Nga và phương Tây đối đầu, tương lai đàm phán Moscow – Kiev ngày càng mờ mịt

Mai Trang |

Trong bối cảnh Nga huy động 300.000 quân dự bị và các nhà lãnh đạo phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine, khả năng đàm phán giữa Moscow và Kiev để chấm dứt cuộc xung đột trở nên mong manh hơn.

Đối đầu Nga - phương Tây tăng nhiệt

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nước phương Tây đang củng cố lập trường riêng về cuộc chiến ở Ukraine. Điều này làm phức tạp thêm giải pháp tiềm năng giúp hạ nhiệt cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 7 tháng.

Gần đây, Tổng thống Putin đã đưa ra những lời cảnh báo Ukraine và phương Tây. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tại Mỹ và châu Âu đang nỗ lực tăng cường hợp tác để hỗ trợ Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga và khiến Moscow phải chịu những hậu quả kinh tế do cuộc xung đột.

Nga và phương Tây đối đầu, tương lai đàm phán Moscow – Kiev ngày càng mờ mịt - Ảnh 1.

Các tân binh Nga. Ảnh: AP

Theo các nhà phân tích, sự đối đầu ngày càng gia tăng này có thể ngăn cản bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai gần.

Vào cuối tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh động viên một phần lực lượng dự bị trong nước, huy động khoảng 300.000 quân trong nhiều đợt để huấn luyện trước khi gửi tới chiến trường miền Đông Ukraine. Tới đầu tháng 10, Tổng thống Putin ký ban hành luật, hoàn tất quá trình chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Nga 4 vùng của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Ông Putin và các quan chức Nga khẳng định sẽ bảo vệ lãnh thổ mới sáp nhập, trong đó để ngỏ cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Giới phân tích cho rằng, các cuộc phản công của Ukraine đã khiến Nga có những hành động mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như việc huy động quân dự bị. Lý giải thêm về lý do của lệnh động viên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, nước này đang chiến đấu với các nước phương Tây tại Ukraine và thực tế phương Tây không muốn có hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây dường như đang làm căng thẳng hơn mối quan hệ chính trị và quân sự với Nga. Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới dành cho Ukraine, dự kiến bao gồm 4 bệ phóng hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), đạn dược, mìn và các xe chống mìn.

Bên cạnh đó, những ngày tới sẽ diễn ra một loạt các cuộc họp nhằm củng cố sự đoàn kết và sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine.

Trước những động thái đáng chú ý gần đây của Nga, EU đang thực hiện những hành động cứng rắn hơn, trong đó có việc đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt mới đối với Moscow, bao gồm áp giá trần đối với việc bán dầu Nga cho các nước thứ ba, vào ngày 5/10.

Gói trừng phạt mới nhất sẽ được thảo luận cụ thể tại hội nghị không chính thức lãnh đạo các nước EU ngày 6-7/10 tại Praha (Cộng hòa Séc). Tại hội nghị này, giới lãnh đạo châu Âu sẽ tìm cách đưa ra các phản ứng mới đối với các động thái mới nhất của Điện Kremlin.

Sự đoàn kết của EU

Các nhà lãnh đạo EU đã thể hiện sự cố gắng đoàn kết trong các phản ứng đối với Nga khiến nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của châu Âu phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, sự rạn nứt của EU đang ngày gia tăng trong việc xử lý tác động kinh tế khi Nga giảm nguồn cung khí đốt sang khu vực này.

Vào cuối tháng 9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này sẽ chi 200 tỷ euro để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng năng lượng. Kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích của Pháp và Italy, cho rằng động thái của Berlin làm dấy lên câu hỏi về sự công bằng.

"Nhiều nước thành viên không có ngân sách linh động như Đức và không thể hỗ trợ tương tự cho nền kinh tế của họ. Chúng ta phải tránh bóp méo sự cạnh tranh trong thị trường nội khối. Chúng ta không được châm ngòi một cuộc đua trợ giá, làm dấy lên hoài nghi về những nguyên tắc đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sự thành công của châu Âu", Thierry Breton và Paolo Gentiloni, hai ủy viên đại diện cho Pháp và Italy tại Ủy ban châu Âu (EC), cho biết.

Động thái của Đức đã khiến nhiều đồng minh EU không hài lòng vì Berlin là một trong những thành viên của khối phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn năng lượng của Nga cho nền kinh tế của mình. Do đó, sự gián đoạn nguồn cung đã ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với những ảnh hưởng lan ra toàn khối.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng "nếu không có một giải pháp chung cho châu Âu, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ chia rẽ nội bộ nghiêm trọng".

Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn có thể duy trì sự đoàn kết trong việc ủng hộ Ukraine. Tại Đức, lo ngại về giá năng lượng tăng cao và tình trạng thiếu điện trong mùa đông đang tăng lên, nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, 74% số người được hỏi đồng tình với việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine, tăng so với 71% vào tháng 8 và 70% vào tháng 7.

Một quan chức Pháp cho biết, các hành động gần đây của Nga chỉ củng cố sự đoàn kết của châu Âu. Điều này đã mở đường cho gói trừng phạt nghiêm khắc đầu tiên đối với Nga kể từ tháng 6, dự kiến có hiệu lực từ ngày 6/10 bất chấp những lời chỉ trích ngày càng tăng về các chính sách trừng phạt của khối nhằm vào Moscow, đặc biệt là từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Để gia tăng áp lực với Nga trong khi củng cố khả năng phục hồi của quân đội phương Tây, các quan chức quốc phòng của 30 nước thành viên NATO, cùng với 2 ứng cử viên Phần Lan và Thụy Điển, sẽ có cuộc họp thường kỳ vào tuần tới. Họ sẽ tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine và cải tổ liên minh nhằm giải quyết các mối đe dọa hiện tại và tương lai từ Nga.

Cuộc họp của NATO sẽ diễn ra trước cuộc họp của hơn 50 quốc gia cung cấp hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine, được gọi là Nhóm liên lạc quốc phòng về Ukraine. Các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng sự hợp tác và thống nhất của họ sẽ tăng sức ép lên Nga.

"Mục đích của Tổng thống Putin là ngăn chặn chúng tôi ủng hộ Ukraine, nhưng ông ấy sẽ không thành công trong việc đó. Thông điệp từ các đồng minh NATO và các đối tác của chúng tôi là sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau tuyên bố của Nga về việc sáp nhập các khu vực ở Ukraine./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại