"Trong cuộc gặp gỡ, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế ưu tiên hiện nay như: Hợp tác thương mại, xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới... Đặc biệt, hai bên sẽ chính thức thảo luận về khả năng cung cấp tổ hợp tên lửa S-400 và các điều khoản kèm theo", ông I. Cevik cho biết.
Hồi tháng 11-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik đã lần đầu tiên công khai mong muốn sở hữu tổ hợp tên lửa S-400 hiện đại từ Nga. Nhiều khả năng, đặt mua tổ hợp S-400 sẽ được thực hiện theo khuôn khổ chương trình tìm mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm hiện đại T-LORAMIDS.
Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến qua T-LORAMIDS sẽ mua 12 tổ hợp tên lửa phòng không mới và yêu cầu nhà thắng cuộc phải thành lập liên doanh với công ty nội địa để phát triển tổ hợp tên lửa phòng không mới. Tổng giá trị của hợp đồng ước tính nhiều tỷ USD.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf
Giới chuyên gia quân sự nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn sở hữu S-400 ngoài những yếu tố về đặc điểm kỹ - chiến thuật đáp ứng mọi mong muốn của Ankara, còn là mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn với Nga, nhất là trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang hồi phục mạnh mẽ sau vụ việc máy bay F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24M2 của Nga trên không phận Syria cuối năm 2015.
Một vấn đề lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi mong muốn sở hữu S-400 là sự ngăn cản của các quốc gia thuộc NATO.
Phương Tây và Mỹ luôn lên tiếng phản đối việc tích hợp các thành phần tên lửa phòng không có nguồn gốc Nga và Trung Quốc vào hệ thống phòng không chung của NATO (Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên khối NATO) với lo ngại lộ lọt thông tin và khả năng đồng bộ hệ thống.
Thậm chí, giới chức quân sự NATO còn dọa trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi hệ thống phòng thủ tên lửa chung của khối. Cũng vì lý do này, gói thầu T-LORAMIDS từng bị trì hoãn và hủy kết quả hồi tháng 9/2013.
Nga giới thiệu tổ hợp S-400 từ năm 2007 và phương Tây đặt định danh cho dòng tên lửa phòng không này là SA-21 Growler. Hiện tại, Nga đã triển khai 19 tiểu đoàn S-400 ở các khu vực trọng yếu. Hiện tại, do chưa đáp ứng đủ nhu cầu của Quân đội Nga, chưa có tổ hợp S-400 nào được xuất khẩu.
Theo lời giới thiệu của nhà sản xuất, S-400 có thể giám sát 300 và tấn công cùng lúc 36 mục tiêu trên không bằng 72 đạn tên lửa có tốc độ tối đa 4,8 km/s chỉ trong cùng loạt phóng. Xác xuất tiêu diệt mục tiêu của S-400 vào khoảng 80% tới 95% tùy theo chủng loại mục tiêu.