Máy bay không người lái Orlan-10 của Nga, với nhiều bộ phận được sản xuất tại Mỹ và các đồng minh châu Âu, là chìa khóa cho năng lực pháo binh của nước này tại Ukraine. Ảnh: Twitter
Theo tờ Asia Times, khi Mỹ chuẩn bị chuyển giao hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS cho Ukraine trong nỗ lực mới nhất để củng cố lực lượng của Kiev bằng các thiết bị chiến đấu tiên tiến, ít ai để ý rằng hệ thống pháo của Nga lại dựa vào các bộ phận điện tử và linh kiện do Mỹ và phương Tây sản xuất.
Vì vậy, trong khi Ukraine đang nhận được sự ủng hộ công khai từ Mỹ và các nước châu Âu đối với các hệ thống pháo của mình, thì Nga cũng đang dựa vào hàng nghìn linh kiện của phương Tây để đảm bảo các hệ thống của mình luôn hoạt động và khai hỏa vào các vị trí của Ukraine. Đặc biệt, những bộ phận đó đang duy trì hoạt động của đội máy bay không người lái xác định mục tiêu Orlan-10 của Nga.
Pháo do phương Tây cung cấp cho Ukraine có tầm bắn xa hơn loại Nga đang triển khai. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 108 lựu pháo kéo M777 155mm trong khi Canada và Australia gửi số lượng ít hơn.
Gần đây M777 đã được nâng cấp với đạn pháo M982 Excalibur dẫn đường bằng GPS. Những loại đạn pháo có tầm bắn xa hơn - lên tới 70 km - mang lại lợi thế đáng kể cho lực lượng Ukraine.
Ukraine cũng đang nhận được sự hỗ trợ tình báo rộng rãi từ Mỹ, các đối tác NATO và các quốc gia khác, giúp họ có thể tấn công chính xác các mục tiêu quân đội Nga có giá trị cao.
Các báo cáo chỉ ra rằng các hệ thống HIMARS được gửi đến Ukraine, ban đầu là bốn bộ để huấn luyện, sẽ được trang bị tên lửa đơn nguyên GMLRS, cũng có tầm bắn lên tới 70 km. Chúng có một đầu đạn đơn khối (M31) nặng 90kg được thiết kế để hạ gục các mục tiêu điểm.
HIMARS cũng có thể phóng tên lửa tầm xa hơn nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông không muốn chuyển các hệ thống có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Một ưu điểm chính của HIMARS so với M777 là nó di động và có thể "bắn và rút". Nhưng người Nga cũng có thể như vậy.
Thuỷ quân lục chiến Mỹ diễn tập với một hệ thống HIMARS tại căn cứ trên đảo Okinawa, Nhật Bản vào 18/6/2020. Ảnh? US Marine Corps
"Câu trả lời" của Nga đối với các hệ thống pháo được phương Tây gửi tới Ukraine là MSTA SM-2, một hệ thống pháo 152mm di động được đặt trên khung gầm lấy từ xe tăng chiến đấu chủ lực T-73 của Nga.
Đạn bắn từ loại pháo này có tầm bắn từ 30 - 40 km, kém xa so với đạn pháo đang được cung cấp cho Ukraine. Gần đây, người Nga đã bổ sung một loại đạn dẫn đường bằng laser mới có tên Krasnopol-D, cải thiện tầm bắn một chút lên 43 km.
Có hai khía cạnh thú vị trong việc Nga sử dụng pháo so với Ukraine. Ukraine chủ yếu sử dụng pháo binh để nhử và hạ gục càng nhiều thiết bị của Nga càng tốt, nhưng không phải là một chiến thuật chiến đấu tấn công.
Trong khi đó, Nga đang cố gắng sử dụng pháo binh để tạo ra những "thế chân vạc", nơi có thể sử dụng hỏa lực tối đa để đánh bật các lực lượng Ukraine ra khỏi các địa điểm chiến lược.
Pháo binh Nga ngày càng có khả năng bắn chính xác. Lựu pháo tự hành bọc thép MSTA của Nga hiện được liên kết với máy bay không người lái Orlan-10.
Máy bay không người lái có thể xác định mục tiêu và cung cấp tọa độ bằng cách sử dụng phương pháp tam giác chính xác và cũng có thể chờ sẵn để đảm bảo mục tiêu đã bị tiêu diệt. Một số máy bay không người lái Orlan-10 còn trang bị bộ chỉ định laser.
Nhưng điều đáng chú ý là Orlan-10 sẽ không thể bay nếu không có các bộ phận do Mỹ và đồng minh cung cấp. Orlan-10 là một máy bay không người lái do Nga chế tạo, được sản xuất chủ yếu bằng các bộ phận từ Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan/Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Israel và các nước khác.
Các phiên bản đầu tiên của máy bay không người lái này dễ bị gây nhiễu điện tử, nhưng các phiên bản cao cấp hơn cũng có camera nhiệt có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm và được trang bị thêm chip GPS Kometa M-VT chống nhiễu, được sản xuất tại Nga qua giấy phép của Israel.
Các phiên bản trước đó của máy bay không người lái Orlan-10 còn sử dụng máy ảnh Canon thương mại của Nhật Bản, cụ thể là các mẫu 750D và 800D. Người Nga đã dán các nút xoay cài đặt trên máy ảnh để không thể dễ dàng thay đổi chúng. Động cơ Orlan-10 cũng do Nhật Bản sản xuất.
Một số công ty khác của phương Tây tham gia cung cấp các bộ phận cho máy bay không người lái Orlan-10 có thể kể đến như: Lynred (Pháp), AxisIPVideo (Thụy Điển), Cirocomm (Đài Loan/Trung Quốc), Ublox (Thụy Sĩ), XilinxInc (Mỹ), AllianceMemory (Mỹ), Sony Playstation, Saito (Nhật Bản, nhưng động cơ sản xuất tại Trung Quốc).
Orlan-10 có nhiều phiên bản và hơn 1.000 chiếc đã được sản xuất. Khoảng 50 máy bay không người lái trong số này được cho là bị lực lượng Ukraine bắn hạn, trong đó một nửa do bị gây nhiễu "tiêu diệt mềm".
Nga triển khai nhiều loại máy bay không người lái khác nhau ở Ukraine, một số dùng để trinh sát, một số dùng cho chiến tranh điện tử và một số khác ở dạng máy bay không người lái tấn công, bao gồm cả drone liều chết.
Sự phát triển của máy bay không người lái Nga tụt hậu so với các hệ thống của phương Tây và Trung Quốc, và Nga thiếu cơ sở công nghiệp cho các bộ phận quan trọng. Điều đó đồng nghĩa nước này phụ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài cho máy bay không người lái. Điều này cũng đúng với các loại vũ khí khác của Nga sử dụng thiết bị điện tử nhập khẩu.
Điều gây ngạc nhiên là, bất chấp tất cả các lệnh cấm vận áp đặt đối với Nga, các hệ thống điện tử và quang học công nghệ cao mà Nga cần lại không bị cấm vận cụ thể từng loại. Washington đã bỏ qua nguồn cung cấp cực kỳ quan trọng này cho cỗ máy chiến đấu của Nga.