Nghe lời dạy từ ông Park Hang-seo lại nhớ bài phỏng vấn "chấn động" của HLV Miura

Đoàn Dự |

Mới đây, HLV Park Hang-seo chia sẻ việc ông phải uốn nắn cầu thủ Việt Nam từ lời chào dành cho người lớn tuổi, tới việc loại bỏ thói quen xấu là ngủ trưa.

Lời dạy của thầy Park

Chia sẻ với Lao Động, HLV Park Hang-seo nói: "Có một điều trong cách sinh hoạt là cầu thủ Việt Nam ăn xong ai cũng ngủ trưa. Trong khi cầu thủ Hàn Quốc không ngủ trưa bao giờ, họ ăn xong, nghỉ ngơi một lát và bắt đầu ngay vào công việc buổi chiều".

Ông chia sẻ tiếp về việc phải dạy cầu thủ Việt Nam việc chào hỏi để tỏ lòng kính trọng với người lớn tuổi: "Cầu thủ Việt Nam thường ít chào hỏi nhau, trong khi đó cầu thủ Hàn Quốc đi đâu, gặp ai họ đều chào hỏi rất rõ ràng, đặc biệt là những người làm việc thân cận nhau.

Chính vì vậy mà thời gian gần đây, tôi đã yêu cầu gặp bất kỳ ai, người lạ, tất cả mọi thành phần, bạn bè… phải chào hỏi nhau theo đúng tinh thần có trên có dưới.

Trước đây, cầu thủ thấy tôi họ liếc một cái rồi bỏ đi. Nhưng bây giờ thì khác, buổi sáng đến gặp tôi hay các thành viên khác trong đội, họ thường chào hỏi rất nhiều. Tôi cũng không biết sự thay đổi đó tốt hơn hay xấu đi".

Nghe lời dạy từ ông Park Hang-seo lại nhớ bài phỏng vấn chấn động của HLV Miura - Ảnh 1.

HLV Park Hang-seo là người rất tình cảm và kĩ tính.

Những điều ông Park nói ra nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng lại khiến khâu đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam cảm thấy... cay cay. Vì ai lại để một HLV nước ngoài, vừa mới về Việt Nam chưa lâu phải dạy lại các ngôi sao của mình những thứ vốn rất "thuần Việt" như thế.

Tuy nhiên, nó lại là sự thật rành rành, và đấy cũng không phải lần đầu tiên một HLV ngoại phải lên tiếng bóng gió hoặc thắng thẳng chê bai bóng đá Việt Nam.

Bài phỏng vấn chấn động bóng đá Việt Nam của HLV Miura

Còn nhớ hồi cuối năm 2014, khi mới sang Việt Nam chưa lâu, HLV Miura đã gây sốc khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Nhật, với nội dung có rất nhiều phần chê bai bóng đá Việt.

"Thẳng thắn mà nói, V-League rất tệ. Cầu thủ không chịu chạy, và cũng không chịu khó vận động, có lẽ là vì trận đấu bắt đầu lúc 17h khi thời tiết còn nắng nóng. Điều này cũng có lý do của nó. Một là do truyền hình phát hai hoặc ba trận đấu cùng lúc. Hai là do lúc 19h có chương trình thời sự nên không thể tổ chức trận đấu vào lúc đó" - HLV Miura nói về V-League.

Nghe lời dạy từ ông Park Hang-seo lại nhớ bài phỏng vấn chấn động của HLV Miura - Ảnh 2.

HLV Miura rất tâm huyết với bóng đá Việt Nam nhưng đáng tiếc phải chia tay quá sớm.

Tiếp tục chê bai cầu thủ Việt lười di chuyển không bóng, ông nói: "Nếu ở Nhật Bản, chúng tôi phải thảo luận đẩy ai xuống với những câu hỏi đại loại "Tại sao không chọn cầu thủ này?".

Còn ở Việt Nam thì ngược lại, ban đầu tôi thấy hầu như không ai vừa mắt mình nên phải dùng phương pháp loại trừ. Nghĩa là, bỏ cậu này vậy thì chọn cậu kia thôi (cười). Sau đó chuyện huấn luyện mới bắt đầu.

Đặc trưng của cầu thủ ở Đông Nam Á có lẽ là ghét chạy hay phòng ngự. Những cầu thủ giỏi ở đây cũng chỉ giống như cầu thủ giỏi ở Nhật Bản 30 năm trước, chỉ giỏi khi giữ bóng. Với bóng đá chuyên nghiệp, điều này là tối kỵ. Tôi có cảm giác họ rất khó khăn để có thể chạy và chiến đấu được như mức độ hiện tại".

