Ngoại trưởng Nhóm D-8 họp bất thường về Gaza

Nhóm phóng viên VOV |

Ngoại trưởng Nhóm D-8 họp bất thường về Gaza, Trung Quốc - Pakistan nhất trí nâng cấp dự án hạ tầng chung, Philippines dừng nhập khẩu gia cầm từ Australia, Indonesia cảnh báo về thế hệ Gen Z thất nghiệp.. - đó là một số chi tiết đáng chú ý trong cụm tin thế giới chiều nay.

Ngoại trưởng Nhóm D-8 họp bất thường

Phóng viên Thu Hoài (VOV1) dẫn nguồn tin Reuters cho hay, Tổ chức Hợp tác kinh tế gồm 8 quốc gia đang phát triển, viết tắt là D-8, hôm nay nhóm họp bất thường tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kêu gọi một lệnh ngừng bắn khẩn cấp tại dải Gaza.

Ngoại trưởng Nhóm D-8 họp bất thường về Gaza- Ảnh 1.

Cảnh đổ nát do chiến sự ở Gaza. Ảnh: Reuters.

Nhóm D-8 gồm 8 quốc gia đang phát triển là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập, Nigeria, Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Pakistan. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, cuộc họp là nhằm góp thêm tiếng nói ủng hộ đối với nỗ lực của Palestine hướng tới một Nhà nước độc lập và có chủ quyền.

Ông Fidan đồng thời nhấn mạnh, cuộc xung đột ngày một leo thang giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza cần phải dừng lại ngay lập tức: “Cuộc họp hội đồng bộ trưởng bất thường này nhằm mục đích huy động thêm sự hỗ trợ và thể hiện tình đoàn kết đối với các nỗ lực của người Palextin. Gaza cần hy vọng và sự hỗ trợ, nhưng trên hết, là hành động. Cuộc chiến này không còn là cuộc chiến giữa Israel và Hamas nữa mà là một thách thức toàn cầu. Xung đột leo thang đang làm gia tăng các mối đe doạ trong và ngoài khu vực. Những sự cố gần đây ở biên giới Ai Cập, Lebanon hay cuộc tấn công vào khu vực lãnh sự Iran ở Syria là những minh chúng cho thấy tác động lan toả của cuộc xung đột tại khu vực.”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc xung đột giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas tại dải Gaza. Tháng 5 vừa qua, Chính phủ nước này đã quyết định đình chỉ mọi hoạt động thương mại song phương với Israel cho đến khi chiến tranh kết thúc và viện trợ vào được dải Gaza mà không bị cản trở.

Pakistan, Trung Quốc nhất trí nâng cấp dự án phát triển hạ tầng chung

Dũng Hoàng, phóng viên thường trú VOV tại New Delhi đưa tin: Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 7/6 đã tái khẳng định cam kết phát triển Dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) với chất lượng cao và đảm bảo tiến độ đối với các dự án quan trọng đang được triển khai.

Cam kết của hai bên được đưa ra trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc của ông Sharif , kéo dài 5 ngày. Đặc biệt, đây cũng là lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Sharif nhậm chức hồi tháng Ba.

Trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, lãnh đạo hai bên đã nhất trí về việc nâng cấp CPEC và đẩy mạnh tiến trình phát triển giai đoạn 2 của dự án. Ngoài ra, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình về các chính sách của Pa-kít-xtan liên quan đến cải cách kinh tế, phát triển bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và tăng cường kết nối khu vực.

Ông Sharif tái khẳng định cam kết của nước này trong việc phát triển CPEC theo hướng chất lượng cao và thúc đẩy sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia. Nhà lãnh đạo Pakistan cũng đánh giá cao Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) và Sáng kiến "Phát triển Toàn cầu" (GDI) của Chủ tịch Tập Cận Bình; nhấn mạnh rằng CPEC, dự án trọng điểm trong khuôn khổ BRI, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của Pakistan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Thủ tướng Pakistan tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh cho các dự án của Trung Quốc tại Pakistan.

