1. Người bệnh viêm gan mạn tính dễ bị suy dinh dưỡng
Mệt mỏi kéo dài là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khi bị viêm gan mạn tính. Một số trường hợp khác bị tiêu chảy, đau khớp và ăn uống kém dẫn đến suy dinh dưỡng.
Nghiên cứu đã chứng minh, tình trạng suy dinh dưỡng và mất khối lượng cơ trở nên phổ biến hơn khi bệnh gan tiến triển. Vì vậy, người bệnh viêm gan mạn tính cần tăng cường dinh dưỡng bằng những thực phẩm lành mạnh để duy trì mức năng lượng cần thiết và khối lượng cơ bắp.
Ở một số người bệnh tiến triển nặng như xơ gan mất bù phát triển sẹo gan rộng có thể cần phải tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt để thích ứng với tình trạng gan không còn hoạt động bình thường.
2. Người bệnh viêm gan mạn tính nên ăn gì?
2.1 Thực phẩm giàu protein
Khi bị viêm gan mạn tính, người bệnh cần bổ sung đầy đủ protein (chất đạm). Ăn đủ chất đạm có thể giúp người bệnh tránh bị suy dinh dưỡng và hao mòn cơ bắp.
Nguồn cung cấp chất đạm tốt nhất là: Thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại hạt, pho mát… Người bệnh nên tiêu thụ 1 - 1,5g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.
2.2 Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng lượng protein, duy trì khối lượng cơ, tốt cho người bệnh viêm gan. Người bệnh nên ăn bánh mì, gạo, yến mạch… Hạn chế các loại ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng, mì ống trắng...
2.3 Trái cây và rau xanh
Trái cây và rau xanh cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh. Ăn những thực phẩm giàu chất xơ này giúp no lâu và cũng có thể giúp người bệnh giảm lượng thức ăn kém lành mạnh hơn như thịt mỡ hoặc đồ ngọt là những thực phẩm không tốt cho bệnh viêm gan.
Đặc biệt, ăn các loại rau lá xanh có thể giúp người bệnh viêm gan giảm được thành phần axit béo trong gan, góp phần kiểm soát bệnh.
2.4 Cà phê
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đồ uống có chứa caffein như cà phê làm giảm nguy cơ hình thành sẹo gan tiến triển ở những người bị viêm gan mạn tính. Vì vậy, người bệnh có thể chọn uống cà phê với lượng điều độ khoảng 1 ly mỗi ngày.
2.5 Chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh có nguồn gốc thực vật như: dầu ô liu, dầu hướng dương hoặc bơ cung cấp các axit béo không bão hòa tốt cho sức khỏe. Và người bệnh viêm gan mạn tính nên sử dụng các loại chất béo này. Tuy nhiên, tất cả các chất béo và dầu nên được ăn ở mức độ vừa phải.
3. Người bệnh viêm gan mạn nên ăn như thế nào?
Một trong những chức năng của gan là lưu trữ glycogen, được cơ thể sử dụng để tạo năng lượng tức thời. Phần lớn người bình thường có thể lưu trữ một lượng tương đối lớn glycogen trong gan. Nhưng đối với người bệnh viêm gan, gan bị tổn thương, các mô sẹo sẽ lấy đi không gian lưu trữ đó. Kết quả là gan không thể lưu trữ nhiều glycogen như trước đây.
Việc chia các bữa ăn nhỏ trong ngày cho phép cơ thể có cơ hội thay thế lượng dự trữ glycogen một cách ổn định. Vì vậy, người bệnh viêm gan mạn tính nên ăn các bữa ăn nhỏ chia đều trong ngày để duy trì mức năng lượng hợp lý.
Để có một lá gan khỏe mạnh, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp như: Ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng; Luyện tập thường xuyên; Tránh thừa cân, béo phì. Tránh căng thẳng; Không lạm dụng rượu bia, chất kích thích; Tiêm phòng đầy đủ; Dùng thuốc theo đúng chỉ định; Nên đi khám định kỳ tầm soát bệnh viêm gan… để phát hiện sớm điều trị kịp thời.