Pep Guardiola đang bóp nghẹt học trò
Được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên uyên bác là lợi thế, nhưng cũng có thể là bất lợi, khi không phải cầu thủ nào cũng có thể "thẩm thấu" được mọi tính toán của ông thầy tài năng. Man City chính là ví dụ.
Đây là vấn đề mà cựu danh thủ Liverpool, Dietmar Hamann vừa chỉ ra. Theo Dietmar Hamann thì Pep Guardiola đã "bóp nghẹt sự sáng tạo của các học trò" thông qua việc biến trận đấu thành một bài thi về kiến thức quá khô khan.
Yếu tố đã đưa Man City vào tới trận bán kết Champions League chính là một tập thể đồng đều, được tổ chức cực tốt. Tuy nhiên, toan tính chiến thuật không phải lúc nào cũng tốt.
Khi các huấn luyện viên đều đủ thời gian và kiến thức để đọc vị nhau thì yếu tố sáng tạo từ chính cầu thủ sẽ tạo ra bước ngoặt trận đấu. Real Madrid có được điều này, Liverpool của Juergen Klopp cũng có, nhưng Man City của Pep Guardiola thì không.
Một số chuyên gia cho rằng Pep Guardiola đang bóp nghẹt sự sáng tạo của học trò.
Hiểu nôm na thì Pep Guardiola là một người mẹ muốn ôm đồm mọi việc. Ông không tin tưởng giao từng công việc cho các con của mình và yêu cầu chúng phải chịu trách nhiệm. Thay vào đó, Pep sẽ cầm tay chỉ việc từng đứa con. Lâu dần, thói quen này sẽ biến các con của Pep thành những cỗ máy làm việc theo chỉ đạo một cách thụ động. Khi không dám tự đưa ra các quyết định đồng nghĩa với việc các cầu thủ Man City sẽ sợ trách nhiệm. Đó chính là vấn đề lớn nhất của Man City.
Không ai dám nghi ngờ đẳng cấp của Pep Guardiola. Nhưng tại sao một chiến lược gia đẳng cấp lại trải qua tới 6 lần bị loại khỏi Champions League từ bán kết (nhiều nhất trong lịch sử)? Bị loại khỏi Champions League từ bán kết được gọi ví von là "cái chết trước ngưỡng cửa thiên đường". Nó đau đớn hơn cả thua ở trận chung kết.
Tại anh, tại ả, tại cả đôi đường
Có rất nhiều người nói rằng, thất bại trước Chelsea ở trận chung kết Champions League mùa trước và bi kịch thua ngược Real Madrid rạng sáng qua là vấn đề của Man City. Câu lạc bộ này sau nhiều năm tôi luyện trong môi trường bóng đá đỉnh cao đã nâng cấp đáng kể trình độ, nhưng bản lĩnh, sự lạnh lùng của một ông lớn là điều mà Man City chưa tu luyện được.
Man City hãy nhìn vào chính Real. Trong 2 trận bán kết lượt đi và về, Real mới là đội bóng chịu bất lợi lớn hơn. Họ bị dẫn trước ở trận lượt đi, và tiếp tục ở trong thế rượt đuổi trận lượt về. Nhưng trong nghịch cảnh, bản lĩnh đã thổi bay sự run sợ của Real, biến họ thành một sát thủ lạnh lùng. Chỉ cần đối phương để lộ ra một sơ hở nhỏ, Real sẽ tận dụng để tung đòn kết liễu.
Đây chính là tố chất mà Man City không có. Nếu các bạn còn nhớ thì ở trận lượt đi, Man City đã có ít nhất 1 cơ hội rõ ràng để nâng tỷ số lên 3-0, qua đó chặn đứng hy vọng gỡ gạc của Real. Nhưng Man xanh đã bỏ lỡ. Bên đường pitch, Pep Guardiola như phát điên. Ông tỏ ra vô cùng giận dữ khi học trò bỏ lỡ cơ hội.
Pep Guardiola đã có khoảnh khắc như "phát điên" khi đối đầu Real.
Cơn giận dữ của Pep Guardiola là hợp lý, nhưng có bao giờ Pep Guardiola nghĩ rằng, việc "sa bàn hoá" lối chơi của Man City, biến các cầu thủ thành cỗ máy chiến đấu, ông đã gián tiếp loại bỏ đi yếu tố thuần khiết nhất của bóng đá: Những giây phút ngẫu hứng.
Đá bóng mà não bộ chỉ chạy hệ điều hành để phân tích chiến thuật thay vì sản sinh ra cảm hứng thì làm sao có những giây phút thăng hoa. Khi không được rèn luyện thường xuyên để não bộ thích nghi với hoàn cảnh thì sự sụp đổ khi gặp chuyện ngoài ý muốn là tất yếu.
Và Pep Guardiola cũng đừng quên rằng, trong trận thua Chelsea năm ngoái, ông chính là tội đồ vì những toan tính quá phức tạp. Đến thất bại trước Real Madrid rạng sáng qua, cũng chính ông đã phá hỏng bữa tiệc của Man City bằng những quyết định thay người khó hiểu.
Pep Guardiola luôn nghĩ nhiều hơn khả năng suy nghĩ của các học trò, và điều đó tạo ra độ vênh giữa việc tạo ra chiến thuật và thực thi chiến thuật. Đó chính là vấn đề của một huấn luyện viên quá giỏi. Ông ta luôn cố gắng suy nghĩ nhiều hơn đối thủ, nhưng có bao giờ tự đặt câu hỏi: Liệu học trò của mình có thẩm thấu được hết hay không?
https://soha.vn/nghich-ly-o-champions-league-pep-guardiola-bai-tran-vi-qua-gioi-2022050520272484.htm