Philippines dừng nhập gia cầm từ Australia do cúm gia cầm độc lực cao

Từ Jakarta, phóng viên Phạm Hà cho biết, Philippines đã cấm nhập khẩu gia cầm từ Australia - quốc gia đang đối mặt với dịch cúm gia cầm bùng phát, trong đó có nhóm virus cúm gia cầm (HPAI) độc lực cao H7N3 và H7N9.

Australia là nhà cung cấp lớn thịt gà và các sản phẩm từ thịt gà cho Philippines.Thông báo của Philippines được đưa ra sau khi Australia báo cáo bùng phát loại virus này lên Tổ chức Thú y thế giới. Theo đó, Bộ Nông nghiệp Philippines đã công bố lệnh cấm nhập cảnh các sản phẩm gia cầm hoặc chim hoang dã từ quốc gia phía nam này, với lý do lo ngại về sự lây lan của virus cúm gia cầm (HPAI) độc lực cao H7N3 và H7N9.

Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của virus cúm gia cầm (HPAI) độc lực cao, bảo vệ sức khỏe của đàn gia cầm địa phương. Tất cả các lô hàng đến từ Australia đang quá cảnh/bốc xếp/được chấp nhận cập cảng trước khi có thông báo chính thức về lệnh này tới chính quyền Australia, với điều kiện là các sản phẩm đó đã được giết mổ/sản xuất vào hoặc trước ngày 9 tháng 5 năm 2024.

Chính quyền Australia vừa mới thông báo một trang trại gia cầm thứ năm gần Melbourne đã bị nhiễm một chủng cúm gia cầm có độc lực cao H7N3 và H7N9. Tuy nhiên cả hai chủng này đều không giống với loại H5N1 đã lây lan trên toàn cầu và xuất hiện ở người. Mỹ trước đó cũng áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu đối với một số sản phẩm gia cầm và phụ phẩm từ bang Victoria (Australia) sau khi xác định cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) trên gia cầm nuôi ở địa phương này.

Indonesia cảnh báo thế hệ Gen Z thất nghiệp do thiếu kỹ năng mềm và chuyên môn

Phóng viên Phạm Hà, thường trú VOV tại Indonesia phản ánh: Theo số liệu của Viện Thống kê Indonesia (BPS), gần 10 triệu người Indonesia thuộc nhóm thế hệ Gen Z -(những người sinh năm từ 1997 đến 2012) đang thất nghiệp và không tham gia các lớp đào tạo. Thiếu kỹ năng phù hợp và không theo kịp các tiến bộ công nghệ là những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng việc làm trong thế hệ gen Z, có thể dẫn đến những hậu quả lớn tương lai.

Nhà nhân khẩu học Dewa Wisana của Đại học Indonesia đã xác định một số thách thức mà nhóm Gen-Z tại Indonesia gặp phải. Trước hết là sự chuyển đổi cơ cấu từ nền kinh tế dựa vào sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ. Thứ hai, nhiều thế hệ Gen-Z ở Indonesia đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ quá trình đào tạo trong nhà trường sang đi làm thực tế do các điều kiện khách quan bao gồm cả đại dịch Covid-19. Thứ ba, nhu cầu về bằng cấp ngày càng tăng mà Gen-Zers thường không thể đáp ứng được trên thị trường việc làm. Ví dụ nhiều lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là định hướng dịch vụ, phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn công nghệ. Tuy nhiên số lượng đáng kể các cá nhân gặp khó khăn để đạt được trình độ thành thạo những kỹ năng và công nghệ cụ thể này.

Trong khi đó các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng cho rằng một lý do khiến nhiều lao động thuộc thế hệ gen Z vẫn thất nghiệp vì họ không chấp nhận các công việc được cho là không phù hợp với trình độ học vấn và mong muốn những công việc có giá trị cao hơn. Việc thiếu các kỹ năng mềm, bao gồm các nhiệm vụ cơ bản như trình bày và phối hợp làm việc nhóm, càng khiến khả năng tuyển dụng của Gen-Z khó khăn hơn.

Theo các chuyên gia, tăng cường đào tạo nghề cũng là một giải pháp để tận dụng lực lượng lao động dồi dào này. Đào tạo nghề cho nhân viên là một công việc tốn kém mà nhiều doanh nghiệp bỏ qua vì gen Z có xu hướng thay đổi công việc thường xuyên. Tuy nhiên các doanh nghiệp, chính quyền trung ương và địa phương nên tham gia tích cực hơn trong lĩnh vực đào tạo.

Ngày Đại dương Thế giới 2024: Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương

Phóng viên Đình Nam (VOV1) tổng hợp về Ngày Đại dương năm nay: Đại dương đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển. Khoảng 90% quần thể cá lớn cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy, 14 triệu tấn vi hạt nhựa đang nằm sâu dưới đáy các đại dương.

Một ngư dân Thái Lan cho biết: “Việc tẩy trắng san hô năm nay diễn ra quá nhanh, thật bất thường. Hãy nhìn xem, tất cả đều chuyển sang màu trắng. Nó chưa bao giờ bị tẩy trắng như thế này trước đây - năm nay tất cả đều rất trắng. Khi chúng không bị tẩy trắng, khỏe mạnh, bạn có thể đi câu cá vào ban đêm và dễ dàng bắt được mực và cá gần những rạn san hô. Việc kiếm sống thật dễ dàng. Mỗi lần chúng tôi khởi hành vào ban đêm và trở về vào buổi sáng, ít nhất chúng tôi cũng kiếm được 2000 đến 3000 baht ($55 - $83) từ việc đánh bắt. Nếu tất cả san hô chết, chúng tôi sẽ gặp rắc rối. Những sinh vật sống ở vùng nông đều sẽ di cư đi nơi khác.”

Vì vậy, Liên Hợp Quốc đã lấy chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” (Awaken new depths) cho Ngày Đại dương Thế giới 2024, với mong muốn khẩn trương tạo sự thay đổi từ nhận thức tới hành động.

Một trong những bước ngoặt mà thế giới đã vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt được là Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) hay còn gọi là Hiệp định về Biển cả, được chính thức thông qua tại khóa họp thứ năm Hội nghị Liên chính phủ của LHQ tháng 6/2023 và được gần 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký kết vào tháng 9/2023. Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại; điều chỉnh toàn diện việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn tài nguyên biển tại các vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, có một thực tế là tiến trình phê chuẩn hiệp định khá chậm chạp. Nhân Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay, LHQ kêu gọi các nước nhanh chóng phê chuẩn hiệp định, đồng thời chuyển đi thông điệp rằng cộng đồng quốc tế không chỉ cần hiểu biết sâu sắc hơn về sự rộng lớn, bao la của đại dương, mà còn phải nhận thức sâu sắc rằng chúng ta đang lấy đi nhiều thứ từ đại dương hơn mức được bổ sung. Từ hiểu biết sâu sắc đến nhận thức và hành động đúng, thế giới cần cùng nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương.

Lào nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi

Trần Tuấn và Hồ Hải - phóng viên VOV thường trú tại Vientiane Lào đưa tin: Theo kết quả điều tra chỉ số xã hội Lào cho thấy, các chỉ tiêu của Chính phủ Lào về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt kết quả tích cực, đặc biệt là tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm mạnh.

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã công bố số liệu về tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi ở nước này trong vòng hơn 20 năm qua.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2012 – 2023, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 79 xuống còn 28/1000 trẻ. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ và tiếp cận chăm sóc y tế, tỷ lệ sống sót của trẻ dưới 5 tuổi ngày càng tăng cao, từ 41,5% năm 2012 lên 79,8% trong năm 2023.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Lào đang còn khoảng cách khá xa. Thủ tướng Lào cho biết sẽ tiếp tục phấn đấu và đầu tư nhiều hơn cho trẻ em nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, vì sự phát triển của trẻ em Lào trong tương lai cũng như sớm đặt mục tiêu của LHQ về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 25/1000 trẻ vào năm 2030. Thủ tướng Lào nhấn mạnh.

Mục tiêu của Chính phủ Lào hướng đến là xây dựng môi trường lành mạnh; tạo điều kiện và cơ hội để trẻ phát triển vì đây là thế hệ tương lai để phát triển đất nước. Lào đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em và có nhiều chính sách, quy định về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và phát triển trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại