết tại Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: NVCC)

Theo anh Phương, hiện tại đang trong mùa đông ở Thổ Nhĩ Kỳ nên hoạt động cứu hộ càng khó khăn hơn. Thời tiết giá lạnh và tuyết rơi, và do tuyết rơi quá nhiều nên ảnh hưởng đến việc các phương tiện cứu hộ đi vào các khu vực. “Trong những ngày vừa qua, do bán kính trận thảm họa quá lớn, tổng 10 thành phố (bị ảnh hưởng-PV) là bán kính 500 km, nên toàn bộ nguồn lực cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ gần như là không đủ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải nâng lên tình trạng khẩn cấp mức 4 để kêu gọi hỗ trợ toàn cầu. Có gần 50 quốc gia đã đề nghị tham gia hỗ trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Anh Dương Nam Phương cũng đang cùng cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các đợt quyên góp nhu yếu phẩm, trao cho cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ để đưa đến các khu vực bị ảnh hưởng.

“Tôi nhớ về những ngày ở Việt Nam khi nhà nước cũng có những chương trình ủng hộ đối với đồng bào miền Trung bị lũ lụt, nhớ về truyền thống tương thân tương ái, nên tôi nghĩ tại sao mình không làm một chương trình ủng hộ cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Vợ tôi cũng là người Thổ Nhĩ Kỳ nên đối với tôi đây còn là quê hương thứ hai”.

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất  - Ảnh 4.

Hàng cứu trợ của cộng đồng cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam được đưa đến điểm tập kết tại Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: NVCC)

Theo anh Phương, các nhu yếu phẩm, quần áo, thực phẩm từ khắp nơi đổ về khi nhóm của anh kêu gọi và đi tìm nguồn quyên góp. Các đồ được quyên góp chủ yếu là quần áo, thực phẩm và nhu yếu phẩm, từ người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ và cả người Việt ở châu Âu, các doanh nghiệp và cá nhân khác từ trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Toàn bộ số hàng được giao cho chính quyền thành phố Istanbul để trao đến các vùng quyên góp cho đợt thảm họa.

Chị Hoàng Đào Ngọc An, sinh sống tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hai năm nay cùng gia đình cho biết, từ ngày xảy ra động đất hôm 6/2, chị tổ chức các đợt quyên góp để mua chăn màn, quần áo ấm, lương thực cho nạn nhân động đất, tính đến 10/2 đã quyên góp được 78 triệu đồng.

Số tiền quyên góp được dùng để mua lương thực, nhu yếu phẩm, quần áo cần thiết như gạo, đậu hạt, sữa hộp, băng vệ sinh, bỉm em bé… Vợ chồng chị đã cố gắng tìm nơi giá bán tốt nhất để mua các mặt hàng, tại siêu thị nơi chị đến cũng có rất nhiều người mua đồ cứu trợ.

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất  - Ảnh 5.

Chị Hoàng Đào Ngọc An và các thùng chăn để quyên góp.

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất  - Ảnh 6.

Một khu tập kết hàng quyên góp tại trường đại học ở Ankara.

Sau đó, hàng cứu trợ được giao đến điểm tập kết thuộc khu vực công tác của các cựu sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Trung Đông (ODTÜ), Ankara. Sinh viên và nhiều người dân cùng chuyển hàng vào trong và phân loại đồ, trong thời tiết lạnh giá. “Họ vừa làm vừa hỏi nhau có lạnh không, có khát nước không, rất nhiệt huyết và vô tư”, chị chia sẻ.

Chị cho biết thêm công tác cứu trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ đang được triển khai rất khẩn trương, cố gắng đáp ứng trong bối cảnh thiệt hại quá lớn. “Như hôm 6/2 động đất thì hôm 7/2 tôi đã thấy những máy bay đáp xuống trung tâm thương mại để lấy hàng cứu trợ, trên đường từ Istanbul đến Ankara cũng thấy những xe cẩu tham gia vào hoạt động cứu hộ hướng về khu vực xảy ra động đất”.

Sáng 11/2, đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã bắt đầu triển khai công tác cứu nạn tại thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ, bằng việc tìm kiếm 15 người nghi mắc kẹt trong đống đổ nát tại một tòa nhà bị đổ sập. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất  - Ảnh 7.

Lực lượng cứu hộ của Việt Nam hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong thảm hoạ động đất. (Ảnh: PC07 Công an TP.HCM)

Vị đại diện đoàn công tác cho biết, lực lượng cố gắng tìm được những người còn sống sót bị mắc kẹt và cũng để đảm bảo an toàn cho cả những người cứu hộ, nên quá trình trinh sát được thực hiện cẩn trọng với các kế hoạch kỹ lưỡng. Ngoài việc chính là cứu nạn, cứu hộ, các thành viên của đoàn công tác sẽ thực hiện các nhiệm vụ y tế khác theo sự điều phối của Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại