Ngăn bùng phát bệnh thủy đậu

Thanh Mai |

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 548 ca thuỷ đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 4 ca.

Ngăn bùng phát bệnh thủy đậu - Ảnh 1.

Tiêm vaccine phòng bệnh thuỷ đậu giúp phòng bệnh hiệu quả.

Số ca mắc tăng

Thống kê trên cả nước, trong 2 tháng 1-2/2023, cả nước ghi nhận gần 3.200 ca mắc thủy đậu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tại Hà Nội, theo nhận định của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân thuỷ đậu ghi nhận tại 18/30 quận huyện, trong đó một số quận, huyện có số mắc cao. Huyện Chương Mỹ tính đến ngày 21/3 đã ghi nhận 5 ổ thủy đậu trên địa bàn huyện, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 237 ca. Tiếp đến là Mê Linh (69 ca), Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).

BS Nguyễn Ngọc Trung - Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay: Tại Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, trong 2 tuần gần đây đã tiếp nhận 11 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Hầu hết các bệnh nhân đều là người lớn, một số người từng mắc bệnh thủy đậu từ khi còn nhỏ, một số mới lần đầu.

Theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thủy - Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, hằng năm bệnh thủy đậu thường diễn ra vào vụ Đông Xuân (tháng 11), tuy nhiên hiện tại mới đang là đầu năm nhưng đã xuất hiện bệnh thủy đậu, chủ yếu ở người lớn. Bệnh thủy đậu diễn ra trong đợt này cùng nhóm bệnh nhân đều là người lớn, đó là điều khác thường.

CDC Hà Nội cũng cho biết số ca mắc có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm khác lây truyền qua đường hô hấp như: cúm, ho gà, sởi,... cũng có thể gia tăng.

Tại TPHCM, các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn thành phố đều cho biết việc tiếp nhận trẻ đến khám và nhập viện vì mắc thủy đậu chưa biến động nhiều. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm bệnh thủy đậu gây bệnh nhiều nhất (vào tháng 2 đến tháng 6 hằng năm).

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) cho biết, tại phía Nam hiện là thời điểm bắt đầu mùa dịch thủy đậu kéo dài đến hết tháng 6. Có thể nói, nguy hiểm nhất là trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc bệnh do lây từ mẹ. Đáng chú ý, theo BS Khanh, nếu người mẹ bị nhiễm bệnh trong vòng năm ngày trước sinh và hai ngày sau sinh thì trẻ sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lây từ mẹ sang. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giai đoạn này rất cao, lên đến 25 – 30% số trường hợp bị nhiễm. Sai lầm của các bà mẹ là khi phát hiện bệnh liền cách ly con, không cho con bú nhưng thực tế bệnh đã lây từ trước đó. Khi không được bú sữa mẹ, đề kháng của trẻ càng giảm thì mức độ bệnh lại càng nặng.

Còn BS Nguyễn Trần Nam - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố khuyến cáo, do thủy đậu là bệnh có thể điều trị ngoại trú nên BS khuyến khích các gia đình điều trị tại nhà bởi càng nhiều trẻ nhập viện càng dễ lây nhiễm chéo cho những bệnh nhi khác đang điều trị tại bệnh viện.

Theo các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc một số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Biến chứng nguy hiểm

Theo TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.

BS Đỗ Duy Cường phân tích, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.

Các chuyên gia cho biết, theo chu kỳ, sau 3-5 năm thủy đậu sẽ quay trở lại thành những vụ dịch, vì vậy, những người chưa có miễn dịch chủ động hoặc thụ động nên rất dễ mắc khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm và dễ lây thành dịch. Những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ và người lớn có nguy cơ cao (bị suy giảm miễn dịch, đang sử dụng hoá chất, dùng corticoid liều cao) rất dễ biến chứng và rất nặng nề. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em từ 12 tháng tuổi nên tiêm vaccine thủy đậu và tiêm đủ liều. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vaccine thủy đậu, để tránh khi mang thai nhiễm bệnh có thể truyền cho con. Người dân đi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang, khi có dấu hiệu sốt, nổi nốt phỏng cần đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám để được bác sĩ tư vấn. Điều quan trọng là người bệnh phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn. Người bị thủy đậu nếu có nốt phỏng dạng nước đục không trong, nghĩa là có bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ mắc thủy đậu nếu ho, sốt tăng, đau đầu, nôn, chậm chạp hơn... thì cần đến bệnh viện, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại