Ngay gần Sài Gòn có một vùng đất du lịch sinh thái và tâm linh, đi tour chỉ khoảng 1 triệu

Bài và ảnh: Thanh Thu |

Làng nhang Lê Minh Xuân, khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò, khu truyền thống cách mạng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, và chùa “Phật cô đơn” là những điểm đặc sắc để du khách tham quan khi đến huyện Bình Chánh, cách trung tâm Sài Gòn tầm 20km.

 Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò 

Láng Le – Bàu Cò (Tân Nhựt) thuộc căn cứ Vườn Thơm. Nơi đây xóm làng được thành lập bên cạnh những con sông và kênh rạch chằng chịt. Láng Le – Bàu Cò nằm trong cánh đồng bưng biền rộng lớn, tự nhiên đã tạo ra những “cái láng”, “cái bàu” cho nhiều loại thủy hải sản như tôm, cua, cá, cũng là mảnh đất lành cho các loài cò, le le, vịt trời, cúm núm, trích, cồng cộc, cuốc, đa đa, đỏ nách, diệc… tìm đến cư ngụ.

Trong hai năm trở lại đây, khu di tích Láng Le - Bàu Cò được đưa vào chương trình tham quan của du khách. Đây là một bước ngoặt mới trong lộ trình phát triển du lịch huyện, trong đó, tập trung vào 3 loại hình bao gồm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch tâm linh tại các xã Tân Nhựt, Bình Lợi và Lê Minh Xuân.

Ngay gần Sài Gòn có một vùng đất du lịch sinh thái và tâm linh, đi tour chỉ khoảng 1 triệu - Ảnh 1.

Du khách tưởng niệm các chiến sĩ trong trận Láng Le - Bàu Cò trong chuyến tham quan sau đợt dịch thứ 4.

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt, thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn, chia sẻ, trong tour “Bình Chánh-Những điều chưa kể” mà công ty ông thiết kế, người dân tại địa phương và người từ các nơi khác về đây tham quan sẽ ngạc nhiên về tiềm năng du lịch chưa được khai thác trọn vẹn của Bình Chánh. Tour hứa hẹn mang đến cho đến cho người tham gia một góc nhìn mới mẻ về sinh thái, con người, di tích lịch sử, văn hóa và làng nghề truyền thống.

Huyện Bình Chánh là cửa ngõ Tây Nam đi về đồng bằng sông Cửu Long của TPHCM, đi qua đường Quốc lộ 1, giáp với Long An. Huyện Bình Chánh trước kia là một xã được thành lập vào năm 1984, được sáp nhập bởi thôn Tú Trà, xã Bình Tú, thôn Ngũ Xã, thôn Long Hội Hiệp xã Bình Phú, một phần đất được cắt ra từ xã Bình Quế và một số dân ở vùng Đông đi kinh tế mới đến sinh sống.

Sau chiến tranh, huyện Bình Chánh có 43 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 163 liệt sỹ, 19 thương binh, 05 bệnh binh và 236 gia đình chính sách. Huyện được chủ tịch nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho lực lượng vũ trang và nhân dân, vinh dự được Tặng thưởng Huân chương lao động hạng 2.

Huyện được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 138/2003/QĐ-UB ngày 05/8/2003, khu Láng Le – Bàu Cò là nơi diễn ra trận chống càn bảo vệ căn cứ kháng chiến và lực lượng võ trang Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Được hoàn thành trên diện tích khoảng 12 ha, với tổng mức đầu tư hơn 590,6 tỷ đồng (nguồn Ngân sách TP) năm 2020, khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là điểm thứ hai được chính quyền huyện Bình Chánh quan tâm trong việc phát triển du lịch huyện.

Công trình được tổ chức khởi công vào ngày 1/2/2013, bao gồm 2 dự án thành phần: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tưởng niệm liệt sĩ Xuân Mậu Thân 1968 bao gồm các hạng mục: Xây dựng hệ thống đường giao thông và hệ thống thoát nước; kênh và hồ điều hòa, xây dựng cầu, hệ thống điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, xây lắp hạng mục cấp nước, xây dựng trạm xử lý nước thải.

Dự án Xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Xuân Mậu Thân 1968 với các hạng mục kiến trúc cảnh quan bao gồm: Nhà truyền thống, chòi nghỉ chân, hồ sen, văn bia, biểu tượng 4 mũi tiến công, lối đi nội bộ…

Ngay gần Sài Gòn có một vùng đất du lịch sinh thái và tâm linh, đi tour chỉ khoảng 1 triệu - Ảnh 3.

Không gian trưng bày “nhuốm màu” cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968.

