Ngăn từ gốc nạn bớt xén thu nhập của VĐV

Đông Linh |

Chuyện lãnh đạo đoàn, các HLV bị tố cáo ăn chặn tiền công, tiền thưởng của VĐV tưởng đã lắng xuống sau lùm xùm của đội tuyển trẻ bóng bàn thì lại nổi lên sau sự việc liên quan một tuyển thủ thể dục dụng cụ và các HLV đội Hà Nội.

Cựu võ sĩ karate Bùi Việt Bằng lên tiếng trên một tờ báo về những điều anh đã được biết khi còn thi đấu từ… 20 năm trước. Thời đó, anh và đồng đội không có bất cứ ý kiến gì dù phải trích 5% tiền thưởng thành tích để gây quỹ, dùng trang trải nhiều khoản liên quan trong đội. Cựu tuyển thủ TDDC Phạm Phước Hưng cũng nói đến việc trích nộp 10% tiền thưởng thành tích cho huấn luyện viên nhưng nhấn mạnh đến việc sử dụng công khai, minh bạch như là tiền đề để "không phải chua xót" như câu chuyện liên quan đến tuyển thủ đàn em Phạm Như Phương.

Bớt xén thu nhập khắp nơi

Tháng 4-2012, chỉ vài ngày trước khi khởi tranh Giải Xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình TP HCM 2012, nhiều tay đua trụ cột của ê-kíp hùng mạnh Q. bất ngờ nhận án kỷ luật nội bộ, không được đăng ký thi đấu tại giải.

Câu chuyện ở đội TDDC làm xôn xao cả làng thể thao nước nhà nhiều ngày qua  Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Câu chuyện ở đội TDDC làm xôn xao cả làng thể thao nước nhà nhiều ngày qua .(Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Trong đơn gửi lãnh đạo Trung tâm TDTT Y. khi ấy, các VĐV tố cáo bị HLV C. ăn chặn tiền cùng nhiều chuyện liên quan khác. Ông thầy xuất thân từ một tay đua nổi tiếng này ưa ai thì chấm công, trả lương dù học trò không tập luyện hoặc đã nghỉ đấu. Ngược lại, những tay đua của đội thì không được cấp phát đủ tiêu chuẩn tiền thuốc bổ, phụ cấp tăng thêm khi thi đấu, chưa kể phần thưởng bằng hiện vật của VĐV bị ông "trưng dụng" nhưng không hề trả tiền theo thời giá cho học trò.

Năm 2014, sau chuyến du đấu giao hữu ở Lào trước thềm giải đồng đội toàn quốc, các VĐV đội bi sắt tỉnh T. phàn nàn phải bỏ tiền túi cho chuyến đi vô bổ này (quá sát ngày thi đấu giải toàn quốc ở Hà Nội, nhiều VĐV mất sức đến đổ bệnh).

Khi tham dự giải tại Hà Nội, 8 VĐV bị dồn vào 2 phòng nghỉ khách sạn giá thuê chỉ 250.000 đồng/phòng/ngày, trong khi tiêu chuẩn nghỉ của VĐV là 150.000 đồng/ngày/người. Sự việc này xảy ra qua rất nhiều giải, nhiều năm và không ai biết được phần tiền dôi ra đi đâu, về đâu ngoài ông trưởng bộ môn. Đó là chưa kể, vị này còn tổ chức cho VĐV đi thi đấu theo lịch trình "cuốn chiếu", đến nội dung nào thì VĐV ấy mới khởi hành trong khi chi phí khách sạn vẫn tính cho toàn đội.

Ngoài việc bớt xén tiêu chuẩn của VĐV, trưởng bộ môn D. còn có nhiều dấu hiệu bất minh về tài chính. Đưa đội đi thi đấu Giải Vô địch châu Á - Thái Bình Dương tháng 6-2013, ông D. nhập nhằng khoản tiền ăn một ngày mà các VĐV transit qua các sân bay ở Việt Nam, Singapore và Brunei. Đúng một năm sau, khi các VĐV phát hiện bảng quyết toán này, ông D. mới trả lại cho VĐV số tiền kể trên với lời giải thích "do không thấy ai thắc mắc"!

Đội tuyển quốc gia cũng không thoát

Tháng 11-2022, sau khi giành khá nhiều thành tích tại Giải Vô địch thế giới tổ chức ở Malaysia, thêm vào đó là những tấm huy chương các tuyển thủ mang về tại SEA Games 31 diễn ra ở Việt Nam hồi giữa năm, HLV N. của một đội tuyển thể thao yêu cầu các thành viên trong đội đóng góp mỗi người vài triệu đồng để mua quà "cảm ơn" lãnh đạo và các bên liên quan.

Không hề có ý phản đối việc đóng góp này, một số VĐV chỉ nói "không sẵn tiền mặt, đề nghị HLV trưởng cho số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền cho tiện". Dĩ nhiên, vị HLV trưởng của đội đủ tỉnh táo để không đưa ra tài khoản cá nhân cho VĐV, như sau này một cộng sự của ông ta lý giải: "Lỡ đâu đó là bằng chứng thì không ổn cho ông ấy"!

"Thoát" được một vụ lớn, các thành viên đội tuyển này dù vậy cũng vướng vào chuyện khác, đó là bị trừ thẳng vào lương hằng tháng vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng mỗi người để làm quỹ đội. Quỹ này dùng vào những việc gì, không ai được trao đổi cũng như được nắm bắt cụ thể. Nỗi ấm ức này chỉ được giải tỏa khi HLV này không tiếp tục được bổ nhiệm trong năm 2023.

Trở lại với câu chuyện của cựu thành viên đội TDDC Hà Nội và đội tuyển quốc gia Phạm Như Phương… Bài viết của cựu tuyển thủ Phạm Phước Hưng về vấn đề này trên một tờ báo hôm 18-1 tuy nhận được sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều người trong cũng như ngoài ngành thể thao, thế nhưng anh cũng chỉ có thể nói đến nỗi chua xót và sự thương cảm cho cả người bất đắc dĩ phải lên tiếng tố cáo lẫn người bị tố cáo.

Không thể khác được khi người bị tố cáo là đồng đội một thời còn VĐV phía "nguyên đơn" là thế hệ đàn em của chính Phạm Phước Hưng. Hưng chỉ nói "ai sai ở đâu cũng phải chịu trách nhiệm" mà chẳng thể chỉ thẳng ra bên nào sai trong sự việc mà anh cho là ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của môn TDDC.

Quà cảm ơn hay gánh nặng?

Phong tục của người Việt, ai mỗi khi đi xa ít nhiều đều suy nghĩ đến việc mang về chút quà cho bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp thân thiết ở nhà. Tuy vậy, không thể để chút quà tình cảm mang ý nghĩa tốt đẹp ấy trở thành "gánh nặng" với người trong cuộc. Với Bùi Việt Bằng, Phạm Phước Hưng hay mọi đồng đội cùng thời, khoản 10% trích từ tiền thưởng để "cảm ơn" lãnh đạo, HLV hoàn toàn không là vấn đề. Thế nhưng, đến khoản thưởng nóng mà cũng bị bớt xén đến 50% thì ngay cả người làm thể thao cũng khó chấp nhận nổi.

Vấn đề là cấp quản lý của các đội tuyển thể thao đều khăng khăng một điều: Không ai chỉ đạo, cũng chẳng có ai đưa ra chủ trương buộc VĐV phải nộp phần trăm mọi khoản tiền thưởng… Vậy câu hỏi tiền thu được đi đâu, về đâu, ai sẽ là người có đủ tư cách trả lời để giải tỏa nỗi bức xúc của dư luận? Các nhân vật trực tiếp liên quan có thể sẽ bị cho nghỉ việc, phải hoàn trả các khoản thu nhưng ngoài họ thì còn những ai liên quan trực tiếp và gián tiếp không được nhắc tới? 

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại