Ngưng tài trợ cho WHO lúc này là không phù hợp?

Xuân Mai |

Nhiều chuyên gia y tế công cộng cho rằng WHO có thể mắc thiếu sót nhưng việc ngưng tài trợ không phải là giải pháp đúng đắn và phù hợp lúc này.

Quyết định ngưng đóng góp tài chính cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm 14-4 đang đối mặt không ít chỉ trích giữa lúc cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) đang diễn ra quyết liệt.

Ông chủ Nhà Trắng lấy lý do WHO xử lý kém dịch Covid-19 cho động thái nói trên. Cụ thể, nhà lãnh đạo này cho rằng WHO, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ), đã lan truyền "thông tin sai" của Trung Quốc về dịch Covid-19 và che đậy sự lây lan của nó, khiến cuộc khủng hoảng thêm nghiêm trọng.

Dù ông Donald Trump không nói rõ sẽ ngưng khoản tài trợ nào nhưng các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể cắt phần đóng góp tự nguyện cho WHO. Con số này ước tính chiếm khoảng 3/4 tổng số tiền Washington thường chuyển đến WHO. Theo tờ The New York Times, Mỹ đã đóng góp cho WHO khoảng 553 triệu USD trong năm 2019.

Phản ứng trước bước đi trên, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng giờ không phải lúc giảm bớt nguồn lực của WHO, một tổ chức đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nỗ lực đánh bại Covid-19 của thế giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nhận định tăng cường nguồn lực cho WHO là một trong những "khoản đầu tư tốt nhất" và chuyện đổ lỗi sẽ không giúp ích gì. Theo tờ The Guardian, giới chức y tế công cộng nhìn chung nhất trí rằng phản ứng của WHO đối với dịch Covid-19 dù không hoàn hảo nhưng đã được cải thiện hơn nhiều so với lần đối phó dịch Ebola năm 2014.

Nhiều chuyên gia y tế công cộng cũng cho rằng WHO có thể mắc thiếu sót nhưng việc ngưng tài trợ không phải là giải pháp đúng đắn và phù hợp lúc này. Trong bài viết trên tờ The Washington Post, hai chuyên gia Thomas Bollyky của Hội đồng Quan hệ đối ngoại và Jeremy Konyndyk của Trung tâm Phát triển toàn cầu (đều đặt trụ sở ở Mỹ) chỉ ra những điều kiện hạn chế mà WHO đang đối mặt, như không thể làm việc tại các nước thành viên nếu không được phép và không có quyền trừng phạt những ai không tuân thủ quy định của họ. Vì thế, hoạt động của WHO dựa vào sự hợp tác của các chính phủ.

Một số chuyên gia khác bày tỏ nỗi lo về nguy cơ tổn thất nhân mạng nếu Mỹ ngưng tài trợ cho WHO giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành. "Cuộc chiến chống lại một đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và việc dựa vào khoa học, dữ liệu. Cắt giảm ngân sách cho WHO, thay vì tập trung vào các giải pháp, là động thái nguy hiểm trong bối cảnh thế giới đang bấp bênh" - ông Patrice Harris, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ, chỉ trích.

Một số ý kiến khác thậm chí cho rằng ông Trump đang muốn đánh lạc hướng và tìm kiếm "vật tế thần" sau khi bị chỉ trích vì phản ứng chậm và thiếu hiệu quả đối với dịch bệnh. Theo tờ The New York Times, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỉ lệ người Mỹ không tán thành cách thức ông Trump ứng phó dịch Covid-19 cao hơn tỉ lệ tán thành - một diễn biến có thể đe dọa đến cơ hội tái đắc cử của ông Trump.

Theo tờ The Guardian, vẫn còn quá sớm để biết rõ lập trường cứng rắn đối với WHO sẽ giúp ích ra sao cho ông chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Trước mắt, uy tín và ảnh hưởng của Mỹ trong các mối quan hệ quốc tế có thể chịu tổn thất bởi những quốc gia khác sẽ lấp vào chỗ trống Washington để lại, cả về tài chính lẫn chính trị. Chẳng hạn như Anh đã thông báo khoản tiền 200 triệu bảng để hỗ trợ nỗ lực khống chế dịch Covid-19 trên thế giới, trong đó có 65 triệu bảng dành cho WHO.

Tổng giám đốc WHO đối mặt sức ép từ chức

Một bản kiến nghị kêu gọi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức đã nhận được gần 1 triệu chữ ký. Một số chỉ trích trong bản kiến nghị cho rằng WHO đã không sớm tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào ngày 23-1 vì ông Tedros đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình. Ngoài ra, bản kiến nghị gửi đến LHQ này cho rằng nhiều người cảm thấy thất vọng vì ông Tedros đã tin tưởng các thông tin do Trung Quốc cung cấp mà không tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào về chúng.

Bản kiến nghị trên là một trong những thách thức ông Tedros đang đối mặt liên quan đến cách ứng phó đại dịch Covid-19. Sức ép khác đến từ cáo buộc của Đài Loan, theo đó WHO hạ thấp sự lây lan của chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19. Ngoài ra, Đài Loan còn chỉ trích WHO không có hành động gì trước thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ người sang người được hòn đảo này gửi đến hôm 31-12-2019.

Không gì lạ khi Bắc Kinh lên tiếng bảo vệ WHO khi cho rằng cơ quan này đã tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình, cũng như duy trì lập trường khách quan, dựa trên cơ sở khoa học và công bằng. Ngoài ra, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), các nước châu Phi cũng lên tiếng ủng hộ WHO và lãnh đạo tổ chức này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc trong ứng phó dịch Covid-19. Liên minh châu Phi (AU) khen ngợi WHO đã làm tốt công việc đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ không ngừng cho WHO và ông Tedros.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại