Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, tải lượng virus thời kỳ đạt đỉnh bằng nhau giữa những người chưa tiêm và những người đã tiêm vaccine COVID-19 khi họ bị nhiễm bệnh. Điều này làm dấy lên quan ngại về hiệu quả của vaccine trong việc phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
Vậy những người đã được tiêm phòng có làm lây nhiễm dịch bệnh giống những người chưa được tiêm hay không? Đây là điều vô cùng quan trọng trong tình hình mới.
Những nghiên cứu này chỉ cho thấy tải lượng virus ở đỉnh điểm là tương tự nhau giữa 2 nhóm đối tượng, tức là lượng virus cao nhất trong cơ thể trong suốt quá trình họ được theo dõi.
Tuy nhiên, những người đã được tiêm chủng có thể loại bỏ virus nhanh hơn, có tổng lượng virus thấp hơn và thời gian họ có tải lượng virus cao thấp hơn so với những người chưa được tiêm chủng.
Do đó, những người được tiêm chủng có khả năng lây lan dịch bệnh ít hơn.
Những người được tiêm chủng có khả năng lây lan dịch bệnh ít hơn
Tải lượng virus đỉnh điểm giống nhau
Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa The Lancet (Vương Quốc Anh) cho biết, họ đã thực hiện theo dõi 602 lần tiếp xúc gần của 471 bệnh nhân COVID-19 để tìm hiểu về khả năng truyền nhiễm và tải lượng virus trong nhóm đối tượng này .
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về tải lượng virus ở thời đỉnh điểm giữa những người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng. Nhưng có một sự giảm nhẹ về số ca lây nhiễm trong gia đình giữa những người đã được tiêm chủng.
Trong khoảng 2 tuần, tháng 7 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết, có tới 346 trong tổng số 469 ca nhiễm COVID-19 (74%) tại hạt Barnstable, bang Massachusetts đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đồng thời, tải lượng virus tương tự nhau ở cả nhóm đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng.
Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng về các dữ liệu này. Bởi những con số này không phản ánh toàn bộ dân số. Việc sử dụng phương pháp xét nghiệm PCR cũng không chỉ ra được tổng lượng virus trong suốt quá trình mắc bệnh.
Tải lượng virus là gì?
Tải lượng virus ám chỉ số lượng virus có trong dịch cơ thể tại một thời điểm nhất định. Các nhà khoa học có thể đo chỉ số này bằng việc xét nghiệm máu hoặc dịch mũi, họng.
Nếu tải lượng virus cao đồng nghĩa với việc nguy làm lây nhiễm dịch bệnh cao hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế, điều này chưa thực sự rõ ràng. Ví dụ: nhiều người mắc COVID-19 không có triệu chứng và có tải lượng virus thấp sẽ khiến việc lây nhiễm bệnh nhiều hơn nếu họ không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và ở nhà.
Bằng chứng về tải lượng virus liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh là không rõ ràng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, không có mối liên hệ giữa số lượng virus trong bệnh phẩm và lượng virus mà người bệnh phát tán ra ngoài, nhưng nhiều nghiên cứu lại cho thấy tỷ lệ tử vong tăng khi tải lượng virus tăng cao.
Những người đã tiêm phòng có thể “xoá sổ” được virus
Nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa The Lancet cho thấy sự tương đồng về tải lượng virus giữa những người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng. Nhưng nghiên cứu không cung cấp bằng chứng chắc chắn rằng vaccine không có tác dụng trong việc ngăn ngừa lây truyền dịch bệnh.
Mặc dù tải lượng đỉnh có thể tương đương nhau, nhưng những người đã tiêm vaccine có khả năng có tải lượng virus tổng thể thấp hơn, và do đó ít gây lây nhiễm hơn.
Thêm vào đó, vaccine giúp cơ thể đào thải virus COVID-12 ra khỏi cơ thể nhanh hơn và những người đã được tiêm chủng có ít có nguy cơ phát tán virus hơn.
Điều này dường như đúng với ngay cả biến chủng siêu lây nhiễm Delta.
(Theo Channelnewsasia.com)