Và cũng giống HLV Park Hang-seo, HLV Miura cũng không mấy thiện cảm với nề nếp sinh hoạt của bóng đá Việt Nam:

"Trong bữa trưa, tất cả mọi người đều uống bia. Uống bia thực sự đấy. Sau bữa trưa là thời gian ngủ trưa. Mọi người sẽ ngủ trưa khoảng một tiếng. Đây là thói quen từ bé. Về thói quen này, ở công ty cũng như thế.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bắt đầu làm việc lúc 8h30, nhưng từ 8h30 đến 9h mọi người mới đến chỗ làm; từ 12-14h là thời gian nghỉ trưa và 16h30 kết thúc công việc.

Có trợ lý nói với tôi là anh ta muốn vị trí tốt hơn, tôi nghĩ trong bụng là: "Muốn vậy, thì hãy làm việc đi." Cảm giác về cuộc sống ở Đông Nam Á là như thế. Người bình thường thì khoảng 17h là kết thúc công việc".

Trận cầu giữa Long An với TP.HCM ở lượt đi V-League 2017 có thể đã không xảy ra bê bối nếu cầu thủ đội khách biết tôn trọng NHM.

Cả hai vị HLV đến từ 2 nền bóng đá hàng đầu châu Á đều đã lên tiếng chê bai bóng đá Việt Nam từ những điều tưởng chừng nhỏ nhất, chứ chưa nói tới những vấn đề vĩ mô như chơi thế nào, định hướng ra sao để túc cầu Việt Nam cất cánh ra sân chơi thế giới.

Và đau một chỗ, những điều họ nói hình như đều... đúng.

Trở lại với câu chuyện dạy các học trò chào hỏi của HLV Park Hang-seo, tôi nhớ lại một câu chuyện thế này. Số là trong một lần đi xem bóng đá, ông bố cùng cô con gái nhỏ đã ngồi nhầm chỗ của một ngôi sao lớn làng túc cầu Việt.

Khi quay trở lại chỗ, anh chàng ngôi sao này rất bất ngờ, nhưng thay vì nói một lời nhỏ nhẹ để yêu cầu 2 bố con nhường lại chỗ cho mình, cầu thủ này đã im lặng, nhìn gườm gườm với ánh mắt rất khó chịu.

Tất nhiên, khi đối diện với ánh mắt đó, hai bố con hiểu mình đã ngồi sai chỗ và rời đi. Nhưng e rằng trong lòng họ, thiện cảm dành cho ngôi sao trụ cột trên ĐTQG Việt Nam đã không còn. Và cũng nói thêm rằng, trong sự nghiệp thi đấu của mình, ngôi sao ấy đã không ít lần dính những tai tiếng lớn, với đồng nghiệp và trọng tài, đều vì cách hành xử.

Đã từng có rất nhiều những câu chuyện mà chính cầu thủ trong giới phải ngán ngẩm lẫn nhau, như chuyện một trung vệ đạp gãy chân đồng nghiệp rồi đợi tới khi báo giới, NHM chỉ trích kịch liệt mới lên tiếng xin lỗi.

Những tưởng sau bài học đó, anh này đã biết đến hai chữ "hối hận" thì sau này lại dính thêm cái phốt vu khống cho nạn nhân cố tình "làm khó" mình...

Nghe lời dạy từ ông Park Hang-seo lại nhớ bài phỏng vấn chấn động của HLV Miura - Ảnh 4.

Cứ làm từng việc một lại hay, thầy Park ạ!

Quay ngược trở lại câu chuyện của HLV Miura, những điều ông đã chỉ ra đều rất đúng, rất rộng nhưng đáng tiếc, sau khoảng 1 năm rưỡi chiến lược gia này làm việc ở Việt Nam, hình như chẳng có gì thay đổi.

Cách tiếp cận của ông Park Hang-seo có vẻ khác. Người ta thấy vị HLV này làm nhiều hơn và nói ít hơn, hoặc làm rồi mới nói. Thực tế thì những gì ông Park chạm tới đều đã ít nhiều có thay đổi và biết đâu khi gắn bó thêm nữa với bóng đá Việt Nam, ông sẽ tạo ra được nhiều sự thay đổi nữa?

"Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc" - thực ra để nói một câu kinh điển như thế, ai mà chẳng làm được. Nhưng cái khó là làm thế nào để thay đổi nó, thay vì nói những điều quá tầm tay. Thôi thì cứ làm dần, từ những cái nhỏ nhất như ông Park Hang-seo.

HLV Park Hang-seo cùng ĐT Việt Nam đi vòng quanh SVĐ Mỹ Đình cảm ơn NHM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại