Người nhà chạy xe máy, ôm theo bé 2 tuổi tím tái vội vã vào thẳng phòng cấp cứu

Nam An |

Phát hiện cháu bé bị ngã xuống ao, gia đình đã kịp thời đưa cháu lên bờ và lập tức chở đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tím tái, mạch bẹn không bắt được.

Sáng 6/8, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận cấp cứu cho 1 bé trai 2 tuổi trú tại Đoan Hùng vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do đuối nước.

Theo dõi hình ảnh từ camera an ninh của Bệnh viện có thể thấy, vào khoảng 8h50 phút sáng 6/8, chiếc xe máy chở theo bé trai vội vã dừng tại sảnh bệnh viện. Sau đó, một người đàn ông vội vã bé theo cháu bé chạy thẳng đến phòng cấp cứu để được các bác sĩ cứu chữa một cách nhanh nhất. 

Theo thông tin từ bệnh viện cho biết, bé trai được người nhà đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tím tái, mạch bẹn không bắt được. 

Cấp cứu kịp thời cho bé trai bị đuối nước ở Phú Thọ

Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn/đuối nước cho bé, sau khi được cấp cứu bệnh nhi khóc to, da môi hồng và có thể tự thở. Hiện tại, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, chỉ còn tình trạng hốt hoảng và quấy khóc.

Theo người nhà cho biết, bé vô tình rơi xuống ao gần nhà, sau đó gia đình cùng hàng xóm đã kịp thời đưa cháu lên bờ và lập tức đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Bé tiếp tục được thực hiện các cận lâm sàng và theo dõi sát tại Phòng cấp cứu bệnh viện.

Theo các bác sĩ cho biết, đuối nước xảy ra do nước đi vào đường hô hấp và phổi, ngăn cản việc trao đổi khí, khiến các tế bào trong cơ thể không được cung cấp oxy nuôi dưỡng. Nếu nạn nhân đuối nước không được sơ cứu đuối nước kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như phù não, chết não, biến chứng thần kinh vĩnh viễn, viêm phổi, phù phổi thậm chí tử vong. Do vậy, khi phát hiện nạn nhân đuối nước cần được cấp cứu nhanh chóng để dành lại sự sống cho nạn nhân.

 Cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi viện.

Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Những việc làm không đúng cần tránh

Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại