Chúng ta đã từng biết tới một vua Quang Tự, trên danh nghĩa là người đã trị vì nhà Thanh suốt 34 năm nhưng trên thực tế, ông chỉ là "con rối" chính trị của Từ Hi thái hậu, cuối đời lại bị giam lỏng cấm túc và cuối cùng qua đời trong cô đơn khi tuổi đời chỉ mới 38.
DÂN NÔ NỨC TỔ CHỨC CHUYỆN HỈ SAU NGÀY VUA QUA ĐỜI
Điều khiến mọi người càng khó hiểu hơn đó là vào ngày thứ hai kể từ ngày vua Quang Tự qua đời, người dân của Đại Thanh lại nô nức tổ chức đủ chuyện hỉ như nạp thiếp, gả con, không khí vô cùng náo nhiệt.
Từ Hi thái hậu (trái) và vua Quang Tự (phải). (Ảnh: Baidu)
Trong tư tưởng Nho giáo của người Trung Quốc xưa, con người phải lấy chữ "hiếu" trong "hiếu thuận" làm đầu nên việc để tang là nhằm mục đích bày tỏ sự hiếu thảo của người sống dành cho người đã khuất. Hoàng đế được coi là quân chủ, khi hoàng đế mất cả nước phải tổ chức đại tang với thời gian để tang là 3 năm, nhưng thực chất chỉ là 27 tháng.
Quy định để tang 27 tháng này đã được chính thức áp dụng kể từ thời của Minh Thái Tổ, cho tới thời nhà Thanh, các vị Hoàng đế cũng yêu cầu nhân dân tuân thủ như vậy.
Tương tự, vào lúc vua Quang Tự mất, xã hội khi ấy vẫn là một xã hội phong kiến đặc trưng, hoàng đế qua đời là chuyện quốc tang, nhân dân phải để tang hoàng đế, không được tổ chức tiệc tùng. Những hành động mang ý nghĩa là "hỉ" như: Treo câu đối trước cửa, treo đèn kết hoa, dựng vợ gả chồng… cũng đều không được phép tổ chức.
Ấy vậy người dân Đại Thanh lúc đó lại không hề "kiêng nể" triều đình, công khai tổ chức chuyện vui. Chẳng lẽ họ không sợ bị triều đình giáng tội?
Hình ảnh trong tang lễ vua Quang Tự. (Ảnh: Baidu)
SỰ THẬT BẤT NGỜ
Hành động này của người dân Đại Thanh khi đó là bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất là từ thời kì vua Quang Tự trị vì, triều đình nhà Thanh đã lộ rõ sự lụi bại, yếu kém, do đó không được lòng dân. Việc hoàng đế của một triều đại "mục nát" qua đời, người dân không đau lòng có lẽ cũng là một chuyện bình thường.
Thứ hai là khi đó, dù đang ở trong Tử Cấm Thành nhưng Từ Hi thái hậu đã nắm bắt được thông tin vua Quang Tự qua đời tại Doanh Đài rất nhanh. Từ Hi lo lắng rằng nếu công khai chiếu cáo thiên hạ thông tin này thì sẽ xảy ra đại loạn. Do đó, bà đã dự tính sẽ bí mật tổ chức tang lễ của vua Quang Tự. Tuy vậy, trong quá trình truyền tin vua Quang Tự mất từ Doanh Đài về kinh thành, thông tin này đã lộ ra bên ngoài, và cũng rất nhanh sau đó, người dân toàn kinh thành đều đã biết.
Người dân không "mặn mà" với chuyện vua Quang Tự qua đời. Ảnh người dân đứng xem tang lễ vua. (Ảnh:Baidu)
Do đã nắm rõ những quy định của triều đình khi vua mất không được tổ chức chuyện hỉ nên khi nghe được tin tức vua Quang Tự qua đời, người dân Đại Thanh đã nhanh chóng tổ chức những việc vui trước khi triều đình chính thức công bố chuyện này.
Vì lý do này mà vào ngày thứ hai kể từ ngày vua Quang Tự qua đời, toàn kinh thành Bắc Kinh đã tràn ngập không khí tươi vui của những đám cưới hỏi, những chuyện hỉ do người dân tổ chức.