Nằm trong tour “Bình Chánh – những điều chưa kể”, bản thân là một hướng dẫn viên, ông Duy nhấn mạnh, "với không gian trưng bày vật thể rộng lớn của khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, du khách và người dân địa phương có thể hiểu nhiều hơn về chiến tranh Việt Nam. Đây là một tour trong ngày, nhưng để tour thành công mang lại cảm xúc vỡ òa cho du khách, đòi hỏi hướng dẫn viên cần nghiêm túc tìm hiểu những thông tin lịch sử và khả năng kết nối các sự kiện cho quá trình thuyết minh.”

Làng nhang Lê Minh Xuân

Ngoài các giá trị lịch sử, huyện Bình Chánh hiện vẫn đang thu hút khách theo tour hay các bạn trẻ đến làng nhang Lê Minh Xuân, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 30 km. Làng nhang trải dài từ hướng chùa Thanh Tâm (chùa Phật cô đơn) đến Khu di tích Láng le Bàu Cò, với hơn 350 hộ gia đình theo nghề làm nhang truyền thống.

Trong số các hộ theo nghề này, cơ sở của chị Nguyễn Cát Bụi Thúy, 45 tuổi là lớn và lâu đời nhất, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 nhân công. Chị đã gắn bó với công việc này hơn 20 năm. Trong thời gian Covid-19, giá nguyên liệu tăng và khan hiếm hơn, cộng với thời gian nghỉ dịch nên công việc dồn vào cuối năm. Trung bình, mỗi nhân công có thể làm 50-60 thiên nhang/ngày (mỗi thiên là 1.000 cây).

Ngay gần Sài Gòn có một vùng đất du lịch sinh thái và tâm linh, đi tour chỉ khoảng 1 triệu - Ảnh 4.

Khách tham quan tạo dáng chụp ảnh tại cơ sở làm nhang của chị Thúy.

Du khách đến thăm làng nhang sẽ được xem quá trình làm ra một cây nhang thành phẩm, từ khâu trộn bột, thêm hương liệu như trầm hương, bột tràm, bột quế… cho đến các công đoạn sấy, phơi nhang và đóng gói. Có thể mua nhang về dùng trong gia đình với giá sỉ, từ 25.000 - 40.000 đồng/thiên, tầm 1-1,2 kg nhang.

Trong quyển “Làng nghề thủ công truyền thống tại TP HCM” có nhắc trung tâm sản xuất nhang của thành phố tập trung ở quận 6, nơi có đông người Hoa sinh sống với nghề làm nhang truyền thống trước năm 1975. Cùng với sự phát triển đô thị, cộng đồng làm nhang dần chuyển ra xa đến các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai ở huyện Bình Chánh.

Chùa “Phật cô đơn”

Nhắc đến Bát Bửu Phật Đài, có thể có người không biết, nhưng khi nói địa danh chùa “Phật cô đơn” dường như không ai xa lạ. Bát Bửu Phật Đài được tôn tạo vào năm 1959 và hoàn thành vào năm 1961. Phật đài có kiến trúc hình bát giác, cao 3m. Trên đài, tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca cao 7m, nặng khoảng 4 tấn do Hội Phật học Nam Việt chủ trương tôn tạo, với sự tùy hỷ hiến cúng của cư sĩ Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Ngay gần Sài Gòn có một vùng đất du lịch sinh thái và tâm linh, đi tour chỉ khoảng 1 triệu - Ảnh 6.

Khuôn viên rộng lớn của Bát Bửu Phật Đài hay chùa “Phật cô đơn”.

Trước khi trở về trung tâm thành phố, bạn thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng của công viên văn hóa Láng Le, trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe như massage vai-cổ-gáy, ngâm châm thảo dược, tư vấn cơ xương bóp… theo liệu pháp y học cổ truyền hoặc đạp xe xuyên rừng để tận hưởng một mảng xanh của khu rừng Lê Minh Xuân, một trong những điểm che dấu lực lượng cách mạng trong chiến tranh Việt Nam.

Nếu theo tour, khách tham gia sẽ dùng bữa sáng cơm tấm Đại Hàn ở nhà hàng Đỗ Phủ, một cơ sở hoạt động bí mật của Biệt Động trong chùm tour Biệt Động Sài Gòn ở Quận 1. Nếu là du khách tự do, bạn có thể mất tầm 45 phút để đến các điểm tham quan đã nói bằng xe máy.

Theo ý kiến của Công ty du lịch Chim Cánh Cụt và Golden Smile, Bình Chánh là vùng chuyển tiếp đi các tỉnh miền Tây, đặc biệt giáp ranh Long An. Sau Covid-19, đây là một lợi thế trong việc phát triển đa dạng các dòng tour sinh thái, tâm linh, và lịch sử - văn hóa của cả huyện Bình Chánh và tỉnh Long An với giá tour trong ngày trên dưới 1 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại