Cất bằng thạc sĩ để ở nhà chăm con
Mỗi tối, anh Ash Krikorian, 35 tuổi, đi làm về là cơm canh đã được chuẩn bị sẵn trên bàn ăn bởi người vợ Gaya, 30 tuổi.
“Tôi muốn anh ấy hạnh phúc, còn anh ấy rất cảm kích và thích các món ăn tôi nấu”, Gaya chia sẻ.
Cặp vợ chồng hiện đang sống ở Bayside, New York, Mỹ. Dù chị Gaya đã có bằng thạc sĩ tiếng Anh nhưng chị chỉ kiếm một công việc bán thời gian với số tiền kiếm được chỉ đủ cho tiêu vặt cá nhân, còn phần lớn là ở nhà làm nội trợ.
“Tôi nghĩ rằng đây là một cách tốt nhất để cân bằng cuộc sống hôn nhân khi phụ nữ làm việc nhà nhiều hơn. Đương nhiên phụ nữ ngày nay cũng có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng đó không phải là tất cả.
Tôi giỏi việc lau dọn nhà cửa và việc phân chia công việc như gia đình tôi hiện tại là hợp lý”, Gaya chia sẻ lý do chị quyết định ở nhà làm nội trợ.
Có bằng thạc sĩ nhưng chị Gaya vẫn quyết định ở nhà làm nội trợ để anh Ash lo phần kiếm tiền
Anh Ash cho rằng, làm trụ cột gia đình cho anh cảm giác làm tròn bổn phận. “Điều đó cho tôi cảm giác tôi đã đối xử tốt với người phụ nữ của mình”, anh nói.
Cả anh Ask và chị Gaya đều lớn lên trong gia đình có truyền thống “đàn ông làm việc xã hội, đàn bà ở nhà chăm con” nên cả hai đều muốn xây dựng tổ ấm của mình theo cách này.
“Tôi có một số người bạn phản đối việc phụ nữ ở nhà làm nội trợ, tuy nhiên họ vẫn tôn trọng tôi và không nói gì cả. Họ chỉ hỏi tôi tại sao tôi lại thích như vậy và tôi luôn trả lời rằng bởi tôi nghĩ mình nên sống như vậy”, chị Gaya nói.
Hồi tháng ba vừa qua, nghiên cứu của trường Đại học Michigan và Đại học Texas cũng chỉ ra ngày càng nhiều người trẻ tin rằng người đàn ông nên là trụ cột gia đình.
Từ những năm 1970, các chuyên gia đã thực hiện điều tra xã hội học với đối tượng học sinh phổ thông về quan điểm của họ: “Sẽ tốt hơn cho gia đình nếu người đàn ông kiếm tiền, lo việc ngoài xã hội, còn phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình, con cái”.
Năm 1994, chỉ có 42% người trẻ đồng ý với quan điểm này, nhưng đến năm 2014, số người trẻ tin rằng phụ nữ nên ở nhà làm nội trợ, chăm con chiếm đến 58%.
“Xu hướng phân chia vai trò của đàn ông - phụ nữ trong gia đình theo kiểu truyền thống ngày càng gia tăng trong các cặp đôi trẻ”, chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình Fran Walfish ở Beverly Hills, California nhận định.
Chuyên gia tâm lý Anjhula Singh Bais cho biết, bà nhìn thấy một xu hướng hôn nhân kiểu “Leave it to Beaver” (một bộ phim truyền hình của Mỹ chiếu năm 1997 tái hiện cuộc sống của các gia đình trung lưu ở Mỹ giữa thế kỷ 20) ở giới trẻ.
Dù sinh trưởng trong một gia đình nữ quyền nhưng chị Tesse lại thích ở nhà chăm con, làm hậu phương vững chắc cho chồng.
Thích làm hậu phương của chồng
Như trường hợp của chị Tesse Struve, 33 tuổi, ở San Francisco. Dù sinh trưởng trong một gia đình nữ quyền nhưng chị Tesse lại ở nhà làm nội trợ.
Theo kỳ vọng của cha mẹ, chị đã lấy bằng cử nhân về nhân chủng học tại trường Đại học California, sau đó trở thành một cô giáo.
Năm 2012, chị kết hôn với anh Erik và quyết định nghỉ việc để ở nhà làm nội trợ, chăm con. Giờ đây con gái chị đã được 3 tuổi, chị duy trì một blog mang tên “Millennial Housewife” dành cho các bà nội trợ thế hệ Y (hay còn gọi là Millennial những người sinh trong khoảng 1980-2000).
“Ngày càng nhiều phụ nữ chọn ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái. Họ đang tái tạo lại định nghĩa về 'bà nội trợ' đúng nghĩa”, chị Tesse viết trên blog.
Mặc dù quyết định ở nhà trước đây là do chi phí gửi trẻ quá cao, giờ đây thì chị cảm thấy hạnh phúc với vai trò làm mẹ toàn thời gian của mình. Hằng ngày chị chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị sẵn bữa tối chờ chồng đi làm về.
“Tôi biết nhiều phụ nữ khác muốn ở nhà chăm con nhưng vì tình trạng tài chính không cho phép nên họ phải đi làm. Tôi thích được song hành cùng con khôn lớn, thích làm hậu phương của chồng”, chị Tesse chia sẻ.
Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận rằng bản thân không hoàn toàn hài lòng với công việc nội trợ. “Sẽ khó tránh khỏi cảm giác cô đơn khi ở nhà cả ngày quanh quẩn với con”, chị nói.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc chia vai trò “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” cũng có thể dẫn đến căng thẳng trong hôn nhân.
Chuyên gia tâm lý Walfish nhận định: “Chi tiêu gia đình gia tăng sẽ là gánh nặng cho người đàn ông khi họ là người duy nhất kiếm tiền lo cho gia đình. Còn phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc con cái cũng dễ gặp phải các vấn đề về hôn nhân”.
Trường hợp của anh Ask và chị Gaya là một ví dụ điển hình, khi chị ở nhà quán xuyến việc nhà anh chỉ việc đi làm về có sẵn cơm ăn đã khiến anh lười dọn dẹp, vứt đồ đạc lộn xộn, khiến chị Gaya phải làm việc nhiều hơn.
Cuối cùng họ phải đi đến thoả thuận, anh Ask cô gắng thu dọn mọi thứ sau khi sử dụng để chị Gaya không phải dọn dẹp nhà cửa nhiều lần trong ngày.