Ông Jan Zwartendijk cùng hai người con lớn chụp ảnh tại Kaunas, Lítva năm 1940. Ảnh: Guardian
Ông đã cứu giúp nhiều mạng sống Do Thái hơn cả Oskar Schindler người Đức - người đã được lấy làm cảm hứng cho bộ phim đạt Giải Oscar - là Jan Zwartendijk, một doanh nhân bán radio đã giúp hàng nghìn người Do Thái trốn chạy khỏi châu Âu.
Tờ Guardian (Anh) cho biết tác giả người Hà Lan Jan Brokken đã viết cuốn sách “The Just” xuất bản năm 2021 tại Anh đề cập đến câu chuyện 10.000 người dân Do Thái, trong đó có nhiều trẻ em, đã thoát khỏi trại tập trung Holocaust. Nhân vật trung tâm của câu chuyện này là ông Zwartendijk và nhà ngoại giao Nhật Bản Chiune Sugihara.
Trong 10 ngày của mùa Hè năm 1940, hai người đàn ông này đã cấp thị thực cho 2.139 người Do Thái, giúp họ thoát khỏi sự vây bắt của phát xít Đức. Các nhà nghiên cứu ước tính thực tế có thể lên tới 6.000-10.000 người được trốn thoát bởi nhiều phụ nữ và trẻ em thường di chuyển dựa vào giấy tờ của người thân là nam giới.
Trong khi ông Chiune Sugihara được nhiều người biết đến và xuất hiện trong chương trình học tại Nhật Bản và viện bảo tàng thì ông Zwartendijk lại ít nổi tiếng hơn. Con trai út của ông Zwartendijk là Rob Zwartendijk phải đến năm 30 tuổi mới biết về công việc của cha mình bởi vì ông không bao giờ kể lại câu chuyện.
Khi chiến tranh nổ ra năm 1939, ông Jan Zwartendijk là người đứng đầu chi nhánh của công ty điện tử Hà Lan Philips tại Kaunas (thủ đô Lítva thời điểm đó) và chuyên kinh doanh máy phát thanh, máy hát và bóng đèn. Ông Jan Zwartendijk khi đó có cuộc sống khá hạnh phúc với gia đình 3 con.
Là một doanh nhân đáng tin tưởng, Chính phủ Hà Lan đã quyết định đề nghị ông Zwartendijk đảm nhận vị trí lãnh sự tại Kaunas bởi nhân vật đang giữ vị trí này bị nghi ngờ có cảm tình với chủ nghĩa phát xít. Ban đầu, ông Zwartendijk tưởng chừng công việc của bản thân là hỗ trợ một vài công dân Hà Lan nhưng sau đó ông phải đối mặt với lựa chọn nhiều rủi ro khác.
Nhiều người Do Thái đã đến gõ cửa nhà ông, họ cho biết đã trốn chạy sang Litva sau khi phát xít xâm chiến Ba Lan vào tháng 9/1939. Trong chiến tranh Thế giới thứ hai, Kaunas là một thành phố tự do trong gần 10 tháng do vậy là địa điểm lý tưởng cho nhiều người tị nạn tránh khỏi phát xít. Thông tin về “quý ông đài phát thanh Philips” bắt đầu được lan truyền và họ đã tìm đến ông Zwartendijk.
Giấy tờ của người Do Thái được ông Zwartendijk chấp bút. Ảnh: Haaretz
Theo tờ Haaretz (Israel), ông Zwartendijk đã cung cấp 1.200-1.400 giấy tờ giả này cho người Do Thái tại Kaunas để giúp họ có thể nhập cảnh vào Curacao. Ông viết rằng “Lãnh sự quán Hà Lan tuyên bố không cần thị thực để nhập cảnh vào Suriname, Curacao và những lãnh thổ khác của Hà Lan tại châu Mỹ”.
Trong khi đó, nhà ngoại giao Chiune Sugihara cung cấp giấy tờ quá cảnh cho những người Do Thái nhận được “thị thực Curacao giả”, giúp họ rời Lítva đến Nhật Bản và sau đó tiếp tục đến châu Mỹ.
Mặc dù chỉ sống cách nhau 300 m nhưng ông Zwartendijk và Sugihara chưa bao giờ gặp gỡ. Họ chỉ trao đổi qua điện thoại vài lần. Ông Sugihara đã liều lĩnh khi không nghe theo chỉ đạo từ Tokyo, trong khi Zwartendijk gặp nguy hiểm trước phát xít khi ông quay trở về Hàn Lan.
Khi quay trở về Hà Lan vào tháng 9/1940 thời điểm phát xít chiếm đóng, ông Zwartendijk quyết định giữ bí mật về hành động của mình.
Năm 1976, các nhà khoa học ước tính 95% người Do Thái tị nạn với giấy tờ được ông Zwartendijk chấp bút đã vượt qua được cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông Sugihara qua đời năm 1986, hai năm sau khi được vinh danh vì đã dũng cảm cứu mạng sống của nhiều người Do Thái. Ông Zwartendijk qua đời vào năm 1976. Mãi đến năm 1997, ông Zwartendijk mới được vinh danh tương tự. Thành phố Kaunas đã lập tượng đài ông Zwartendijk trước văn phòng của Philips tại địa phương.